Thứ sáu, 26/04/2024 18:00

Vốn đầu tư cho các công ty khởi nghiệp Việt Nam giảm 17%

“Năm 2023, các công ty khởi nghiệp Việt Nam nhận được tổng số vốn đầu tư là 529 triệu USD, giảm 17% so với năm trước. Sự sụt giảm này cho thấy bối cảnh đầu tư công nghệ tại Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế nhiều biến động trên toàn cầu”. Số liệu và nhận định này được đưa ra tại Diễn đàn đổi mới sáng tạo (ĐMST) Việt Nam 2024 và công bố Báo cáo ĐMST và đầu tư công nghệ (ĐTCN) Việt Nam 2024 (Báo cáo ĐMST&ĐTCN Việt Nam 2024). Diễn đàn do Trung tâm ĐMST Quốc gia (NIC) và Quỹ đầu tư Do Ventures tổ chức ngày 26/04/2024 tại TP Hồ Chí Minh.

Một vài con số từ Báo cáo đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam 2024

Báo cáo ĐMST&ĐTCN Việt Nam được công bố nhằm mục tiêu nâng tầm hệ sinh thái ĐMST Việt Nam, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa Do Ventures và NIC. Diễn đàn năm nay mang đến cái nhìn tổng quan về hoạt động ĐMST tại Việt Nam và giới thiệu các xu hướng công nghệ mới nhất, từ đó xác định các cơ hội phát triển cho Việt Nam trong tương lai.

Ảnh bìa Báo cáo đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam 2024.

Năm 2023, các công ty khởi nghiệp Việt Nam nhận được tổng số vốn đầu tư là 529 triệu USD, giảm 17% so với năm trước. Sự sụt giảm này cho thấy bối cảnh đầu tư công nghệ tại Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế nhiều biến động trên toàn cầu. So với mức giảm 35% của tổng số vốn đầu tư mạo hiểm trên toàn cầu, mức giảm 17% cho thấy thị trường Việt Nam vẫn đang vững vàng trước rất nhiều thách thức trên thị trường vốn.

Báo cáo cho biết, tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam giữ vững vị trí thứ ba về số lượng thương vụ đầu tư và giành lại vị trí thứ ba về tổng giá trị đầu tư. Singapore dẫn đầu cả về số lượng thương vụ và tổng giá trị đầu tư, theo sau là Indonesia.

Lĩnh vực y tế nhận được số vốn cao kỷ lục, tăng vọt 391% so với cùng kỳ năm trước, trở thành lĩnh vực được đầu tư nhiều nhất. Lĩnh vực giáo dục cũng nhận số vốn cao nhất từ trước tới nay, tăng 107% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2023, gần 100 quỹ đã rót vốn vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam, trong đó các nhà đầu tư năng động nhất đến từ Singapore, theo sau là các nhà đầu tư Việt Nam.

Có thể nói, chúng ta đã chứng kiến làn sóng ĐMST và ​​sự gia tăng nguồn tài trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trên toàn cầu. Xu hướng này rất phù hợp với Việt Nam vì nó mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước tiếp cận vốn và mở rộng quy mô kinh doanh. Bằng cách tận dụng hệ sinh thái ĐMST, các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam có thể nắm bắt được những cơ hội giá trị, kết nối với các nhà đầu tư và đảm bảo nguồn tài trợ cần thiết để thúc đẩy các hoạt động kinh doanh theo định hướng ĐMST.

Việt Nam - điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và công nghệ

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại Diễn đàn.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông khẳng định, năm 2023, đầu tư cho ĐMST và công nghệ cao của Việt Nam chứng kiến ​​sự tăng trưởng và phát triển đáng kể khi vượt cơn gió ngược toàn cầu. Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia đứng đầu khu vực trong thu hút lượng đầu tư vào ĐMST, tập trung vào các lĩnh vực như thương mại điện tử, công nghệ tài chính (fintech) và trí tuệ nhân tạo (AI). Dòng vốn này đã góp phần quan trọng cho phát triển của các doanh nghiệp trong nước và minh chứng cho môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam ngày càng thuận lợi, thúc đẩy ĐMST, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp. Với lực lượng dân số trẻ đông đảo, đam mê công nghệ và sự quyết tâm vào cuộc của các cơ quan trung ương, địa phương, Việt Nam đang dần khẳng định là một điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp ĐMST và công nghệ toàn cầu.

Việt Nam sở hữu tiềm năng to lớn để nâng cao năng lực ĐMST và cạnh tranh trên thị trường công nghệ cao toàn cầu. Hai lĩnh vực có nhiều hứa hẹn là ngành công nghiệp bán dẫn và AI. Đây là những lĩnh vực chiến lược và là động lực phát triển mới để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Với môi trường đầu tư thuận lợi và nguồn nhân lực dồi dào cùng việc xác định rõ tầm nhìn, quyết tâm cao của Chính phủ phát triển đột phá ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt sau khi Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ và Nhật Bản lên quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vào năm 2023, Việt Nam có thể thu hút các doanh nghiệp và nhà đầu tư đa quốc gia phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ sớm ban hành Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và Đề án đào tạo 50.000 kỹ sư trong lĩnh vực bán dẫn nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài, giữa các trường đại học với các doanh nghiệp, tạo điều kiện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực của doanh nghiệp Việt Nam. Bằng cách đó, Việt Nam không chỉ có thể đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn trở thành nước xuất khẩu bán dẫn lớn, thúc đẩy nền kinh tế và tạo cơ hội việc làm cho người dân.

Bên cạnh đó, một lĩnh vực khác mà Việt Nam có thể đạt được những bước tiến đáng kể là AI. Với những tiến bộ trong học máy và phân tích dữ liệu, AI đã trở thành động lực thúc đẩy ĐMST trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Tương lai phát triển AI của Việt Nam hết sức rộng mở khi một số doanh nghiệp khởi nghiệp AI đã vươn tầm quốc tế và thị trường AI có đủ cơ hội cho tất cả mọi người, từ những doanh nghiệp tên tuổi cho đến cả các doanh nghiệp khởi nghiệp.

“Để tận dụng tối đa những cơ hội này, Việt Nam phải đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có thể đáp ứng nhu cầu của các ngành nói trên. Chính phủ ưu tiên đầu tư vào các chương trình giáo dục và đào tạo tập trung vào khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM). Bằng cách trang bị cho lực lượng lao động những kiến thức và kỹ năng cần thiết, Việt Nam có thể nâng cao năng lực ĐMST và đảm bảo mình có lợi thế cạnh tranh trong cuộc cạnh tranh công nghệ cao toàn cầu” - Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.

*

*       *

Diễn đàn ĐMST Việt Nam 2024 là cơ hội kết nối những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực ĐMST và khởi nghiệp Đông Nam Á. Diễn đàn đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy hợp tác, trao đổi ý tưởng và góp phần xây dựng lộ trình cho hành trình trở thành quốc gia công nghệ cao của Việt Nam. Trong khuôn khổ của Diễn đàn, Báo cáo ĐMST&ĐTCN Việt Nam 2024 cũng được phát hành. Bằng cách phân tích dữ liệu và xu hướng, báo cáo thường niên này là nguồn dữ liệu tổng quan quý giá cho Chính phủ và các cơ quan chức năng trong quá trình hoạch định chính sách hỗ trợ hiệu quả cho hệ sinh thái ĐMST của Việt Nam trong tương lai.

VVH

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)