Từ chức năng nghiên cứu
TS Hoàng Ngọc Nhân - Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ cho biết, tiền thân của Viện là Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia được Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) thành lập ngày 16/10/1984 theo Nghị định 135/HĐBT. Từ năm 1994 đến nay, Viện được đổi tên thành Viện Ứng dụng Công nghệ và trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Viện là đơn vị nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực; thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu - ứng dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trong các lĩnh vực: quang điện tử, vi điện tử, công nghệ sinh học, công nghệ laser, vật liệu mới, công nghệ thông tin góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

TS Hoàng Ngọc Nhân - Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ báo cáo một số hoạt động nổi bật của Viện.
Trong giai đoạn 2020-2025, Viện Ứng dụng Công nghệ đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Về triển khai các nhiệm vụ cấp quốc gia: Viện chủ trì và tham gia thực hiện 18 nhiệm vụ (07 chuyển tiếp, 11 mở mới), đã nghiệm thu 08 nhiệm vụ; Nhiệm vụ cấp tỉnh và các nhiệm vụ khác: Viện chủ trì thực hiện 08 nhiệm vụ (03 chuyển tiếp, 05 mở mới), 05 nhiệm vụ đã được nghiệm thu; Nhiệm vụ cấp bộ: Viện đã triển khai 90 nhiệm vụ (11 chuyển tiếp, 79 mở mới), nghiệm thu 69 nhiệm vụ… Có 11 công trình nghiên cứu của Viện được cấp bằng sáng chế, giải pháp hữu ích. Các nhà khoa học của Viện đã đăng tải 320 công trình/bài báo khoa học trên tạp chí khoa học và hội thảo quốc tế. Những năm gần đây, để tăng cường công tác quảng bá thành tựu nghiên cứu, Viện đã phối hợp với Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) xuất bản số Tạp chí đặc biệt nhân kỷ niệm ngày thành lập Viện…
Đến “Sứ mệnh dẫn dắt và kết nối”
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Viện Ứng dụng Công nghệ đã có lịch sử mang tầm quốc gia, là “cái nôi” trong lĩnh vực nghiên cứu công nghệ, làm chủ công nghệ và chuyển giao công nghệ.
Xuất thân của Viện Ứng dụng Công nghệ là nghiên cứu và phát triển công nghệ, “đầu mối dẫn dắt” phát triển công nghệ của ngành để lan tỏa ra toàn quốc.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi làm việc với Viện Ứng dụng Công nghệ.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên “vươn mình”. Muốn phát triển kinh tế đất nước, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là yêu cầu cấp thiết.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đổi mới sáng tạo là một khái niệm mới đối với nhiều viện nghiên cứu, đây là cơ hội mở ra cho Viện nhiều định hướng phát triển mới. Viện cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học để có sản phẩm để chuyển giao vào sản xuất tạo ra doanh thu, tạo ra tăng trưởng kinh tế. Kinh tế Việt Nam muốn tăng trưởng 2 con số thì phải dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Với thế mạnh của mình, Viện cần “dứt bỏ chiếc áo cũ” để phát triển cái mới, cái thế mạnh như đổi mới công nghệ, giải mã công nghệ, tư vấn - môi giới công nghệ, chuyển giao công nghệ… Bộ trưởng nhấn mạnh, thay vì Viện trực tiếp đi làm công nghệ, Viện có thể là đầu mối để kết nối công nghệ giữa các viện - trường - doanh nghiêp - sản xuất. Như vậy, sẽ có hàng nghìn, hàng triệu công nghệ cho Viện chuyển giao. Viện phải tìm hiểu nhu cầu công nghệ của doanh nghiệp, đưa công nghệ tiến gần đến sản phẩm, kết nối doanh nghiệp với các nhà đầu tư (ngân hàng, quỹ để có kinh phí cho nghiên cứu, cải tiến công nghệ). Như vậy, Viện sẽ mạnh lên nhờ kết nối. Điều quan trọng là Viện cần thay đổi tư duy phát triển, không nên vì “quen tay, quen việc” mà không dám đột phá.
Bộ trưởng đánh giá cao việc Viện đã có đơn vị ươm tạo công nghệ, doanh nghiệp khoa học công nghệ, trang thiết bị hiện đại phục vụ nghiên cứu và nhiều đơn vị nghiên cứu - triển khai chuyên sâu. Tuy nhiên, để phát triển, Viện cần một con đường đi đúng hướng, ai say mê nghiên cứu khoa học thì có thể tiếp tục làm công tác nghiên cứu tại các đơn vị nghiên cứu thuần túy, ai muốn phát triển thương mại sản phẩm sau nghiên cứu thì nên thành lập doanh nghiệp để chuyển giao. Điều quan trọng trong hoạt động khoa học và công nghệ của Viện là sản phẩm nghiên cứu đã đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội như thế nà?. Có thể “Viện không làm gì nhưng mà làm tất cả”, đơn giản chỉ cần Viện làm trung gian kết nối, kết nối doanh nghiệp - nhà khoa học - tổ chức nghiên cứu, thiếu công đoạn nào sẽ kết nối công đoạn đó.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay các cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã dần được hoàn thiện. Từ Nghị quyết 57, đến Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo… Năm 2025, ngân sách nhà nước dành cho nghiên cứu khoảng 50.000 tỷ đồng - một con số rất nhiều so với trước đây. Điều quan trọng là chúng ta sử dụng được bao nhiêu, mang lại hiệu quả gì cho sự phát triển của đất nước. Do đó, các nhà khoa học của Viện không nên sợ, cần mạnh dạn đề xuất ý tưởng, “ngộ ra là phải làm”, “có làm mới ngấm, mới nhớ, mới ngộ”…
Bên cạnh đó, Viện cần đẩy mạnh mối liên kết với các địa phương, doanh nghiệp để đưa công nghệ tiếp cận người dân, doanh nghiệp, tham gia trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Đây là “sức mạnh” của Viện khi Viện Nghiên cứu Phát triển Vùng đã sáp nhập vào Viện. Bộ Khoa học và Công nghệ có đôi cánh là phát triển công nghệ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, Viện cần “chuyển đổi, bay lên” chuyển Viện phát triển thành Viện Ứng dụng Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo Quốc gia, vượt lên trên, kết nối viện - trường - doanh nghiệp - địa phương - nhà khoa học để tạo ra sản phẩm đóng góp cho tăng trưởng của ngành và xã hội.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Hoàng Minh và các đại biểu chụp ảnh với tập thể cán bộ Viện Ứng dụng Công nghệ.
Phong Vũ