
Tỉnh Tây Ninh xác định chuyển đổi số là động lực chính để bứt phá phát triển kinh tế - xã hội.
Tây Ninh đã nhanh chóng thể chế hóa và cụ thể hoá định hướng từ Trung ương thành các chương trình hành động rõ ràng, phù hợp với điều kiện địa phương. Ban Chỉ đạo phát triển S.T.I.D tỉnh được thành lập, do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban, nhằm bảo đảm tính thống nhất trong chỉ đạo và điều phối các hoạt động liên quan. Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã ban hành hàng loạt chương trình, kế hoạch triển khai theo hướng đồng bộ, gắn trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Các nhóm giải pháp chiến lược được đề ra gồm: nâng cao nhận thức cộng đồng và đội ngũ lãnh đạo các cấp; tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng số; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và mở rộng hợp tác quốc tế về chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, chia sẻ dữ liệu.
Hiện tại hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) cơ bản đã đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng CNTT và chuyển đổi số. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu mang tính chiến lược theo Nghị quyết 57, Tây Ninh cần tiếp tục đầu tư cho một loạt hạ tầng then chốt: Trung tâm tích hợp dữ liệu cấp tỉnh; hạ tầng phục vụ đô thị thông minh (hệ thống cảm biến, IoT, dữ liệu lớn...) và hạ tầng viễn thông như mạng 5G và băng thông rộng. Tỉnh cũng chú trọng triển khai nền tảng số phục vụ người dân và doanh nghiệp, đảm bảo khả năng truy cập ổn định, tốc độ cao và an toàn. Việc phổ cập internet như một dịch vụ thiết yếu, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa và khu vực biên giới, đang được đẩy mạnh để thu hẹp khoảng cách số. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, Tây Ninh sẽ nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu nhóm khá về xây dựng chính quyền số và đảm bảo an toàn, an ninh mạng. Đồng thời, tỉnh hướng tới trở thành địa phương có mức độ chuyển đổi số thuộc nhóm khá cả nước. Cụ thể, tiềm lực và trình độ khoa học, công nghệ của tỉnh phải đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực then chốt, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo đạt tỷ lệ trên 40%; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp trên 80%; giao dịch không tiền mặt chiếm 80% tổng số giao dịch; kinh tế số đóng góp 20-30% GRDP và đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt mức 45%. Song song đó, Tây Ninh còn đặt trọng tâm vào việc tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, và xây dựng cơ chế hợp tác với các tỉnh lân cận trong việc chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực và chia sẻ hạ tầng số. Đây được xem là hướng đi chiến lược để phát huy lợi thế vùng, đồng thời tối ưu hóa nguồn lực và tạo đột phá trong phát triển.
Để bảo đảm nguồn lực cho chiến lược chuyển đổi số, tỉnh Tây Ninh cam kết bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển S.T.I.D, đồng thời tăng dần theo nhu cầu thực tiễn. Các tổ chức khoa học và công nghệ công lập được sắp xếp lại để hoạt động hiệu quả hơn, đảm bảo gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu - ứng dụng - đổi mới sáng tạo. Tỉnh cũng đặc biệt chú trọng phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ. Mục tiêu đến năm 2030, Tây Ninh đạt tỷ lệ 12 nhà nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên mỗi vạn dân; có ít nhất 10 đơn đăng ký sáng chế, sáng kiến được cấp văn bằng bảo hộ hằng năm. Đây là những chỉ số quan trọng để đánh giá chất lượng và tiềm lực sáng tạo của địa phương. Ngoài ra, chỉ số phát triển con người (HDI) của tỉnh được kỳ vọng duy trì ở mức trên 0,7 - phản ánh mối liên kết chặt chẽ giữa khoa học công nghệ với phát triển văn hóa, xã hội và nâng cao chất lượng sống của người dân.
Trên nền tảng hạ tầng số được củng cố, tỉnh Tây Ninh đang từng bước xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số toàn diện. Hệ thống cơ sở dữ liệu tỉnh được kết nối và chia sẻ đồng bộ giữa các ngành, các cấp; nền tảng điều hành thông minh được đưa vào vận hành để hỗ trợ lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác. Hoạt động quản lý nhà nước từ cấp tỉnh đến cơ sở đang dần được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả và tiết kiệm thời gian - chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Cổng dịch vụ công trực tuyến được nâng cấp, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia, giúp người dân có thể nộp hồ sơ, theo dõi tiến trình và nhận kết quả một cách dễ dàng. Tỉnh đã đưa vào lộ trình ứng dụng và khai thác các công nghệ mang tính chiến lược như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây, nền tảng số tích hợp… Tỉnh cũng đặt mục tiêu phủ sóng mạng 5G toàn tỉnh trong vài năm tới, hướng tới tiếp cận công nghệ 6G trong tương lai. Đồng thời, đẩy mạnh dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) thay thế cho dịch vụ viễn thông truyền thống.
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý là Tây Ninh đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm trong quá trình đổi mới sáng tạo. Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới, phát triển sản phẩm, quy trình và mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo đang được đẩy mạnh. Tỉnh hướng tới thu hút ít nhất một doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam hoặc doanh nghiệp nước ngoài đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại địa bàn. Song song đó, việc thành lập quỹ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và xây dựng các vườn ươm công nghệ được kỳ vọng sẽ tạo hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững và lan toả. Các hoạt động nghiên cứu - phát triển (R&D) được lồng ghép vào kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, từ nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất thông minh, đến công nghiệp chế biến, logistics, thương mại điện tử và du lịch thông minh.
Với tư duy chiến lược, sự vào cuộc đồng bộ từ chính quyền đến doanh nghiệp và người dân, cùng sự đầu tư bài bản vào hạ tầng và nguồn lực, Tây Ninh đang từng bước hiện thực hóa khát vọng trở thành địa phương phát triển khá, tiên phong về S.T.I.D. Hành trình này không chỉ mở ra cơ hội bứt phá cho Tây Ninh, mà còn góp phần khẳng định vai trò động lực của khu vực Đông Nam Bộ trong sự phát triển chung của cả nước.
NMK