Trung tâm của vùng đất “Chín rồng”
Cần Thơ được xác định là trung tâm kinh tế, khoa học, công nghệ và ĐMST của ĐBSCL - một vị trí chiến lược mang lại tiềm năng kinh tế - xã hội to lớn. TP Cần Thơ đang đặt ra những mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng, hướng tới mức tăng trưởng kinh tế 10,5-11% vào năm 2025. Mục tiêu dài hạn của Cần Thơ là trở thành một thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước ĐBSCL; đồng thời khẳng định vị thế là trung tâm khoa học, công nghệ và ĐMST hàng đầu của vùng, phấn đấu trở thành một trong các thành phố phát triển khá của châu Á.
Một yếu tố quan trọng tạo động lực mới cho TP Cần Thơ là việc sáp nhập với 3 tỉnh lân cận là Hậu Giang và Sóc Trăng. Sự sáp nhập này đã mở rộng quy mô dân số lên hơn 4 triệu người và diện tích khoảng 6.000 km2, tạo ra không gian và động lực phát triển kinh tế mới. Đặc biệt, việc cảng Trần Đề (Sóc Trăng cũ) được đầu tư nâng cấp theo hướng tiếp cận thương mại quốc tế sẽ là một lợi thế chiến lược, thúc đẩy hơn nữa vai trò trung tâm của TP Cần Thơ trong chuỗi logistics và thương mại của vùng.
Để hiện thực hóa các mục tiêu này, TP Cần Thơ đã và đang tích cực triển khai các nghị quyết của Trung ương về phát triển S.T.I.D. Cụ thể, thành phố đã ban hành các chương trình và kế hoạch hành động cụ thể nhằm tạo dựng nền tảng vững chắc cho sự tăng tốc bứt phá của hệ sinh thái ĐMST.
Sự liên kết chặt chẽ giữa các mục tiêu phát triển quốc gia, khu vực và địa phương đã định vị Trường Đại học Cần Thơ không chỉ là một cơ sở giáo dục mà còn là một “tài sản chiến lược quan trọng”. Mục tiêu "tăng tốc bứt phá" của thành phố phụ thuộc vào việc Trường Đại học Cần Thơ có thể tận dụng vị thế của mình trong bối cảnh chiến lược rộng lớn này để chuyển đổi đầu ra học thuật thành tác động kinh tế và xã hội hữu hình. Việc mở rộng quy mô hành chính của TP Cần Thơ càng củng cố trách nhiệm và cơ hội của Nhà trường trong việc thúc đẩy đổi mới cho một nền kinh tế khu vực lớn hơn, hội nhập hơn.
Các giải pháp hỗ trợ tăng tốc, bứt phá
PGS.TS Lê Nguyễn Đoan Khôi - Trưởng phòng Phòng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Trường Đại học Cần Thơ cho biết, với vị thế là cơ sở giáo dục đại học trọng điểm tại ĐBSCL, Nhà trường đã và đang khẳng định vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp và ĐMST của TP Cần Thơ. Năng lực nội tại mạnh mẽ về đội ngũ cán bộ, giảng viên chất lượng cao, nguồn lực sinh viên dồi dào với tiềm năng khởi nghiệp lớn, cùng với cơ sở vật chất hiện đại và mạng lưới đối tác rộng khắp… Trường Đại học Cần Thơ đã tạo nền tảng vững chắc cho các hoạt động ĐMST trên địa bàn thành phố và cả vùng ĐBSCL.

Vòng Chung kết Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp tiềm năng” trong học sinh, sinh viên trường Đại học Cần Thơ mở rộng năm 2025.
Các hoạt động và chương trình của Nhà trường, từ đào tạo chuyên sâu, tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp, hỗ trợ ươm tạo công nghệ, đến đẩy mạnh chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế… đều hướng tới mục tiêu chung là biến ý tưởng thành hiện thực và tạo ra giá trị kinh tế. Sự chuyển dịch từ vai trò giáo dục truyền thống sang vai trò năng động hơn trong việc thương mại hóa tri thức và tạo tác động kinh tế trực tiếp đã định vị Nhà trường là “hạt nhân quan trọng”, có khả năng giải quyết các thách thức về liên kết thị trường và hấp thụ công nghệ của TP Cần Thơ. Điển hình cho các hoạt động gồm:
Cập nhật và đa dạng hóa nội dung: Các khóa học khởi nghiệp đã được Trường Đại học Cần Thơ cập nhật liên tục để phản ánh các xu hướng mới nhất trong kinh tế số, kinh tế xanh và các ngành trọng điểm của ĐBSCL. Nội dung thường tập trung vào các kỹ năng thực chiến như: quản trị tài chính, marketing số, quản lý nhân sự, gọi vốn và xây dựng thương hiệu - những hoạt động mà sinh viên thường ít được học trong môi trường đại học truyền thống.
Tăng cường học phần trải nghiệm và dự án: Trường Đại học Cần Thơ thường xuyên đẩy mạnh các mô hình học tập dựa trên dự án và thực hành, cho phép sinh viên thử nghiệm ý tưởng kinh doanh ngay trong quá trình học. Các cuộc thi khởi nghiệp hằng năm đã được tích hợp sâu hơn vào chương trình đào tạo, với sự tham gia của các chuyên gia và nhà đầu tư để cung cấp phản hồi thực tế.
Phát triển đội ngũ giảng viên chuyên gia về khởi nghiệp: Nhà trường thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng cho giảng viên về phương pháp giảng dạy khởi nghiệp ĐMST, cũng như khuyến khích giảng viên tham gia vào các dự án khởi nghiệp thực tế để tích lũy kinh nghiệm.
Đầu tư cho các phòng thí nghiệm công nghệ cao để cung cấp cơ sở vật chất hiện đại cho sinh viên và giảng viên phát triển sản phẩm mẫu và thử nghiệm công nghệ: Nhà trường đã tiến hành xây dựng các phòng thí nghiệm ứng dụng theo ngành, tập trung phát triển các phòng thí nghiệm chuyên sâu phục vụ các lĩnh vực ưu tiên của TP Cần Thơ và vùng như: nông nghiệp công nghệ cao, chế biến thủy sản, năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin…, tạo điều kiện cho các dự án khởi nghiệp trong các lĩnh vực này.
Thúc đẩy nghiên cứu khoa học ứng dụng và chuyển giao công nghệ: Khuyến khích các đề tài nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên tập trung vào giải quyết các vấn đề thực tiễn của doanh nghiệp và cộng đồng tại ĐBSCL. Thiết lập cơ chế chuyển giao công nghệ hiệu quả; xây dựng quy trình rõ ràng và minh bạch cho việc đăng ký sở hữu trí tuệ, cấp phép công nghệ và thành lập các doanh nghiệp khởi nghiệp từ các kết quả nghiên cứu của Nhà trường. Đặc biệt, Nhà trường đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích giảng viên và nghiên cứu viên tham gia vào quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học.
Mở rộng hợp tác với doanh nghiệp và nhà đầu tư: Nhà trường đã đẩy mạnh việc xây dựng các chương trình hợp tác doanh nghiệp - viện nghiên cứu - trường đại học; phát triển các chương trình thực tập, dự án hợp tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm chung giữa sinh viên/giảng viên và doanh nghiệp. Điều này giúp sinh viên có kinh nghiệm thực tế và doanh nghiệp tiếp cận được các ý tưởng mới. Bên cạnh đó, Nhà trường còn chủ động kết nối với các quỹ đầu tư trong và ngoài nước để giới thiệu các dự án khởi nghiệp tiềm năng của sinh viên, đặc biệt là trong các lĩnh vực ưu tiên.
Tăng cường hợp tác với chính quyền địa phương và các tỉnh ĐBSCL: Trường Đại học Cần Thơ là cầu nối tích cực trong việc tư vấn và đề xuất các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và ĐMST cho TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL, đặc biệt là trong bối cảnh sáp nhập hành chính và triển khai Nghị quyết 57; thường xuyên tham gia và chủ trì thực hiện triển khai các dự án lớn của vùng liên quan đến S.T.I.D như phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh…
*
* *
Để TP Cần Thơ thực sự "tăng tốc bứt phá" và khẳng định vị thế trung tâm khoa học - công nghệ và kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, trong thời gian tới, Nhà trường sẽ tiếp tục phát huy vai trò chiến lược; đầu tư mạnh mẽ cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực, đặc biệt là trong việc phát triển các chương trình đào tạo khởi nghiệp thực tiễn và thúc đẩy nghiên cứu khoa học theo định hướng thị trường. Đồng thời, tăng cường liên kết và hợp tác với chính quyền, doanh nghiệp, nhà đầu tư… góp phần tạo động lực mạnh mẽ, bền vững cho sự phát triển vượt bậc của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST thành phố Cần Thơ và ĐBSCL trong tương lai.