Trong thời đại mà dữ liệu trở thành tài sản chiến lược và chuyển đổi số được xem là động lực cốt lõi của phát triển, Việt Nam đã lựa chọn hướng đi rõ ràng và quyết liệt để hình thành một quốc gia số toàn diện. Đề án 06 chính là một trong những trụ cột quan trọng hiện thực hóa chiến lược đó.
Được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ đầu năm 2022, Đề án 06 không chỉ là một chương trình kỹ thuật thuần túy, mà là một bước đi chiến lược mang tính hệ thống, sớm đặt nền móng cho chính phủ số, xã hội số tại Việt Nam. Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đang bắt đầu tìm cách tích hợp dữ liệu để tối ưu hóa dịch vụ công, Việt Nam lựa chọn khởi đầu từ yếu tố gốc rễ: dữ liệu dân cư và hệ thống định danh điện tử thống nhất. Đến nay, khi Nghị quyết 57 ra đời với định hướng lấy S.T.I.D làm động lực phát triển, Đề án 06 đang tiếp tục phát huy vai trò như mô hình triển khai cụ thể, thể hiện năng lực thể chế hóa và tổ chức thực thi định hướng chiến lược một cách rõ ràng, thực chất.
Từ gánh nặng thủ tục đến trải nghiệm liền mạch
Điểm khác biệt căn bản và cũng là giá trị nổi bật nhất của Đề án 06 nằm ở việc chuyển hóa triết lý “hành chính phục vụ” thành những trải nghiệm thực tế cho người dân và doanh nghiệp. Sau 3 năm triển khai cho thấy, dữ liệu nếu được chuẩn hóa và kết nối hiệu quả, hoàn toàn có thể biến đổi cách thức Nhà nước cung cấp dịch vụ và người dân tiếp cận quyền lợi của mình.

Bộ Công an đã triển khai 43 tiện ích trên ứng dụng VNeID (nguồn: Đại biểu nhân dân).
Trước đây, mỗi thủ tục hành chính là một lần người dân phải chuẩn bị hồ sơ, in ấn giấy tờ, khai báo lại những thông tin đã từng cung cấp. Vòng lặp ấy không chỉ gây lãng phí thời gian và chi phí, mà còn tạo ra tâm lý ngại tiếp xúc với bộ máy hành chính. Đề án 06 đưa ra giải pháp trực diện là “người dân chỉ cần khai báo thông tin một lần duy nhất, thông qua Căn cước công dân gắn chíp và tài khoản định danh điện tử VNeID”. Từ đó, hệ thống sẽ tự động truy xuất, điền sẵn và xác thực dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, giảm thiểu thao tác thủ công và nguy cơ sai sót.
Không dừng lại ở thủ tục công, Đề án 06 còn mở ra không gian số tiện ích cho các giao dịch thiết yếu trong đời sống hằng ngày. Người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để thanh toán điện, nước, nộp thuế, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và thực hiện nhiều loại giao dịch tài chính trực tuyến. Đặc biệt, khi các dịch vụ công được kết nối liên thông với ngân hàng, bệnh viện, trường học và cơ quan quản lý khác, một “hệ sinh thái số” sẽ hình thành, giúp người dân không cần xếp hàng, không cần di chuyển và có thể kiểm soát được toàn bộ thông tin cá nhân trên một nền tảng duy nhất.
Đối với doanh nghiệp, Đề án 06 tạo ra một môi trường hành chính ngày càng thông thoáng và hiệu quả. Việc đặt mục tiêu đến 01/07/2025, 100% thủ tục hành chính có thể thực hiện trên môi trường điện tử, không chỉ cắt giảm chi phí tuân thủ mà còn giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong hoạt động kê khai, xin cấp phép, đăng ký kinh doanh và tiếp cận dịch vụ hỗ trợ của nhà nước. Định danh điện tử cho tổ chức, một cấu phần đặc biệt của Đề án, cũng đang được đẩy nhanh để đảm bảo doanh nghiệp có thể tương tác với hệ thống chính quyền như một thực thể số đầy đủ, bảo mật và hợp pháp.
Nhìn tổng thể, Đề án 06 đang thay đổi căn bản mối quan hệ giữa nhà nước và công dân: từ “xin, cho” sang “đồng hành, phục vụ”, từ thủ tục phân mảnh sang trải nghiệm liền mạch, từ giấy tờ chồng chéo sang dữ liệu tự động. Đây chính là biểu hiện rõ nét nhất của một chính phủ số lấy con người làm trung tâm, không phải bằng khẩu hiệu, mà bằng những cải thiện có thể cảm nhận được từng ngày.
Xây dựng nền móng dữ liệu vững chắc
Sau ba năm triển khai, Đề án 06 đã xác lập rõ 3 trụ cột triển khai có tính nền tảng, vừa là điều kiện để dữ liệu vận hành thông suốt, vừa là tiền đề cho một hệ sinh thái chính phủ số vững chắc: hạ tầng dữ liệu quốc gia, hành lang pháp lý chuyên biệt và định danh điện tử toàn diện.
Thứ nhất, hạ tầng dữ liệu quốc gia đóng vai trò “trái tim” của toàn bộ hệ thống chính phủ số. Trung tâm Dữ liệu quốc gia (dự kiến đi vào vận hành trong tháng 08/2025) là nơi tích hợp, xử lý và chia sẻ dữ liệu xuyên suốt giữa các bộ, ngành, địa phương. Không chỉ lưu trữ an toàn, hạ tầng này còn được thiết kế để hỗ trợ phân tích dữ liệu lớn, phục vụ ra quyết định chính sách theo thời gian thực. Việc có một hạ tầng thống nhất, đáp ứng chuẩn bảo mật cao và có khả năng mở rộng theo nhu cầu là bước ngoặt lớn trong việc đưa dữ liệu trở thành nguồn lực quản trị quốc gia thay vì chỉ là “tài nguyên bị cất giữ”.
Thứ hai, hành lang pháp lý về dữ liệu đã có bước tiến quan trọng khi Quốc hội thông qua Luật Dữ liệu và Chính phủ giao Bộ Công an xây dựng các nghị định chi tiết, có hiệu lực đồng thời từ ngày 01/07/2025. Đây là thay đổi mang tính thể chế sâu sắc: thay vì quản lý dữ liệu theo từng lĩnh vực, Việt Nam đang tiến tới xây dựng một khung pháp lý thống nhất về dữ liệu, từ thu thập, xử lý, kết nối đến bảo vệ dữ liệu cá nhân. Việc thiết lập rõ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các chủ thể sẽ tạo môi trường tin cậy để dữ liệu được khai thác đúng hướng, đồng thời giúp ngăn chặn lạm dụng, rò rỉ và các nguy cơ xâm phạm quyền riêng tư trong không gian số.
Thứ ba, định danh điện tử cho mọi chủ thể là điều kiện tiên quyết để chuyển đổi số toàn diện. Sau giai đoạn mở rộng VNeID cho công dân, từ năm 2024, Đề án 06 đã chuyển trọng tâm sang định danh điện tử cho tổ chức. Mục tiêu là đến ngày 01/07/2025, 100% doanh nghiệp có thể thực hiện các thủ tục hành chính hoàn toàn trên môi trường điện tử thông qua tài khoản định danh riêng. Khi cả công dân và tổ chức đều có “danh tính số”, toàn bộ hoạt động hành chính, dịch vụ công, giao dịch tài chính, pháp lý sẽ có thể vận hành trơn tru trong không gian số, không phụ thuộc vào giấy tờ hay xác minh thủ công.
Sự kết nối giữa ba trụ cột này tạo thành một cấu trúc hạ tầng, thể chế, định danh đồng bộ, đưa Việt Nam từng bước tiệm cận mô hình quản trị thông minh. Trong hành trình xây dựng quốc gia số, đây là lớp móng cần thiết để mọi đổi mới ở tầng dịch vụ, tương tác và chính sách có thể phát huy hiệu quả lâu dài, ổn định và đáng tin cậy.
Lấy người dùng làm thước đo thành công
Một trong những điểm đột phá về tư duy quản trị trong quá trình triển khai Đề án 06 là việc chuyển trọng tâm từ “đo bằng tiến độ triển khai kỹ thuật” sang “đo bằng trải nghiệm của người dùng”. Khác với các dự án hành chính công truyền thống vốn thường kết thúc ở việc “triển khai xong hệ thống”, Đề án 06 đặt ra một yêu cầu sâu hơn: người dân và doanh nghiệp có thực sự hài lòng khi sử dụng các dịch vụ số hay không?

Khi Chính phủ số vận hành thông suốt sẽ không còn cảnh người dân xếp hàng chờ làm thủ tục hành chính.
Chính vì vậy, từ năm 2025, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an xây dựng Bộ chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tích hợp trực tiếp trên ứng dụng VNeID. Thay vì đo lường qua báo cáo định kỳ hay phản hồi gián tiếp, chỉ số này cho phép ghi nhận trải nghiệm người dùng ngay tại thời điểm tương tác, tạo ra một cơ chế phản hồi trực tiếp, khách quan và có thể theo dõi theo thời gian thực.
Về mặt quản trị, đây là một bước tiến quan trọng nhằm thiết lập cơ chế kiểm chứng xã hội đối với các dịch vụ công trực tuyến. Thay vì chỉ tập trung vào số lượng thủ tục được số hóa hay số hồ sơ được xử lý, chỉ số hài lòng buộc các cơ quan nhà nước phải tự đặt câu hỏi: thủ tục có dễ hiểu, dễ làm, dễ tiếp cận không? người dân có quay lại sử dụng lần hai không? có điều gì khiến họ từ chối dịch vụ trực tuyến để quay về làm giấy tờ truyền thống?
Về mặt chiến lược, sáng kiến này cũng cho thấy sự tiếp nối định hướng lấy người dân làm trung tâm trong toàn bộ tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Mặc dù Đề án 06 được triển khai từ năm 2022, nhưng khi Nghị quyết 57 ra đời năm 2024 với định hướng “chuyển đổi số toàn diện, bao trùm, lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể thụ hưởng”, thì các cơ chế như chỉ số hài lòng qua VNeID lại trở thành minh chứng rõ nét cho việc các sáng kiến chính sách và kỹ thuật đang dần hội tụ vào cùng một mục tiêu chính phủ phục vụ, công dân trải nghiệm.
Nếu được triển khai đồng bộ, dữ liệu từ chỉ số hài lòng có thể trở thành nguồn đầu vào quý giá cho cải cách thể chế, thiết kế lại quy trình và thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ công. Về lâu dài, đây không chỉ là một công cụ đo lường mà còn là chất xúc tác để chuyển đổi số thực sự đi vào chiều sâu, với người dân vừa là thước đo, vừa là người dẫn đường.
Thay lời kết
Tính đến tháng 07/2025, Đề án 06 đã bước sang năm thứ tư triển khai với một cột mốc đặc biệt: các cấu phần hạ tầng, pháp lý và định danh điện tử đồng loạt đi vào vận hành. Ngày 01/07/2025 không chỉ đánh dấu thời điểm Luật Dữ liệu và các nghị định hướng dẫn có hiệu lực, mà còn là mốc toàn quốc chính thức thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Trong bối cảnh đó, Đề án 06 trở thành một “hạ tầng số mềm” giúp hệ thống chính trị, hành chính thích nghi nhanh với bộ máy tinh gọn, vận hành số hóa và phục vụ gần dân hơn.
Việc Đề án 06 khởi động từ năm 2022 cho thấy, tầm nhìn đi trước của Chính phủ trong việc chuẩn bị nền móng cho chuyển đổi số. Khi Nghị quyết 57 được ban hành năm 2024, định hình S.T.I.D là động lực phát triển quốc gia, thì những gì Đề án 06 đã thiết lập trở thành lực đẩy cụ thể để tổ chức thực thi định hướng đó, từ Trung ương đến tận các đơn vị xã, phường. Giai đoạn sau 01/07/2025 là lúc đánh giá hiệu quả thực chất: mức độ hài lòng, sự liền mạch dữ liệu, tính minh bạch và khả năng ứng dụng vào điều hành chính sách. Thành công của Đề án 06 không nằm ở số hóa bao nhiêu thủ tục, mà ở chỗ người dân có cảm thấy “dễ thở” hơn khi đi làm giấy tờ, doanh nghiệp có thể tương tác thuận tiện hơn với nhà nước, và chính quyền xã có thể phục vụ nhanh hơn, chính xác hơn, công bằng hơn nhờ dữ liệu kết nối thông suốt.
Trong kiến trúc chính quyền 2 cấp, cấp xã là nơi gần dân nhất. Chính tại đây, Đề án 06 sẽ phát huy rõ nhất tính ứng dụng, khi mỗi cán bộ có thể xử lý thủ tục hành chính nhanh hơn nhờ hệ thống liên thông; mỗi người dân có thể tra cứu, nộp hồ sơ, nhận kết quả mà không cần rời khỏi địa phương. Đó không còn là viễn cảnh, mà đang dần trở thành thực tế, một chính phủ số không nằm trên nghị quyết, mà vận hành ngay trong cuộc sống thường nhật.
Lê Trọng Tài, Xuân Bình