Thứ năm, 10/07/2025 10:12

Định nghĩa lại ngành xuất bản trong thời đại số

Vũ Trọng Đại

Giám đốc Công ty Xuất bản Khoa học và Giáo dục Thời Đại (TIMES)

Công nghệ mở ra phạm vi và chân trời mới cho ngành xuất bản. Sách giấy, vốn là hình thức sản phẩm được xã hội mặc định gắn với xuất bản trong vòng 6 thế kỷ qua thì gần đây lần đầu tiên đã phải chia sẻ địa vị độc tôn của mình. Trong khoảng 20 năm đầu thế kỷ 21, một loạt định dạng xuất bản mới nảy sinh và tăng trưởng nhanh chóng, chúng xuất hiện mỗi khi có một nền tảng (platform) mới ra đời, trong đó tiêu biểu là sách điện tử và sách nói. Thế nhưng cuộc chuyển biến lớn của ngành xuất bản toàn cầu chưa dừng ở đó. Tác động của làn sóng công nghệ hiện nay khiến cho ngành xuất bản đang phải định nghĩa lại.

Ngành xuất bản trong làn sóng công nghệ

Trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu đang làm thay đổi diện mạo của nhiều lĩnh vực, trong đó có xuất bản. Các nhà xuất bản đang biến chuyển theo xu hướng trở thành các doanh nghiệp dựa trên AI và dữ liệu.

Nhiều nhà xuất bản trên thế giới đã áp dụng trí tuệ nhân tạo để quản lý bản quyền và hỗ trợ các tác giả tối ưu hóa giá trị tác phẩm của mình. Nguồn: Xinhua.

AI ngày càng thể hiện vai trò rõ rệt trong quá trình sáng tạo nội dung: các mô hình ngôn ngữ lớn như chatGPT, Gemini, Claude… không chỉ hỗ trợ mạnh mẽ cho việc biên soạn, dịch thuật mà còn chứng tỏ các năng lực nổi bật khác về minh họa, trình bày và thiết kế - tức là bao quát hầu hết các công đoạn làm ra cuốn sách. Bên cạnh đó, các đơn vị xuất bản còn sử dụng các ứng dụng AI để tối ưu hiệu quả trong các hoạt động vận hành, kinh doanh và marketing, chẳng hạn: quản lý và điều phối hàng hóa, lập kế hoạch kinh doanh, xây dựng chính sách giá, thiết kế các chiến dịch truyền thông…

Xuất bản cũng là một trong những đầu vào của dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu nghiên cứu khoa học. Nên nhớ rằng từ nửa cuối thế kỷ 16, dữ liệu kiến thức trong xã hội được tích lũy, lan truyền và phát huy thông qua sách vở đã làm cơ sở cho Cuộc cách mạng khoa học; đến lượt nó, Cuộc cách mạng khoa học lại trở thành tiền đề cho Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất. Trong nền kinh tế số, dữ liệu được xem là một loại tài nguyên mới: năm 2006, nhà toán học người Anh Clive Humby đề cập đến dữ liệu như là một loại dầu mỏ mới. Các nhà xuất bản không chỉ đóng góp trong việc bảo tồn, kiến tạo và khai thác loại tài nguyên mới này mà chính họ còn sử dụng dữ liệu để phục vụ cho các hoạt động kinh doanh, ví dụ: họ thu thập thông tin thông qua các nền tảng, website giao dịch để phân tích dữ liệu độc giả, đánh giá hành vi người dùng, dự đoán xu hướng thị trường…

CEO DeepMind Demis Hassabis gần đây đã nhận định AI đang tiến sát đến AGI (trí tuệ nhân tạo tổng quát có thể tư duy như con người). Chưa phải là AGI nhưng ngay lúc này, các trợ lí AI (AI Agent) thâm nhập ngày càng sâu vào nhiều lĩnh vực đời sống: DeepResearch, Deepseek, Grok đang đồng hành trong công việc hàng ngày của nhiều nhà nghiên cứu, nhà giáo dục, doanh nhân,… cũng như nhân viên văn phòng bao gồm cả các biên tập viên, chuyên viên marketing hay nhân viên kinh doanh trong lĩnh vực xuất bản. Đây là một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử: bên cạnh nguồn lực con người, đang hình thành nguồn nhân lực số có thể thay thế con người trong hàng loạt công việc.

Những thách thức tiềm ẩn

Việc ứng dụng các thành tựu công nghệ mới về AI và dữ liệu hứa hẹn đem lại hiệu suất tăng vọt cho ngành xuất bản: giảm đáng kể chi phí đầu vào, rút ngắn thời gian sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường, tạo dựng những loại hình sản phẩm mới. Tuy nhiên, tấm huân chương nào cũng có hai mặt. Việc dễ dàng tạo ra nội dung (văn bản, hình ảnh, âm thanh) nhờ AI cũng gây ra các nguy cơ về vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ, sao chép và làm giả, vốn là các vấn đề cố hữu của việc xuất bản sách giấy nhưng giờ đây có thể trở nên nhức nhối hơn nhiều trên không gian mạng internet.

Triển lãm sách tại Trung tâm Dữ liệu và Thông tin khoa học- Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4).

Một xã hội số, trong đó công nghệ được tích hợp vào mọi mặt của đời sống, có thể đem lại lợi ích lớn lao chưa từng có cho con người. Song trong xã hội ấy, với sự xuất hiện của nhân lực số, tình hình cũng trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Một nhân sự làm sai có thể bị xử phạt hoặc bị sa thải nhưng một nhân viên số làm sai thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Ngành xuất bản có vai trò lớn đối với tri thức nhân loại nhưng khi tri thức có thể bị sai lệch bởi máy móc, và đặc biệt nếu như máy móc có khả năng tự trao đổi và sản sinh ra những tri thức mới mà con người không thể hiểu được thì khi ấy điều gì sẽ xảy ra?

Một không gian mới cần được định hình

Xuất bản trong bối cảnh của thời đại số cần được đặt vào trong lĩnh vực dữ liệu để thoát khỏi tấm áo đã trở nên chật chội của sách giấy, mở ra không gian phát triển mới mà trong đó có thể tích hợp nhiều hơn nữa những ứng dụng ngày càng mạnh mẽ của AI. Khi xuất bản thuộc lĩnh vực dữ liệu thì tức là chúng ta trả nó về với đúng bản chất hoạt động: cung cấp thông tin cho công chúng (dưới nhiều định dạng như văn bản, âm thanh, hình ảnh, phần mềm và các hình thức nội dung khác) - điều tương tự đã diễn ra trong quá khứ khi thông tin được chứa đựng trên nhiều chất liệu khác nhau: đất, đá, xương, gỗ, đồng, lụa,… cho đến thời đại của sách giấy và nay là thời đại của không gian số, với các vật chứa đựng có thể là vật chất (máy tính, điện thoại thông minh) hay thậm chí là ảo (thực tại ảo). Luật Xuất bản Việt Nam đang được xem xét sửa đổi: lúc này rất nên định nghĩa lại khái niệm “xuất bản” để mở ra tầm nhìn dài hạn và những khả năng phát triển mới của ngành. Trong vài năm gần đây, doanh thu toàn ngành khoảng 6.000 tỷ VNĐ, trong đó sách giấy chiếm đến hơn 90%; còn sức mua của thị trường ước khoảng 10.000 tỷ VNĐ. Nếu tính chất và phạm vi của xuất bản thay đổi, qui mô thị trường cũng sẽ thay đổi, chúng ta hoàn toàn có thể đặt mục tiêu doanh thu lớn gấp nhiều lần hiện tại với tiềm năng của một quốc gia hơn 100 triệu dân.

Song song với việc định nghĩa lại ngành xuất bản, trước áp lực của làn sóng công nghệ, công tác giáo dục và đào tạo đang đặt ra ngày một cấp bách: (i) nhân lực của ngành xuất bản phải có năng lực công nghệ để kịp thời nắm bắt và ứng dụng những thành tựu mới nhất; (ii) phải có tư duy hệ thống để có khả năng liên kết dữ liệu và tổ chức nguồn lực phục vụ cho hoạt động xuất bản ngày càng mang nhiều giá trị sáng tạo; và (iii) thấm nhuần giá trị nhân bản để biết sử dụng công nghệ phục vụ con người và vì con người. Con người đang bị thách thức nghiêm trọng bởi con người số (digital human) cho nên họ phải có ba điều trên để làm chủ công nghệ và bảo vệ chính họ.

Xuất bản trong thời đại số nên dựa trên ba thành tố: Nhà nước - Doanh nghiệp - Cơ sở giáo dục. Nhà nước đóng vai trò định hướng, tạo lập, khuyến khích môi trường sáng tạo, và thiết lập khuôn khổ của công nghệ xuất bản lành mạnh: khai thác và sử dụng dữ liệu ra sao, kiểm soát AI “bẩn” như thế nào, đặc biệt là việc quản lý nguồn nhân lực số.

Doanh nghiệp xuất bản tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, kiến thiết đồng thời nuôi dưỡng cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Tuy nhiên, trong các hoạt động R&D đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn và dài hạn, vai trò của nhà nước là không thể phủ nhận. Phải nói thêm rằng R&D là điểm hạn chế của các doanh nghiệp xuất bản Việt Nam: phụ thuộc vào mua bản quyền tác phẩm của nước ngoài và mang nặng tính thương mại, đáp ứng nhu cầu thuần túy của độc giả hiện hữu mà thiếu vắng đội ngũ tác giả Việt cũng như không có chiến lược sản phẩm dài hạn.

Cuối cùng nhưng quan trọng, các cơ sở giáo dục đóng vai trò cung cấp nguồn nhân lực cho cơ cấu bộ máy doanh nghiệp xuất bản theo kiểu mới: họ cần thay đổi và bổ sung chương trình đào tạo sao cho sát hợp với khái niệm mới về ngành, tổng hợp thực tiễn để hệ thống hóa và đề xuất những mô hình cũng như quy trình hiện đại, giáo dục tư duy sáng tạo thay vì truyền đạt kiến thức về kỹ năng, đào luyện năng lực phản biện và vun bồi tinh thần nhân bản để làm chủ và kiểm soát công nghệ hiệu quả.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)