Thứ ba, 22/07/2025 16:23

Tiêu chuẩn hỗ trợ thương mại quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu

Bùi Ngọc Bích 

Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam

Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia

Tiêu chuẩn không chỉ là công cụ kỹ thuật phục vụ giám sát và điều chỉnh hành vi, mà còn là nền tảng hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động thương mại quốc tế, nâng cao năng lực thích ứng. Việc xây dựng một hệ thống tiêu chuẩn hiện đại, đồng bộ, hài hòa với quốc tế sẽ giúp Việt Nam chủ động hơn trong nỗ lực hoàn thành các cam kết về khí hậu.

Công cụ hỗ trợ thuận lợi hóa thương mại quốc tế

Tiêu chuẩn đóng một vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hoạt động giao thương toàn cầu thông qua việc tạo ra một ngôn ngữ kỹ thuật chung giữa các quốc gia và khu vực. Khi các sản phẩm, hàng hóa tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế của các tổ chức như: Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC) hay Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (CAC), chúng có khả năng tiếp cận thị trường dễ dàng hơn do không tạo ra rào cản kỹ thuật, đơn giản hóa các yêu cầu kiểm tra hay chứng nhận. Việc áp dụng tiêu chuẩn góp phần củng cố độ tin cậy về an toàn, khả năng tương thích, chất lượng của sản phẩm, từ đó tăng cường lòng tin giữa các đối tượng tham gia hoạt động giao dịch thương mại. Việc áp dụng tiêu chuẩn không chỉ giúp doanh nghiệp cải tiến quy trình sản xuất, tối ưu hóa chi phí, mà còn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và thương hiệu doanh nghiệp trên thị trường quốc tế. Trong bối cảnh chuỗi cung ứng ngày càng mở rộng xuyên biên giới, vai trò của tiêu chuẩn trong đảm bảo tính đồng bộ và minh bạch sẽ càng được khẳng định rõ nét.

Các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế hàng đầu như ISO, IEC, CAC và các cơ quan liên quan như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đang không ngừng nỗ lực thúc đẩy quá trình hài hòa tiêu chuẩn kỹ thuật, nhằm hỗ trợ sự lưu thông của sản phẩm, hàng hóa. Hai hiệp định quan trọng trong WTO là Hiệp định về Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) và Hiệp định về Các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS) đóng vai trò định hướng việc xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và hoạt động đánh giá sự phù hợp, hạn chế việc sử dụng tiêu chuẩn như rào cản trá hình đối với thương mại.

Việt Nam đã là thành viên chính thức của WTO từ năm 2007, mở ra giai đoạn hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu một cách sâu rộng. Việt Nam đã cam kết tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc của Hiệp định TBT, đảm bảo minh bạch hóa quá trình xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cũng như các thủ tục đánh giá sự phù hợp theo thông lệ quốc tế, tránh gây ra những rào cản không cần thiết cho thương mại quốc tế. Việt Nam cũng đã thành lập Điểm hỏi đáp quốc gia về TBT (Vietnam TBT Enquiry Point) trực thuộc Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia để trao đổi thông tin với các đối tác thương mại, tiếp nhận ý kiến phản hồi và thông báo các quy định kỹ thuật mới theo đúng nghĩa vụ minh bạch hóa trong WTO.

Việc tham gia Hiệp định TBT không chỉ thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc giảm thiểu rào cản kỹ thuật, mà còn tạo động lực thúc đẩy tiến trình nâng tỷ lệ tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, giúp các doanh nghiệp trong nước nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường năng lực sản xuất, sức cạnh tranh nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường toàn cầu. Đồng thời, khuyến khích quá trình cải cách thể chế và hiện đại hóa hệ thống tiêu chuẩn, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ thúc đẩy thương mại quốc tế.

Với tư cách là thành viên đầy đủ của ISO từ năm 1977, thành viên đầy đủ của CAC từ năm 1989 và thành viên liên kết của IEC từ năm 2002, Việt Nam đã tích cực tham gia vào hơn 90 ban kỹ thuật và tiểu ban kỹ thuật của ISO và IEC, là thành viên chính thức của các ủy ban chính sách ISO/CASCO, DEVCO, COPOLCO và ISONET. Bên cạnh đó, Việt Nam đẩy mạnh hợp tác khu vực trong khuôn khổ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), đồng thời thúc đẩy các chương trình hợp tác song phương về tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp với nhiều quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu…, qua đó tiếp cận và học hỏi kinh nghiệm quốc tế. Những hoạt động này đã đóng góp lớn trong việc nâng cao năng lực quốc gia, hỗ trợ quá trình hài hòa tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực, cũng như tăng cường sự hiện diện và đóng góp của Việt Nam vào tiến trình xây dựng tiêu chuẩn toàn cầu.

Hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu

Các tiêu chuẩn liên quan đến đo lường, kiểm kê khí nhà kính, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thiết kế đô thị thích ứng với khí hậu hay quản lý rủi ro thiên tai, giúp các quốc gia và doanh nghiệp xây dựng các hệ thống sản xuất và hạ tầng có khả năng chống chịu tốt hơn trước tác động của khí hậu cực đoan. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn còn hỗ trợ minh bạch hóa thông tin môi trường, giúp đánh giá hiệu quả cũng như hiệu lực của các chính sách về khí hậu. Việc áp dụng và hài hòa các tiêu chuẩn liên quan đến biến đổi khí hậu cũng tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận nguồn tài chính xanh và công nghệ sạch, qua đó thúc đẩy tiến trình chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp và có khả năng thích ứng cao.

Hiện tại, nhiều tổ chức quốc tế đã phát triển hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật hỗ trợ đánh giá và quản lý rủi ro khí hậu. Điển hình là bộ tiêu chuẩn về quản lý môi trường - ISO 14000, kiểm kê khí nhà kính - ISO 14064, chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu - ISO 14090, hay các hướng dẫn đo lường phát thải theo GHG Protocol. Ngoài ra, còn có nhiều tiêu chuẩn được ban hành trong các lĩnh vực xây dựng, đô thị và nông nghiệp, nhằm thúc đẩy xu hướng phát triển bền vững và tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu.

Các nền kinh tế phát triển như Liên minh châu Âu đã, đang tích hợp và áp dụng ngày càng nhiều tiêu chuẩn môi trường vào trong chính sách thương mại, tiêu biểu là cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Điều này cho thấy, tiêu chuẩn không còn chỉ là công cụ kỹ thuật mà đã trở thành một phần quan trọng của chính sách ứng phó khí hậu và định hình thương mại toàn cầu.

Hội thảo Tiêu chuẩn hỗ trợ thương mại quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu (Hà Nội ngày 21/3/2025).

Theo thống kê của Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) hiện có trên 14.000 TCVN, với mức độ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế cao (trên 60%), bao phủ hầu hết các lĩnh vực. Riêng lĩnh vực môi trường hiện có khoảng 800 TCVN đã được ban hành/công bố và áp dụng trong thực tiễn, bao gồm các loại tiêu chuẩn về chất lượng đất, nước, không khí, môi trường, chất thải, an toàn bức xạ. Hầu hết các tiêu chuẩn này đều được xây dựng trên cơ sở tham khảo hoặc chấp nhận hoàn toàn tương đương với các tiêu chuẩn ISO hoặc tiêu chuẩn của Hiệp hội Thử nghiệm và vật liệu Hoa Kỳ (ASTM), tiêu chuẩn về thử nghiệm nước và nước thải của Hoa Kỳ (SMEWW)… 

Với hiện trạng môi trường ô nhiễm, biến đổi khí hậu ngày một gia tăng, nguồn tài nguyên ngày một cạn kiệt, việc nghiên cứu, biên soạn và chấp nhận các tiêu chuẩn quốc tế về hiệu suất năng lượng, năng lượng tái tạo, hạ tầng phương tiện giao thông xanh, quản lý khí nhà kính… là rất cần thiết. Những năm gần đây, hệ thống TCVN phục vụ thích ứng với biến đổi khí hậu đã đạt được bước tiến rõ rệt, với hàng trăm tiêu chuẩn được xây dựng và áp dụng, bao phủ tương đối đầy đủ các lĩnh vực then chốt như không khí, nước, đất, chất thải, tiếng ồn, quản lý môi trường, hiệu suất năng lượng, năng lượng tái tạo và khí nhà kính. Đặc biệt, hệ thống hiện có bước đầu đã hình thành một nền tảng kỹ thuật phục vụ quản lý môi trường, giảm phát thải và phát triển bền vững. Tuy nhiên, để hội nhập và phát triển, hệ thống TCVN vẫn cần tiếp tục được hoàn thiện để theo kịp tốc độ chuyển dịch xanh, yêu cầu đổi mới công nghệ và các xu thế quốc tế đang ngày càng gia tăng về tính minh bạch, khả năng đo lường cũng như đánh giá hiệu quả thực thi.

Trong thời gian tới, liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu, việc xây dựng TCVN sẽ tập trung vào các nội dung nhằm hỗ trợ việc chuyển đổi sang mô hình sản xuất, tiêu dùng bền vững. Mục tiêu là giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường của hoạt động sản xuất công nghiệp, tối ưu hiệu quả sử dụng tài nguyên, nguyên vật liệu, đồng thời thúc đẩy tái sử dụng và tái chế các nguồn lực có hạn. Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn sẽ hướng đến việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và khuyến khích triển khai các giải pháp công nghệ sạch.

*

*     *

Tiêu chuẩn không chỉ là công cụ kỹ thuật phục vụ giám sát và điều chỉnh hành vi, mà còn là nền tảng hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động thương mại quốc tế, nâng cao năng lực thích ứng, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch xanh của quốc gia. Việc xây dựng một hệ thống tiêu chuẩn hiện đại, đồng bộ, hài hòa với quốc tế sẽ giúp Việt Nam chủ động hơn trong nỗ lực hoàn thành các cam kết về khí hậu, tận dụng cơ hội từ thị trường xanh và hướng tới mô hình phát triển bền vững trong dài hạn.

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)