
Đại hội đại biểu lần thứ VII, nhiệm kỳ 2025-2030 của Đại học Quốc gia Hà Nội tham gia biểu quyết thông qua Chương trình của Đại hội (nguồn: VNU Media).
Báo cáo chính trị của Đại hội khẳng định, 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy, cùng sự nỗ lực của cả hệ thống, ĐHQGHN đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo tiền đề phát triển bứt phá trong giai đoạn tới. Vị thế của ĐHQGHN tiếp tục được nâng cao cả trong nước và quốc tế; sự kết nối, liên thông, liên kết trong hệ thống ngày càng được tăng cường; vai trò trụ cột, dẫn dắt trong công cuộc đổi mới toàn diện và căn bản giáo dục và đào tạo được khẳng định.
Tiên phong trong đổi mới quản trị
Nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ ĐHQGHN đã đoàn kết, thống nhất, xây dựng môi trường làm việc dân chủ, hợp tác, kiến tạo nền tảng để phát triển bền vững, phát huy tốt nhất vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng. Công tác xây dựng, kiện toàn, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên được chú trọng, kết quả đánh giá, xếp loại ngày càng thực chất hơn.
ĐHQGHN đã tổ chức sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, giảm từ 36 xuống 25 đầu mối, đạt được sự đồng thuận cao và giữ vững khối đoàn kết trong toàn Đảng bộ. Đồng thời, đẩy mạnh cơ chế tự chủ và tái cấu trúc bộ máy theo hướng tinh gọn gắn với với nâng cấp, phát triển một số đơn vị theo lộ trình để hoàn thiện cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển năng lực đổi mới sáng tạo.

Phối cảnh Dự án đầu tư xây dựng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc (nguồn: VNU Media).
Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số gắn với đổi mới quản trị đại học tiên tiến có sự chuyển biến rõ rệt so với giai đoạn trước. Hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu, phần mềm quản lý trong các lĩnh vực hoạt động từng bước được chuẩn hóa, nâng cấp, hiện đại hóa, đồng bộ, kết nối xuyên suốt giữa khu vực nội thành và cơ sở Hòa Lạc. Hệ thống chia sẻ, tích hợp và kho dữ liệu được chuẩn hóa, đồng bộ trong toàn ĐHQGHN, tuân thủ kiến trúc đại học số. Đến cuối năm 2024, 95% học liệu được số hóa; dữ liệu cán bộ, sinh viên số hóa đạt 100%; 20% môn học mỗi chương trình áp dụng giảng dạy trực tuyến, hoàn thành chỉ tiêu Đại hội VI.
Đào tạo và nghiên cứu khoa học khẳng định uy tín quốc gia và hướng tới chuẩn quốc tế
Quy mô đào tạo đại học của ĐHQGHN hiện nay là hơn 60.000 người học, vượt 26,5% so với chỉ tiêu đề ra. Các chương trình đào tạo được điều chỉnh linh hoạt nhằm đáp ứng yêu cầu cho cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cơ cấu ngành, lĩnh vực được điều chỉnh theo hướng tăng khối ngành kỹ thuật công nghệ, khoa học sức khỏe và nghệ thuật sáng tạo số (đạt 30% tổng quy mô đào tạo). Năm học 2024-2025 đạt 40%, từ năm 2026, hướng đến mục tiêu 65%.
ĐHQGHN đang tái cấu trúc toàn diện chương trình, phương pháp giảng dạy và mô hình tổ chức theo chuẩn quốc tế. Một trong những điểm nhấn quan trọng là rút ngắn thời gian đào tạo cử nhân các ngành khoa học trọng điểm xuống còn 3 năm, áp dụng hệ thống 3 học kỳ/năm, giúp sinh viên chủ động lộ trình và sớm gia nhập thị trường lao động.
Hoạt động khoa học và công nghệ của ĐHQGHN đạt những thành tựu đáng ghi nhận, bước đầu áp dụng quy trình tin học hóa, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống các phần mềm quản lý hoạt động khoa học và công nghệ, rút ngắn đáng kể thủ tục hành chính. Nguồn lực tài chính đã đầu tư và đầu tư cho nhiệm kỳ tới trong lĩnh vực khoa học công nghệ tăng đột biến, ước đạt hơn 3.520 tỷ đồng.

Trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục được phát triển (nguồn: HUS Media).
Trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ khoa học tiếp tục được phát triển. Trong tổng số 5.291 cán bộ, có 2.878 cán bộ khoa học; tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sỹ đạt 67,3%; tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư đạt 21%. Trong nhiệm kỳ 2020-2025, tổng số bài báo khoa học được công bố trên hệ thống Web of Science/SCOPUS là 9.751 bài, nhiều hơn 2,7 lần so với nhiệm kỳ trước, tỷ lệ công bố khoa học thuộc nhóm Q1, Q2 đạt 64% (vượt 14% chỉ tiêu Đại hội VI); số đơn đăng ký giải pháp hữu ích, sáng chế được chấp nhận hợp lệ ước đạt 357 hồ sơ.
Mạng lưới khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN được cấu trúc lại với 15 chương trình nghiên cứu; 08 lĩnh vực công nghệ ưu tiên; 46 nhóm nghiên cứu mạnh; hệ thống phòng thí nghiệm được đầu tư, hiện đại hóa, trong đó có 09 phòng thí nghiệm trọng điểm và 01 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia. Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo gắn với phát triển các đơn vị nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao (tổ chức lại các viện nghiên cứu thành viên, triển khai thành lập Viện Bán dẫn và Vật liệu tiên tiến, Viện Nghiên cứu ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trong phát triển bền vững, Viện Công nghệ Lượng tử, Công ty Cổ phần đầu tư phát triển ĐHQGHN, Vườn ươm Doanh nghiệp khoa học và công nghệ…).
Tiếp tục phát triển bứt phá, vững bước cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới
Đất nước đang chuẩn bị tâm thế, nguồn lực và các điều kiện cần thiết để bước vào kỷ nguyên vươn mình. Việc đẩy mạnh triển khai các nghị quyết của Trung ương và của Bộ Chính trị, nhất là Nghị quyết số 57 vừa là động lực và cơ hội để ĐHQGHN phát triển.
Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Doãn Toản - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội, Trưởng Đoàn Công tác số 6 cho biết, Thành ủy Hà Nội đánh giá cao mô hình đại học đổi mới sáng tạo đa ngành, đa lĩnh vực với cơ chế tự chủ và phương thức quản trị đại học hiện đại của ĐHQGHN, trong đó Đảng bộ ĐHQGHN là hạt nhân lãnh đạo, quy tụ sự đoàn kết và phát huy sức mạnh tổng hợp; ấn tượng với sự phát triển vượt bậc của nhiều chỉ số quan trọng trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, đào tạo, hợp tác trong và ngoài nước; ghi nhận vai trò và những đóng góp quan trọng của đội ngũ nhà khoa học ĐHQGHN trong nghiên cứu, tư vấn chính sách, đồng hành cùng các bộ ngành, địa phương trong công tác quy hoạch phát triển và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp. Thành ủy biểu dương tinh thần tiên phong đổi mới của ĐHQGHN qua nhiều chính sách, chương trình thí điểm có hiệu quả và ý nghĩa trong nhiệm kỳ vừa qua; đặc biệt đánh giá cao tầm nhìn, sự dũng cảm và quyết tâm của toàn Đảng bộ khi chuyển mình, xây dựng thành công khu đô thị ĐHQGHN tại Hòa lạc.
Trong nhiệm kỳ tới, đất nước và Thủ đô Hà Nội bước vào giai đoạn phát triển mới với những yêu cầu rất cao về chất lượng nguồn nhân lực, về phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số. Với tư cách là lá cờ đầu của hệ thống giáo dục đại học, là địa chỉ tin cậy của Trung ương và Thành ủy, đồng chí Nguyễn Doãn Toản đề nghị Đảng bộ ĐHQGHN quan tâm, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, chú trọng công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị, đạo đức; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.
Thứ hai, khẳng định vai trò đầu tàu đổi mới, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết phát triển ĐHQGHN trở thành trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu trong khu vực; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong lòng đại học, kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp, các địa phương, đặc biệt là Hà Nội để tập trung thúc đẩy các sản phẩm công nghệ chiến lược.
Thứ ba, tập trung chuyển đổi số toàn diện, đặc biệt trong quản trị đại học và quản lý đào tạo; xây dựng mô hình đại học số tiên phong của Việt Nam.
Thứ tư, tăng cường hợp tác toàn diện với Thành phố; tăng tốc triển khai xây dựng và vận hành hiệu quả khu đô thị tri thức tại Hòa Lạc, góp phần hình thành cực tăng trưởng mới phía Tây của Hà Nội.
Với tinh thần dân chủ và trách nhiệm cao, tại Đại hội, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận để đóng góp vào các văn kiện của Đại hội các cấp, cụ thể là các tham luận về: đào tạo tài năng và ươm tạo nhà khoa học xuất sắc; vị thế của ĐHQGHN trong lĩnh vực khoa học sức khỏe; tự chủ đại học và quản trị đại học số trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; đẩy mạnh vai trò tư vấn chính sách của ĐHQGHN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và các địa phương; từ tư duy nhân văn đến công dân số: hướng đi chiến lược cho giáo dục đại học trong bối cảnh chuyển đổi số; chuyển đổi số trong công tác đào tạo; kinh nghiệm xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh tại ĐHQGHN…
VVH