Chủ động hội nhập và thích ứng
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải cho biết, trải qua 80 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Giao thông Vận tải đã tiếp tục khẳng định vị thế vững chắc của mình khi gặt hái được nhiều thành quả quan trọng. Nhà trường không chỉ giữ vững thứ hạng trong nhóm 500 đại học hàng đầu châu Á theo bảng xếp hạng QS, mà còn là cơ sở giáo dục duy nhất được xác định là đại học trọng điểm quốc gia về lĩnh vực giao thông vận tải theo Quyết định 452/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27/02/2025. Ngoài ra, Trường còn nằm trong danh sách 18 trường đại học được ưu tiên phát triển phòng thí nghiệm bán dẫn theo Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21/09/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, Nhà trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục được giao trọng trách đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực công nghệ giao thông và hạ tầng thông minh.

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải phát biểu tại Hội thảo.
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng khẳng định, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được Đảng và Nhà nước xác định là một trong những đột phá chiến lược, là động lực chính để nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh quốc gia. Nghị quyết 57 được ví như “khoán 10” trong khoa học và công nghệ đã xác lập rõ định hướng: các trường đại học, viện nghiên cứu phải trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, là lực lượng nòng cốt trong hệ sinh thái khoa học và công nghệ của quốc gia.
Để phát triển và hội nhập, Trường Đại học Giao thông Vận tải đã xác định tầm nhìn phát triển trường thành đại học thông minh, đa ngành, đa lĩnh vực, theo định hướng nghiên cứu, trọng điểm về giao thông và vận tải, có chất lượng và uy tín thuộc nhóm 200 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu khu vực châu Á; giữ vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển lĩnh vực giao thông và vận tải của Việt Nam; đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và cả nước.
Đến khẳng định vai trò “dẫn dắt”
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng cho rằng, đất nước ta đang trải qua những bước chuyển biến lớn, nhanh và đặc biệt quan trọng. Có thể nói, chưa bao giờ ý chí của Đảng, quyết tâm của Chính phủ và mong muốn đổi mới, sáng tạo, vươn mình của toàn thể xã hội được cụ thể hóa nhanh chóng và hiệu quả như trong giai đoạn hiện nay. Đây là thách thức lớn lao, đồng thời cũng là cơ hội để Trường tiếp tục phát triển nhanh hơn nữa, vững chắc hơn nữa; khẳng định vai trò “dẫn dắt” của Nhà trường không chỉ trong lĩnh vực giao thông, vận tải mà còn trong toàn bộ các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế - quốc dân.
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng cho biết, đúng như tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng, muốn Việt Nam hùng cường, thì khoa học và công nghệ phải hưng thịnh. Khoa học và công nghệ phải hướng đến đổi mới sáng tạo, tạo ra của cải vật chất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Với lịch sử 80 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Giao thông Vận tải đã và đang khẳng định vị thế tiên phong, dẫn dắt trong lĩnh vực giao thông, vận tải. Là trường duy nhất trong cả nước có truyền thống đào tạo, nghiên cứu khoa học đầy đủ các lĩnh vực chuyên môn của ngành giao thông vận tải ở bậc đại học, trên đại học và đang từng bước mở rộng ra tất cả các ngành, lĩnh vực kỹ thuật trọng yếu khác. Với ý chí và quyết tâm đổi mới, Trường Đại học Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục bứt phá, đóng góp ngày càng tích cực vào việc giải quyết các bài toán lớn về S.T.I.D quốc gia; xứng đáng với vai trò là trường đại học kỹ thuật trọng điểm đầu ngành của đất nước. Để làm được điều đó, Nhà trường sẽ tiến hành các công việc cụ thể gồm:
Một là, đổi mới quản trị Nhà trường theo hướng tự chủ toàn diện với mô hình đại học thông minh, quản trị tiên tiến, hệ thống tài chính vững mạnh. Trong đó, nhấn mạnh mục tiêu về ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, quản trị và hiện đại hóa hạ tầng phục vụ chuyển đổi số toàn diện và hệ sinh thái đại học số, hướng đến mô hình đại học thông minh. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ lĩnh vực trong Nhà trường có ứng dụng công nghệ thông tin tích hợp, đồng bộ dữ liệu đạt 100%; tất cả các đơn vị trong trường được tái cấu trúc cơ cấu tổ chức theo cơ chế tự chủ và trách nhiệm.
Hai là, phát triển trở thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực theo định hướng nghiên cứu. Trường cần hướng đến mở rộng quy mô đào tạo theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ mới như vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và an toàn thông tin để phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết 57 về “làm chủ các công nghệ chiến lược” và xây dựng các cơ sở đào tạo chuyên sâu về công nghệ lõi. Đồng thời, đặt mục tiêu phát triển đội ngũ giảng viên trình độ cao, phấn đấu đạt tỷ lệ tiến sỹ 50-60% và ít nhất 15% có chức danh giáo sư, phó giáo sư là bước đi thiết yếu để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao và đội ngũ khoa học tinh hoa. Bên cạnh đó, cần thiết lập các mục tiêu về tăng cường năng lực nghiên cứu thông qua việc thành lập nhóm nghiên cứu xuất sắc có yếu tố quốc tế, nâng cao số lượng công bố trên các tạp chí WoS/Scopus. Đặc biệt, Nhà trường cần đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp, địa phương và các tổ chức quốc tế để thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, tạo ra doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off) và tăng tỷ lệ tài sản trí tuệ để cụ thể hóa mục tiêu xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, lấy doanh nghiệp làm trung tâm như Nghị quyết 57 đã xác định.
Ba là, mở rộng không gian phát triển và tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng số cho hệ sinh thái đại học số phục vụ quản trị, đào tạo và nghiên cứu. Đây là mục tiêu chiến lược cần thiết để Nhà trường hiện thực hóa mục tiêu “phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia” và “xây dựng mô hình giáo dục đại học số” mà Nghị quyết 57 đã xác định. Trong bối cảnh chuyển đổi số toàn diện, hạ tầng công nghệ bao gồm không gian làm việc, phòng học thông minh, phòng thí nghiệm hiện đại và cơ sở dữ liệu số chính là điều kiện thiết yếu để triển khai thành công các chương trình đào tạo tích hợp công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, đường sắt hiện đại và công nghệ bán dẫn.
Bốn là, nâng cao chất lượng đào tạo theo các tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Việc đảm bảo chất lượng đào tạo theo chuẩn khu vực và toàn cầu, phù hợp với định hướng xây dựng đại học đạt trình độ quốc tế mà Nghị quyết 57 đã đề ra. Trong giai đoạn 2025-2030, cần tiếp tục hướng đến mục tiêu chuẩn hóa chương trình đào tạo theo các bộ tiêu chuẩn quốc tế như AUN-QA, ABET, ASIIN, ACBSP… và đặt mục tiêu ít nhất 30% chương trình đạt kiểm định quốc tế là bước đi cần thiết để nâng cao uy tín học thuật của Nhà trường. Bên cạnh đó, Nhà trường cũng đặt ra mục tiêu trọng tâm về phát triển chương trình liên kết quốc tế, đào tạo song bằng, tăng cường đào tạo bằng tiếng Anh trong các ngành STEM và thu hút giảng viên, sinh viên quốc tế góp phần trực tiếp vào tiến trình quốc tế hóa giáo dục đại học - một trụ cột quan trọng để xây dựng hệ sinh thái tri thức mở và thúc đẩy hội nhập học thuật sâu rộng.

Toàn cảnh Hội thảo.
Đồng tình với quan điểm phải đổi mới để phát triển, TS Võ Xuân Hoài - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (Bộ Tài chính) đã nhấn mạnh vai trò then chốt của S.T.I.D trong tiến trình phát triển nhanh và bền vững của đất nước nói chung, ngành giao thông vận tải nói riêng. TS Võ Xuân Hoài cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt và quá trình chuyển dịch chuỗi giá trị đang diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam cần có những đột phá chiến lược về tư duy, thể chế, nguồn lực và hạ tầng để nâng tầm nội lực sáng tạo quốc gia.
Là trường đại học đa ngành có thế mạnh, Trường Đại học Giao thông Vận tải nên tập trung triển khai một số xu thế công nghệ chủ đạo như: trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, năng lượng sạch…; đồng thời thúc đẩy liên kết nghiên cứu và đào tạo với các đối tác trong và ngoài nước để điều chỉnh chiến lược phát triển Nhà trường để thích ứng chủ động với yêu cầu của Nghị quyết 57, đảm bảo gắn kết chặt giữa tự chủ đại học - phát triển công nghệ - đóng góp xã hội.
Nguyễn Xuân Tùng - Ninh Văn Diện