Thứ sáu, 17/01/2020 00:30

Nâng cao năng suất lao động của Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam liên tục tăng trưởng trong nhiều năm, dần thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, trong bối cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), để tạo ra sự bứt phá hơn nữa trong việc nâng cao năng suất chất lượng của toàn nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng đòi hỏi sự nỗ lực từ rất nhiều phía.
Tạp chí đã có cuộc phỏng vấn với TS Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng về những vấn đề đặt ra trong bối cảnh mới.

Xin ông cho biết một số nét tổng quan về bức tranh NSLĐ của Việt Nam?
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, NSLĐ của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102,2 triệu đồng/lao động (tính theo tỷ giá hối đoái tương đương 4.512 USD/lao động).
Năm 2018, NSLĐ toàn nền kinh tế tăng 5,93%; bình quân giai đoạn 2016-2018, NSLĐ tăng 5,77%/năm, cao hơn mức tăng bình quân 4,35%/năm của giai đoạn 2011-2015. Tính chung giai đoạn 2011-2018, NSLĐ tăng bình quân 4,88%/năm.
Khi so sánh số liệu về NSLĐ của Việt Nam với một số nước châu Á, từ năm 2000 đến 2018, mặc dù NSLĐ của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều quốc gia, nhưng đã tăng gấp ba lần và khoảng cách với các nước đã được thu hẹp dần. So với quốc gia có mức NSLĐ dẫn đầu châu Á là Singapore, khoảng cách về NSLĐ giữa Singapore và Việt Nam đã giảm đáng kể, từ mức cao gấp 21 lần vào năm 1990 đến nay chỉ còn 12 lần (NSLĐ của Singapore năm 2018 là 147,4 nghìn USD/người, trong khi đó của Việt Nam là 12,4 nghìn USD/người - Dữ liệu từ Total Economy Database, The Conference Board).
Tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam cao nhất khối ASEAN trong giai đoạn vừa qua. Cụ thể, tính theo sức mua tương đương năm 2011 (PPP 2011), NSLĐ của Việt Nam giai đoạn 2011-2018 tăng bình quân 4,8%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của Singapore (1,4%/năm), Malaysia (2%/năm), Thái Lan (3,2%/năm), Indonesia (3,6%/năm), Philippines (4,4%/năm).
Những kết quả trên phần nào phản ánh Việt Nam đã thu hẹp dần khoảng cách với các nước ASEAN có trình độ phát triển cao hơn. Tuy nhiên, về cơ bản chúng ta vẫn phải khẳng định rằng, NSLĐ của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực.
Vậy theo ông, nguyên nhân cơ bản dẫn tới NSLĐ của Việt Nam thấp là gì?
Theo tôi, nguyên nhân cơ bản dẫn tới NSLĐ của Việt Nam thấp chính là các yếu tố sau:
Thứ nhất, quá trình dịch chuyển cơ cấu lao động theo hướng tích cực nhưng còn chậm, tăng năng suất nội ngành chưa đóng vai trò chủ đạo trong việc tăng năng suất của nền kinh tế.
Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, yếu tố chuyển dịch cơ cấu lao động đóng vai trò quan trọng vào tăng NSLĐ của toàn bộ nền kinh tế. Qua nghiên cứu cho thấy, đóng góp của chuyển dịch cơ cấu lao động vào tăng NSLĐ ở nước ta vẫn ở mức cao nhưng có xu hướng giảm, tỷ lệ này trong giai đoạn 2011-2017 đạt 39%, thấp hơn mức 54% của giai đoạn 2000-2010. Điều này phù hợp với quy luật phát triển của các nền kinh tế trong giai đoạn chuyển đổi, tăng NSLĐ sẽ ngày càng phụ thuộc vào tăng NSLĐ nội ngành.
Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có thay đổi đáng kể trong bản chất tăng trưởng của ngành, sự tăng trưởng chủ yếu vẫn dựa vào mở rộng quy mô những ngành sử dụng nhiều lao động, hàm lượng công nghệ thấp… dẫn đến việc chưa đạt được mục tiêu tăng nhanh giá trị gia tăng của sản phẩm.

Hội thảo Thúc đẩy năng suất thông qua các chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành dẫn dắt tăng NSLĐ nhưng tập trung cao ở những sản phẩm xuất khẩu, dựa trên nền tảng công nghệ thấp, trung bình. Trong khi đó, ngành công nghệ cao tập trung ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, ở công đoạn lắp ráp, nhập khẩu linh kiện… do đó, giá trị gia tăng tạo ra trong nước tương đối thấp. Đồng thời, ngành công nghệ cao chủ yếu tận dụng lao động giá rẻ, chưa có nhiều tác động lan tỏa đối với khu vực trong nước nên chưa tạo đột phá về tăng NSLĐ.
Thứ hai, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế.
Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, đánh giá về Vốn nhân lực (Human Capital), có 2 chỉ số, đó là Sức khỏe và Kỹ năng. Chỉ số Sức khỏe của Việt Nam đứng thứ 71/141 quốc gia, nhưng đánh giá về chỉ số Kỹ năng, Việt Nam đứng thứ 93/141 nước. Trong đó, chỉ số kỹ năng của sinh viên sau khi tốt nghiệp đứng thứ 116 và chất lượng của đào tạo nghề đứng thứ 102 là những kết quả cần lưu ý.
Theo kết quả đánh giá sự sẵn sàng cho sản xuất trong tương lai (năm 2018) của Diễn đàn Kinh tế thế giới, tiêu chí Vốn con người của Việt Nam đứng thứ 70/100 nước. Nếu so sánh với các nước trong nhóm ASEAN-6, chỉ tiêu này của Việt Nam vẫn còn thấp (Singapore xếp thứ 2, Thái Lan xếp thứ 53, Malaysia xếp thứ 21, Indonesia xếp thứ 55 và Philipines xếp thứ 66).
Trong năm 2018, tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc đã qua đào tạo là 21,9%, trong đó đại học trở lên chiếm 9,5%; cao đẳng chiếm 3,1%; trung cấp chuyên nghiệp 3,8% và dạy nghề chiếm 5,5%. Mặc dù xu hướng lao động chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật đang giảm dần, nhưng nhìn chung còn chậm.  Tỷ lệ qua đào tạo của lao động phi chính thức khá thấp, chỉ khoảng gần 15%, thấp hơn mức chung của lao động có việc làm trong toàn bộ nền kinh tế. Đây chính là rảo cản lớn cho việc cải thiện NSLĐ của Việt Nam.
Trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, xin ông cho biết chúng ta cần làm gì để nâng cao năng suất chất lượng cũng như sức cạnh tranh của toàn ngành kinh tế?
Trong bối cảnh hiện nay, việc ưu tiên phát triển, chuyển giao khoa học và công nghệ, nhất là các công nghệ hiện đại, là yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong số các nội dung là động lực cho sản xuất, công nghệ và đổi mới sáng tạo là yếu tố quyết định, vì việc áp dụng các công nghệ mới nổi là mấu chốt của CMCN 4.0.
Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2019 đánh giá về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo gồm 2 trụ cột là Năng động trong kinh doanh (gồm có khả năng tạo ý tưởng, nghiên cứu, phát triển và khả năng thương mại hóa hoạt động KHCN) và Năng lực đổi mới sáng tạo (gồm có phạm vi và khung pháp lý hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, mức độ quốc gia sẵn sàng chấp nhận rủi ro và đón nhận những ý tưởng đột phá); điểm số về sự năng động trong kinh doanh của Việt Nam là 56,5/100 điểm, đứng thứ 89/141 nước và năng lực đổi mới đạt 36,8 điểm, đứng thứ 76/141 nước.
Việt Nam đã mở rộng và đa dạng hoá cơ cấu ngành hàng, nhưng quá trình chuyển đổi cơ cấu sang xuất khẩu các mặt hàng và dịch vụ “công nghệ cao”, phức tạp hơn và có hàm lượng tri thức cao hơn vẫn còn diễn ra khá chậm. Các hoạt động tạo ra ít giá trị gia tăng đã hạn chế khả năng học hỏi công nghệ và nâng cao năng lực sáng tạo.
Để nâng cao năng suất lao động của ngành và của quốc gia, cần có nhiều giải pháp, nhưng theo tôi về phía Nhà nước cần tiếp tục có những chính sách nhằm:
1) Cải thiện môi trường kinh doanh: những năm vừa qua, Việt Nam luôn có sự cải thiện tốt về thứ hạng trong bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh. Chính phủ đã thực hiện hàng loạt chính sách thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng các cuộc gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với khu vực kinh tế tư nhân. Các Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đã và đang được thực hiện có hiệu quả. Môi trường kinh doanh và thể chế vẫn cần tiếp tục cải cách hơn nữa để thúc đẩy nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh.

Hoạt động xuất khẩu các mặt hàng có hàm lượng giá trị công nghệ cao của các doanh nghiệp Việt Nam còn chậm.

2) Chú trọng đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng: tăng trưởng kinh tế gắn liền với phát triển cơ sở hạ tầng. Cơ sở hạ tầng hạn chế là yếu tố cản trở thu hút đầu tư sản xuất, tạo việc làm. Những lĩnh vực hạ tầng cần được chú trọng là hệ thống giao thông, năng lượng và những dự án có thể giúp kết nối các quốc gia trong khu vực và kết nối khu vực với thị trường toàn cầu. Nếu muốn cạnh tranh trong lĩnh vực thu hút đầu tư thì những lợi thế như giá lao động rẻ sẽ không đủ, mà cần phải có một hệ thống cơ sở hạ tầng đủ chất lượng để thu hút các doanh nghiệp. Hiện tại, cơ sở hạ tầng của Việt Nam vẫn còn phát triển chậm so với yêu cầu tăng trưởng kinh tế.
Về phía các doanh nghiệp, cần không ngừng nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển bền vững, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa, cạnh tranh quốc tế và cuộc CMCN 4.0. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng thành công trong việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm, công nghệ mới hoặc đưa vào ứng dụng có hiệu quả các phương pháp và công nghệ mới. Thông qua tìm hiểu và nghiên cứu một số doanh nghiệp điển hình thành công về hoạt động đổi mới sáng tạo, một số kinh nghiệm được đúc kết lại như sau: i) Doanh nghiệp cần đánh giá liên tục nhu cầu, mong muốn của khách hàng và thị trường; ii) Luôn so sánh doanh nghiệp mình với các doanh nghiệp cạnh tranh và các doanh nghiệp thành công khác; iii) Đặt mục tiêu cho đổi mới sáng tạo và các sáng kiến cải tiến; iv) Hình thành đội ngũ nòng cốt dẫn dắt đổi mới sáng tạo. Đó chính là chìa khóa dẫn tới thành công của các doanh nghiệp trong bối cảnh mới.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thực hiện: Hải Hằng



 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)