Khẳng định vị thế trong tham mưu chính sách hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ
Với chức năng chính là tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ KH&CN thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về quan hệ đối ngoại, hội nhập và hợp tác quốc tế trong phạm vi lĩnh vực được giao, Vụ HTQT đã trở thành cầu nối quan trọng gắn kết KH&CN Việt Nam với thế giới. Báo cáo tại Đại hội Chi bộ Vụ HTQT nhiệm kỳ 2025-2027 nêu rõ, trong nhiệm kỳ 2022-2025, Chi bộ đã thực hiện tốt vai trò hạt nhân chính trị, lãnh đạo toàn diện các hoạt động chuyên môn, nhất là trong việc mở rộng hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực hỗ trợ sự phát triển S.T.I.D của đất nước.

Toàn cảnh Đại hội.
Bám sát định hướng đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, chủ động hội nhập sâu rộng, Chi bộ Vụ HTQT đã chỉ đạo đơn vị tổ chức triển khai công tác chuyên môn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và nguồn lực. Nhờ vậy, các hoạt động hợp tác quốc tế của Vụ luôn đảm bảo yêu cầu mở rộng mạng lưới đối tác, đa dạng hóa mối quan hệ đồng thời đi sâu vào những lĩnh vực then chốt, củng cố các hợp tác truyền thống.
Những kết quả nổi bật
Trong nhiệm kỳ qua, Chi bộ Vụ HTQT đã đạt được nhiều kết quả toàn diện, nổi bật. Công tác tham mưu xây dựng, hoàn thiện văn bản quản lý và các văn kiện hợp tác quốc tế được triển khai đồng bộ, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả điều hành chính sách đối ngoại về KH&CN. Cùng với đó, việc xây dựng và phát triển mạng lưới đối tác, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, chủ động dẫn dắt các hoạt động HTQT và công tác đối ngoại trong toàn ngành KH&CN đã được đẩy mạnh.
Đặc biệt, Chi bộ chỉ đạo đơn vị tích cực khai thác hiệu quả các nguồn lực quốc tế, thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, hợp tác nghiên cứu, phát triển kỹ năng số cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, triển khai nhiều sáng kiến nhằm dẫn dắt hợp tác trong khu vực, mở rộng ảnh hưởng toàn cầu, chủ động nghiên cứu, tham mưu các chuyên đề về chính sách, kinh nghiệm quốc tế, khuyến nghị của tổ chức quốc tế để phục vụ Lãnh đạo Bộ trong chỉ đạo, điều hành và hoạch định chính sách quản lý.
Ngoài ra, Vụ HTQT còn đẩy mạnh các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế, tổ chức hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại qua phối hợp với các tổ chức hữu nghị, đoàn thể chính trị - xã hội; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, triển lãm quốc tế. Công tác hợp tác song phương và đa phương trong lĩnh vực S.T.I.D tiếp tục được mở rộng, đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy liên kết nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ giữa các tổ chức trong nước với đối tác quốc tế.
Nhiều sự kiện tiêu biểu đã ghi dấu ấn nổi bật cho nhiệm kỳ vừa qua của Chi bộ Vụ HTQT như: Hội nghị và Triển lãm thế giới số ITU Digital World năm 2020 và 2021; Tuần lễ Số quốc tế Việt Nam (Vietnam International Digital Week - VIDW) được tổ chức thường niên các năm 2022, 2023 và 2024; Cuộc thi viết thư quốc tế của Liên minh Bưu chính thế giới (UPU); Hội nghị Bộ trưởng thông tin các nước ASEAN (ASEAN AMRI 2023). Những hoạt động này không chỉ nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế mà còn góp phần thu hút nguồn lực và công nghệ tiên tiến phục vụ phát triển đất nước.
Định hướng tiếp tục dẫn dắt hợp tác quốc tế về S.T.I.D
Bên cạnh kết quả chuyên môn, Chi bộ cũng nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, thẳng thắn rút kinh nghiệm, đồng thời kiên định nguyên tắc tổ chức Đảng, phát huy dân chủ, minh bạch, đề cao tinh thần trách nhiệm, giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành. Công tác xây dựng Đảng, phát triển Đảng viên, kiểm tra, giám sát, quy hoạch cán bộ đều được triển khai bài bản, tạo nền tảng vững chắc cho nhiệm vụ chính trị và chuyên môn của đơn vị.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
Tại Đại hội, các đảng viên đã tích cực thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến xác đáng để hoàn thiện phương hướng, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ tới. Chi bộ Vụ HTQT nhất trí cần tiếp tục giữ vững và phát huy vai trò chủ động tham gia định hình các quy tắc, khuôn khổ quản trị về S.T.I.D trong các cơ chế đa phương, đồng thời nghiên cứu khả năng tham gia sâu hơn vào các sáng kiến hợp tác quốc tế mới; đẩy mạnh hơn nữa hoạt động HTQT về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ để tranh thủ tối đa nguồn lực toàn cầu. Việc ký kết các hiệp định hợp tác với những quốc gia có nền khoa học, công nghệ và chuyển đổi số tiên tiến sẽ được coi là ưu tiên hàng đầu, mở đường cho triển khai các chương trình nghiên cứu chung, chuyển giao công nghệ, liên kết hoạt động đổi mới sáng tạo, nhằm kịp thời áp dụng các thành tựu quốc tế phù hợp điều kiện Việt Nam.
Với sự đồng thuận cao, Đại hội đã thống nhất thông qua Nghị quyết Chi bộ nhiệm kỳ 2025-2027, đặt mục tiêu tổng quát là thúc đẩy hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, thực chất và ngày càng sâu rộng trong lĩnh vực S.T.I.D, hướng tới đưa Việt Nam trở thành một điểm đến uy tín về hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực này.
Xuân Bình