Nhận diện tiềm năng, hóa giải thách thức
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh Khánh Hòa đang bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ cả về thể chế lẫn kinh tế, xác lập vị thế mới trong khu vực và cả nước. Với hai phiên thảo luận chuyên sâu: “Khơi thông cơ chế, chính sách để Khánh Hòa hiện thực hóa tầm nhìn thành phố trực thuộc Trung ương” và “Nguồn lực và cơ hội để tỉnh đột phá tăng trưởng”, Hội thảo hướng tới mục tiêu tìm ra những hướng đi đột phá, phù hợp với đặc điểm và thế mạnh riêng có của địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Quốc Nam phát biểu khai mạc Hội thảo (nguồn: Báo Khánh Hòa).
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Quốc Nam cho biết, sau quá trình sắp xếp đơn vị hành chính, không gian phát triển của tỉnh đã mở rộng rõ rệt, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành các vùng động lực kinh tế mới. Khánh Hòa đang định hình rõ hơn vai trò đầu tàu trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, với tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025 duy trì ổn định ở mức 8% trở lên, quy mô kinh tế đạt trên 175.000 tỷ đồng.
Bên cạnh những thuận lợi thì vẫn còn tồn tại ba điểm nghẽn lớn, đang cản trở sự phát triển bền vững của Khánh Hòa: hệ thống hạ tầng chiến lược chưa được đầu tư đồng bộ; chất lượng nguồn nhân lực còn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển mới; tình trạng kéo dài của nhiều dự án chậm tiến độ gây lãng phí tài nguyên và làm giảm hiệu quả đầu tư.
Do đó, Hội thảo không chỉ là nơi tổng kết thực trạng, mà còn là diễn đàn hiến kế, tạo điều kiện để cộng đồng chuyên gia, doanh nghiệp, các cấp chính quyền cùng đề xuất giải pháp mang tính đột phá, khả thi, giúp Khánh Hòa tận dụng tốt cơ hội trong giai đoạn chuyển mình. Trong khuôn khổ Hội thảo, gần 30 tham luận đã được trình bày, bao gồm cả các ý kiến chỉ đạo từ đại diện Chính phủ, ý kiến chuyên môn từ các bộ, ngành, lãnh đạo địa phương và các nhà nghiên cứu. Những nội dung thảo luận xoay quanh 3 trọng điểm: hoàn thiện kết cấu hạ tầng chiến lược; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xử lý triệt để các công trình, dự án chậm tiến độ - được đánh giá là những vấn đề then chốt để thúc đẩy Khánh Hòa đạt mục tiêu tăng trưởng hai chữ số, tiến tới hoàn thiện các tiêu chí của đô thị trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Định hình chiến lược phát triển xanh, đồng bộ với chuyển đổi số
Một trong những nội dung trọng tâm được thảo luận là việc định hình mô hình phát triển đô thị bền vững và hài hòa. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Hòa Nam khẳng định, tỉnh đang triển khai định hướng phát triển đô thị theo mô hình mạng lưới, thông minh, xanh, với các trung tâm đô thị hạt nhân kép làm động lực lan tỏa. Các khu đô thị sẽ được mở rộng về không gian, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái và gìn giữ bản sắc văn hóa bản địa.
Bên cạnh đó, Khánh Hòa xác định công nghiệp và năng lượng là hai trụ cột chiến lược. Tỉnh sẽ chú trọng đầu tư vào công nghiệp công nghệ cao, chế biến chế tạo, công nghiệp năng lượng tái tạo, điện tử, viễn thông và bán dẫn. Đặc biệt, tỉnh đặt mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, phát triển mạnh điện gió ven biển, điện mặt trời, điện khí LNG, năng lượng Hydrogen xanh và cả điện hạt nhân trong tương lai gần.
Trong lĩnh vực dịch vụ - du lịch, Khánh Hòa không chỉ giữ vững vị thế là một trong những trung tâm du lịch biển hàng đầu cả nước mà còn đặt mục tiêu phát triển theo hướng cao cấp, đa dạng, gắn liền với chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Ngành du lịch sẽ được nâng tầm theo hướng “du lịch thông minh”, tích hợp các yếu tố công nghệ, AI, dữ liệu lớn nhằm nâng cao trải nghiệm du khách và tăng cường hiệu quả quản lý. Mục tiêu đặt ra là tăng trưởng du lịch hằng năm đạt tối thiểu 15%, đưa Khánh Hòa trở thành điểm đến mang tầm quốc tế về du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm và du lịch biển đảo.
Ngoài ra, việc phát triển đồng bộ S.T.I.D như nền tảng hỗ trợ đột phá trong năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất là yếu tố quan trọng. Tỉnh sẽ tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ và hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, sẽ có chính sách đặc thù nhằm thu hút các nhà đầu tư lớn, doanh nghiệp công nghệ cao và các trường đại học, viện nghiên cứu đến Khánh Hòa hợp tác phát triển lâu dài.
Kinh tế biển và bảo tồn biển: Hướng đi then chốt cho sự bền vững
Tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam nhấn mạnh, Khánh Hòa cần tích cực thể chế hóa các quan điểm mới về phát triển biển, lồng ghép vào quá trình điều chỉnh Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để phát triển bền vững, tỉnh phải xác định rõ trọng điểm không gian phát triển kinh tế biển dựa trên hai cấu trúc song song: dọc theo các vịnh lớn như Vân Phong, Cam Ranh, Vĩnh Hy, Cà Ná và ngang theo dải ven biển, bao gồm cả quần đảo Trường Sa.
Trong đó, vùng ven biển sẽ giữ vai trò là động lực chính trong phát triển các ngành then chốt như cảng biển, logistics, công nghiệp biển, dịch vụ hậu cần nghề cá, du lịch biển và năng lượng tái tạo. PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cũng khuyến nghị, Khánh Hòa cần đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu, phát triển công nghệ biển và đào tạo nguồn nhân lực chuyên biệt phục vụ kinh tế biển xanh.
Đồng thời, tăng cường năng lực quản trị biển và đảo, đặc biệt là trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học và bảo đảm quốc phòng - an ninh trên biển. Việc đẩy mạnh phối hợp liên ngành và hoàn thiện bộ máy chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả cũng được đánh giá là yếu tố then chốt để thực thi hiệu quả các chiến lược phát triển trong thời gian tới.
Hướng đến một Khánh Hòa phát triển toàn diện và bền vững

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm (nguồn: Báo Khánh Hòa).
Hội thảo “Khánh Hòa: Hiện thực hóa tầm nhìn thành phố trực thuộc Trung ương - Đột phá trong kỷ nguyên mới” không chỉ là nơi kết nối trí tuệ của các nhà lãnh đạo, chuyên gia, doanh nghiệp mà còn là bước đi chiến lược để định hình con đường phát triển tương lai cho tỉnh. Việc Khánh Hòa xác định 3 trụ cột: phát triển xanh, chuyển đổi số và kinh tế biển không chỉ xuất phát từ lợi thế tự nhiên, vị trí địa lý hay bối cảnh thời đại, mà còn thể hiện tầm nhìn phát triển dài hạn, chủ động thích ứng với xu thế toàn cầu và yêu cầu nội tại của địa phương.
Với nền tảng là quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Lãnh đạo tỉnh, sự đồng thuận của người dân và sự đồng hành của các chuyên gia, nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp, Khánh Hòa đang từng bước hiện thực hóa khát vọng vươn lên, xứng đáng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 - không chỉ trên danh nghĩa hành chính, mà còn bằng thực lực phát triển, bản sắc riêng và sức bật bền vững trong kỷ nguyên mới.
Xuân Bình