Ấn tượng và tự hào với những thành tựu khoa học và công nghệ của Việt Nam
Trong gần 60 hoạt động đối ngoại cấp cao, nội hàm khoa học công nghệ luôn được chú trọng hàng đầu; thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực chất lượng cao đã đạt nhiều kết quả tích cực, gây tiếng vang trong cộng đồng quốc tế; hỗ trợ kết nối các địa phương, doanh nghiệp, trường đại học trong nước với các đối tác quốc tế, huy động nguồn lực quốc tế cho phát triển công nghệ cao và nguồn nhân lực chất lượng cao. Những thành tựu mang tính đột phá trong năm 2024 vừa qua của ngành KH&CN, trong đó Bộ KH&CN là nòng cốt là hết sức ấn tượng, tự hào. Theo đó, xếp hạng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam đứng thứ 44 về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á. Các hãng thông tấn lớn quốc tế, trong đó có CNN, đều đánh giá cao Việt Nam mặc dù đứng thứ 133 về thu nhập bình quân đầu người nhưng chỉ số GII thuộc top 50; Việt Nam và Ấn Độ là nước thu nhập trung bình thấp có kết quả đổi mới sáng tạo ấn tượng, thứ hạng cao hơn nhiều so với thu nhập bình quân đầu người.
Vốn đầu tư từ các tập đoàn công nghệ nước ngoài tăng nhanh đáng kể trong thời gian qua.
Qua trao đổi với các đối tác quốc tế và qua các hoạt động đối ngoại cấp cao, cộng đồng quốc tế bày tỏ rất ấn tượng và đánh giá cao tư duy, trí tuệ, chất lượng nguồn nhân lực, chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước ta xác định KH&CN là yếu tố then chốt để tạo đột phát triển. Tất cả những yếu tố đó đã tạo đà cho sự phát triển của KH&CN Việt Nam. Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế cũng bày tỏ tin tưởng cao vào quá trình chuyển đổi, thích ứng của nền kinh tế Việt Nam dựa trên KH&CN và chuyển đổi số. Trên thực tế, các tập đoàn công nghệ lớn như Apple, Intel, Google, Samsung, LG đều cam kết mở rộng đầu tư ở Việt Nam.
Lễ ký Chương trình phối hợp triển khai công tác ngoại giao kinh tế góp phần thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST giai đoạn 2024-2026 giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Ngoại giao, tháng 6/2024.
Để đạt được những kết quả đó, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước có ý nghĩa rất quan trọng. Nỗ lực rất cao của ngành KH&CN có ý nghĩa lớn. Hợp tác quốc tế về KH&CN đã được Bộ KH&CN chủ động thúc đẩy ngày càng quyết liệt, hiệu quả, thực chất, nhất là Chương trình phối hợp triển khai công tác ngoại giao kinh tế giữa hai Bộ đóng góp thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST giai đoạn 2024 - 2026 (ký kết tháng 6/2024). Điều này đã góp phần triển khai hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế, ngoại giao KH&CN trong năm qua.
Cụ thể hóa nội hàm của ngoại giao khoa học và công nghệ
Năm 2025 và giai đoạn tới, thế giới sẽ bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên thông minh, trong đó nổi lên một số xu hướng đáng chú ý: (i) Xu thế chính trị hóa hợp tác kinh tế, phân tách, phân mảnh ngày càng rõ nét, nhất là trong lĩnh vực KH&CN; (ii) Kỷ nguyên thông minh đang tạo ra các cơ hội tương đối đồng đều cho tất cả các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam trong việc tiến cùng và vượt lên trong dòng chảy mạng mẽ của thế giới bước nhanh vào kỷ nguyên mới.
Trong nước, Đảng ta đã khẳng định chủ trương phát triển KH,CN&ĐMST là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. 1) Về phương châm: Ngoại giao KH&CN phải trở thành nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của các bộ, ngành, các địa phương, doanh nghiệp, các trường đại học, cơ sở đào tạo. Ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ trung tâm của ngành ngoại giao thì ngoại giao KH&CN phải là nhiệm vụ trung tâm của ngoại giao kinh tế trong ngoại giao thời đại mới; trong đó các Bộ: KH&CN, Thông tin Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư và Ngoại giao là những đơn vị trực tiếp tham mưu, thúc đẩy. 2) Về cách làm: Phải linh hoạt, đổi mới, sáng tạo, nhạy bén, vừa phải có tư duy triển khai phù hợp, chiến lược nhưng cũng vừa phải rất cụ thể, đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm.
06 trọng tâm phối hợp triển khai giữa Bộ Ngoại giao và Bộ KH&CN để cụ thể hóa nội hàm của ngoại giao KH&CN. Cụ thể:
Thứ nhất, ngoại giao KH&CN cần được quán triệt triển khai trong tổng thể chủ trương đối ngoại của Việt Nam độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, đóng góp bảo đảm an ninh kinh tế, nâng cao tự chủ chiến lược, tự chủ về công nghệ; tranh thủ tối đa các thời cơ, cơ hội, nguồn lực bên ngoài, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược nước lớn, phân tách kinh tế, công nghệ ngày càng phức tạp.
Thứ hai, phối hợp triển khai hiệu quả các thoả thuận hợp tác đã ký kết với các các đối tác chiến lược như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và một số nước EU… trong đó chú trọng các hoạt động hợp tác về nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, các ngành khoa học và công nghệ lõi, công nghệ nguồn.
Thứ ba, thúc đẩy thiết lập các khuôn khổ đối tác mới về KH,CN&ĐMST, đưa KH&CN trở thành trọng tâm trong các khuôn khổ đối tác, trong đó có các nền kinh tế khu vực Trung Đông, châu Âu…, các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, trọng tâm là công nghệ sinh học, năng lượng, môi trường, trí tuệ nhân tạo, vật liệu tiên tiến, bán dẫn, công nghệ lượng tử, robot và tự động hóa...
Thứ tư, tăng cường huy động các nguồn lực quốc tế, các nguồn tài chính xanh, gắn với chuyển giao công nghệ. Thu hút đầu tư vào các dự án trọng điểm, có tính dẫn dắt, lan tỏa, gắn với chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, nâng cao sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị của các tập đoàn lớn toàn cầu.
Thứ năm, chủ động đề xuất, thúc đẩy sáng kiến hợp tác, tham gia định hình các khuôn khổ luật lệ mới về KH,CN&ĐMST tại các cơ chế
đa phương như Liên hợp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Diễn đàn cấp cao Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G), hợp tác Mê Công... Đề nghị hai Bộ phối hợp chặt chẽ tổ chức Triển lãm về khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực tăng trưởng xanh bên lề Hội nghị Thượng đỉnh P4G (tháng 4/2025).
Thứ sáu, Nghị quyết số 57-NQ/TW đã chỉ đạo quyết liệt hoàn thiện thể chế. Các bộ, ngành trên cơ sở nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các nước để tiếp tục đổi mới, cải cách, quyết liệt tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản về thể chế trong nước, đưa thể chế thực sự trở thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển KH,CN& ĐMST và chuyển đổi số.