Thứ hai, 26/07/2021 15:07

Đảm bảo an ninh năng lượng trong tình hình mới

Hoàng Văn Cương1, Nguyễn Xuân Toản2, Hoàng Nam Anh2

1Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương

2Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp

Việt Nam đã và đang phải đối mặt với không ít thách thức trong vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng. Điều này đòi hỏi cần có những giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm đảm bảo, chủ động nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội.

Những thách thức cần giải quyết

Việt Nam là một nước có nguồn năng lượng đa dạng. Ngành năng lượng đã đạt được những thành tựu đáng kể trong cung cấp năng lượng cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Mức tiêu thụ năng lượng cuối cùng của Việt Nam giai đoạn 2011-2019 tăng nhanh (khoảng 10%/năm), năm 2019 tổng công suất điện đạt trên 54.880 MW, sản xuất điện năng đạt gần 240 tỷ kWh. Kết cấu hạ tầng của ngành năng lượng phát triển khá nhanh (quy mô nguồn điện đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á, thứ 23 trên thế giới). Yêu cầu sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường đang từng bước được quản lý tốt hơn.

Bên cạnh một số kết quả đạt được, việc đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể:

Một là, giai đoạn 2021-2025, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt điện năng. Kết quả dự báo mới nhất do Viện Năng lượng tính toán cho Đề án Quy hoạch điện VIII cho thấy, ở kịch bản cơ sở, nhu cầu điện thương phẩm sẽ duy trì mức tăng khoảng 8% trong giai đoạn từ năm 2021-2030 với sản lượng điện thương phẩm năm 2025 dự kiến đạt khoảng 337,5 tỷ kWh và năm 2030 dự kiến đạt khoảng 478,1 tỷ kWh. Theo đó, sản lượng điện thương phẩm sẽ thấp hơn 15 tỷ kWh vào năm 2025 và khoảng gần 230 tỷ kWh vào năm 2030 so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Hai là, diễn biến của các chỉ tiêu tương quan năng lượng/kinh tế chỉ ra rằng: tính hiệu quả sử dụng năng lượng, đặc biệt là hiệu quả sử dụng điện (sử dụng tới 700 kWh để làm ra 1.000 USD) trong phát triển kinh tế của nước ta còn rất thấp so với các nước trong khu vực và thế giới.

Ba là, các nguồn cung năng lượng trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu ngày càng lớn. Theo Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2019 thì từ năm 2015, Việt Nam trở thành nước nhập khẩu năng lượng, nhập khẩu thuần than kể từ 2015 và xu hướng này ngày càng tăng. Theo dự báo, giai đoạn 2020-2030, nhập khẩu nhiên liệu sẽ tăng gấp 3 và 2050 sẽ tăng gấp 8 lần so với 2019. Điều này cho thấy, 3/4 năng lượng tiêu thụ của Việt Nam là từ nguồn nhập khẩu.

Bốn là, mức tiêu thụ điện bình quân/người của Việt Nam hiện nay khá thấp so với khu vực và thế giới, nhưng tương lai sẽ tăng theo quy luật phát triển. Theo thống kê quốc tế, tiêu thụ điện bình quân của thế giới năm 2018 là khoảng 3.450 kWh/người. Các nước trong khu vực, mức tiêu thụ điện bình quân đầu người năm 2018 quy đổi theo kWh là: Singapore: 8.300, Malaysia: 4.300, Thái lan: 2.736, Trung Quốc: 4.018, Hàn Quốc: 9.872, Nhật Bản: 7.480... Việt Nam có tiêu thụ điện tính bình quân đầu người là 2.200 kWh/người. Như vậy, so với các nước trong khu vực, tiêu thụ năng lượng nói chung của Việt Nam chỉ mới đạt khoảng 35-40% và khoảng 65% so với bình quân đầu người trên thế giới.

Năm là, tỷ lệ giữa nhu cầu tiêu thụ năng lượng so với tăng trưởng GDP của Việt Nam khá cao (hơn 2 lần), trong khi ở các nước phát triển tỷ lệ này là dưới 1. Mặt khác, dự báo dân số Việt Nam sẽ tăng từ khoảng 96,7 triệu người hiện nay lên khoảng 104 triệu người vào năm 2030, quy mô nền kinh tế của chúng ta cũng sẽ tăng, do đó, nhu cầu về điện sẽ tăng gấp đôi hiện nay (khoảng 550-600 tỷ kWh).

Sáu là, giai đoạn 2020-2024 được dự báo sẽ bị thiếu điện trầm trọng do một số nhà máy/nguồn điện có công suất lớn bị chậm tiến độ cũng như nhiều dự án truyền tải cũng đang gặp khó khăn… Thị trường điện vận hành chậm chạp, thực tế giá điện không phản ánh đầy đủ các chi phí theo thị trường có thể xem là lý do khiến các đối tác tham gia không mặn mà, góp phần dẫn tới lỗ hổng về an ninh năng lượng.

Giải pháp đảm bảo an ninh lương thực trong tình hình mới

Để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trước yêu cầu toàn cầu hóa đang diễn ra trên thế giới, trong thời gian tới, Việt Nam cần thực hiện các giải pháp sau:

Đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng. Tiết kiệm năng lượng là giải pháp luôn được ưu tiên vì đầu tư cho giải pháp này thấp hơn nhiều so với các giải pháp khác. Nguồn cung cấp năng lượng sơ cấp rẻ tiền nhất chính là sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm. Năm 2010, Quốc hội đã thông qua Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tạo nền tảng cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực hiện các hoạt động sử dụng năng lượng hiệu quả. Trong thời gian qua, mặc dù đã đạt được những thành công nhất định, nhưng kết quả này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng tiết kiệm của hệ thống năng lượng nước ta. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là nhận thức của cộng đồng và các doanh nghiệp còn hạn chế, chưa sẵn sàng tiếp cận các thông tin về công nghệ, giải pháp tiết kiệm năng lượng; nhiều doanh nghiệp thiếu vốn, gặp khó khăn, hạn chế trong việc tiếp cận nguồn vay tín dụng ưu đãi theo cơ chế hỗ trợ đầu tư thay thế dây chuyền công nghệ lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng.

Theo đánh giá của các chuyên gia Ngân hàng thế giới (WB), các ngành công nghiệp của Việt Nam có tiềm năng tiết kiệm năng lượng lên tới 25-40%. Đây là con số đáng để chúng ta suy ngẫm khi nghiên cứu soạn thảo quy hoạch phát triển năng lượng nói chung và điện lực nói riêng. Chính phủ cần chuyển dần từ hình thức khuyến khích thực hiện năng lượng hiệu quả tự nguyện sang bắt buộc, từ đó đặt ra các chỉ tiêu hiệu quả năng lượng cho mỗi ngành công nghiệp với cơ chế thưởng - phạt trong việc hoàn thành các chỉ tiêu này.

Phát triển năng lượng tái tạo và thực hiện dự trữ năng lượng. Mặc dù được đánh giá là có tiềm năng lớn về nguồn năng lượng tái tạo, nhưng sự phát triển các dự án điện từ năng lượng tái tạo tại Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Thực hiện lập kho dự trữ năng lượng là giải pháp để đối phó với tình trạng khẩn cấp khi có gián đoạn về nguồn cung bên ngoài cho khu vực hoặc bất ổn trong nội bộ khu vực.

Đẩy mạnh tìm kiếm thăm dò các nguồn tài nguyên năng lượng, phát triển năng lượng gắn với bảo vệ môi trường. Tăng cường sử dụng nguồn năng lượng thay thế, tái tạo, như thủy điện, năng lượng mặt trời, sinh khối, địa nhiệt…, giúp giảm tiêu thụ năng lượng truyền thống và giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Đây là giải pháp thường xuyên nhằm tăng cường khả năng khai thác sản xuất các nguồn năng lượng sơ cấp, giảm bớt sự phụ thuộc vào bên ngoài. Phát triển ngành năng lượng phải gắn với bảo đảm môi trường, xử lý kịp thời vấn đề môi trường, ngay cả với các nguồn năng lượng tái tạo, như rác thải từ điện mặt trời… hướng tới một nền năng lượng xanh, sạch, tiết kiệm và hiệu quả.

Thực hiện chính sách giá điện đảm bảo tính đúng, tính đủ theo cơ chế thị trường. Hiện nay, giá năng lượng nói chung và giá điện nói riêng chưa thực sự phản ánh đúng bản chất giá cả thị trường, dẫn đến quan hệ cung - cầu méo mó. Do đó, cần hoàn thiện giá bán buôn và bán lẻ điện bảo đảm các nguyên tắc của cơ chế thị trường, tính đúng, tính đủ và tạo nguồn lực tài chính để tái đầu tư ngành năng lượng, khắc phục cách tính giá điện chưa hợp lý như hiện nay.

Cùng với các giải pháp trên, cần tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, làm tốt công tác tuyên truyền để thay đổi tư duy, nhận thức trong sản xuất, sử dụng năng lượng bảo đảm an ninh năng lượng trong tình hình mới.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)