Thứ hai, 17/06/2019 07:20

Chương trình Tây Bắc: Giải bài toán chung của toàn vùng và các vấn đề cụ thể của một số địa phương

Ngày 14/6/2019, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức tọa đàm khoa học “Kết quả nghiên cứu của Chương trình Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc - Chương trình Tây Bắc và tư vấn tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW”. Phó Trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn và Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn - Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc đồng chủ trì tọa đàm.

Phát biểu tại tọa đàm, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn, Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc cho biết, nhằm góp phần xây dựng vùng Tây Bắc phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã chuẩn y đề xuất của ĐHQGHN và Ban Chỉ đạo Tây Bắc về việc tổ chức triển khai Chương trình KH&CN cấp Nhà nước “KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc”. Đây là chương trình KH&CN có tính liên ngành, liên lĩnh vực, tính hướng đích và ứng dụng cao, nhằm cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc giải quyết những vấn đề cơ bản và nóng bỏng nhất đang đặt ra trong thực tiễn để giải phóng tiềm năng, tháo gỡ khó khăn, phát huy cao độ các nguồn lực, tạo nên xung lực mạnh mẽ trong quá trình phát triển bền vững của vùng Tây Bắc. Chương trình đã và đang triển khai 55 đề tài và 3 dự án sản xuất thử nghiệm cho 4 nhóm mục tiêu hướng đến phát triển bền vững vùng Tây Bắc. “Có thể nói, các nhiệm vụ đã và đang triển khai, nghiên cứu trong Chương trình Tây Bắc vừa có tính vĩ mô gắn với bài toán chung của toàn vùng, liên vùng và tiểu vùng, vừa tập trung giải quyết các vấn đề cụ thể của một số địa phương vùng Tây Bắc” - Chủ nhiệm Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Các hoạt động của Chương trình góp phần giúp cho địa phương thay đổi nhận thức, quan điểm lựa chọn ứng dụng KH&CN là khâu đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đồng thời, góp phần mở rộng quan hệ hợp tác giữa ĐHQGHN, các nhà khoa học, các tổ chức KH&CN, các doanh nghiệp với các địa phương. Bên cạnh các nghiên cứu cung cấp luận cứ khoa học, Chương trình cũng nhận được một số kết quả cụ thể, thực tiễn về ứng dụng KH&CN để nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa và các mô hình tăng trưởng; phát triển giáo dục đào tạo và nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; văn hóa - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh.
Theo đại diện Ban Chủ nhiệm, Chương trình Tây Bắc có 4 mục tiêu cơ bản, phân kỳ triển khai thành 2 giai đoạn. Đến nay, có 37/58 nhiệm vụ đã được nghiệm thu. Các kết quả nghiên cứu của Chương trình đã bám sát mục tiêu, được tách chiết, chuyển giao cho các địa phương thông qua 4 nhóm kết quả: cung cấp luận cứ khoa học; ứng dụng KH&CN; phát triển giáo dục - đào tạo và nguồn nhân lực; phát triển văn hóa - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận về các kết quả nghiên cứu của một số đề tài, nhiệm vụ nổi bật của Chương trình Tây Bắc: định hướng quy hoạch phát triển bền vững các tiểu vùng Tây Bắc góp phần bổ sung, hoàn thiện cơ sở khoa học phân chia tiểu vùng theo tiếp cận địa sinh thái - xã hội, định hướng quy hoạch phát triển bền vững các tiểu vùng dựa trên lợi thế so sánh; đề xuất các chính sách liên kết kinh tế vùng Tây Bắc; đề xuất, khuyến nghị nhằm phát triển tài chính toàn diện để thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị bền vững ở khu vực Tây Bắc; nghiên cứu và phát triển dược liệu Tây Bắc nhằm xây dựng, kết nối chuỗi giá trị bền vững; nghiên cứu về một số vấn đề đặt ra trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, đảm bảo an ninh ở vùng Tây Bắc; các giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho người lao động Tây Bắc; sản xuất trà và bột dinh dưỡng từ Táo mèo và Chùm ngây đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho vùng Tây Bắc”…
Kết luận tọa đàm, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn khẳng định, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ có vị trí đặc biệt quan trọng, là khu vực đảm bảo sinh thái cho khu vực Đồng bằng sông Hồng, được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt. Với những kết quả đạt được của Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung Du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020 cũng như những khó khăn tồn tại trong vùng đang phải đối mặt thì cần nghiên cứu, đề xuất Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới, khả thi, căn cơ và thiết thực hơn; nhận diện và giải quyết các nút thắt để giúp vùng Tây Bắc phát triển trong thời gian tới. Ban Kinh tế Trung ương sẽ tiếp thu, cân nhắc và lựa chọn các ý kiến đóng góp tại hội thảo, phục vụ cho việc xây dựng báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 37 cũng như xây dựng các chính sách của Đảng và Nhà nước.
VVH

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)