Thứ năm, 07/10/2021 09:33

Petrovietnam: Hướng tới sản xuất và cung ứng hydro xanh trong tương lai

Đó là khẳng định của ông Phan Ngọc Trung - thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovetnam) trong khuôn khổ Chương  trình tuần lễ năng lượng thế giới năm 2021 với chủ đề “Kết nối các xã hội năng lượng - Năng lượng cho cuộc sống tốt đẹp hơn” do Hội đồng Năng lượng thế giới (WEC) tổ chức từ 5-7/10/2021 theo hình thức trực tuyến.

Trụ cột nền kinh tế đất nước và xanh hóa hệ thống năng lượng

Theo ông Phan Ngọc Trung, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước giai đoạn 2016-2020 có nhiều khó khăn, thách thức, biến động mạnh do giá dầu, dịch bệnh COVID-19..., tuy nhiên, Petrovietnam về cơ bản vẫn hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch được Chính phủ phê duyệt, nổi bật là: tổng sản lượng khai thác dầu khí 5 năm 2016-2020 đạt 121,14 triệu tấn quy dầu (trong đó khai thác dầu đạt 71,27 triệu tấn và khai thác khí đạt 49,87 tỷ m3), sản xuất điện đạt 104,4 tỷ kWh, các sản phẩm lọc dầu đạt 50,23 triệu tấn, sản xuất đạm đạt 8,28 triệu tấn… và đóng góp cho GDP cả nước trung bình hàng năm là 10-13%.

Thống kê cho thấy, trong hệ thống năng lượng quốc gia, Petrovietnam đóng góp trung bình hàng năm 25-27% tổng nhu cầu năng lượng sơ cấp và 18-27% tổng nhu cầu tiêu thụ năng lượng cuối cùng của Việt Nam. Dự kiến đến năm 2035, tỷ trọng đóng góp năng lượng của Petrovietnam sẽ tiếp tục được duy trì và phát triển, trung bình chiếm khoảng 25-30%.

Hydro có một vai trò rất quan trọng trong chuyển dịch năng lượng để đạt được mục tiêu của Thỏa thuận chung Paris nhằm giới hạn nhiệt độ Trái đất tăng dưới mức 1,5-2oC vào cuối thế kỷ XXI. Hydro có vai trò quan trọng trong chuyển dịch năng lượng bao gồm: sản xuất điện năng và tích hợp năng lượng tái tạo quy mô lớn; truyền tải và phân phối năng lượng giữa các khu vực, lĩnh vực sử dụng năng lượng khác nhau; lưu trữ năng lượng để nâng cao tính ổn định của hệ thống; cung cấp nguyên liệu sạch cho các quá trình sản xuất công nghiệp… Với tiềm năng to lớn đó, nhiều quốc gia trên thế giới đang hướng tới nền kinh tế hydro, trong đó hydro được sử dụng làm nhiên/nguyên liệu để thay thế các loại nhiên/nguyên liệu hóa thạch và Việt Nam cũng đã đặt ra các mục tiêu phát triển năng lượng sạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cụ thể: tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị đã đưa mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng đạt 15% vào 2030 và 20% vào 2045, đặc biệt Việt Nam đã ban hành danh mục các công nghệ cao được ưu tiên phát triển trong đó có nguồn năng lượng hydro.

Lợi thế của Petrovietnam

Thành viên HĐTV Petrovietnam Phan Ngọc Trung cho rằng, với nhiều điểm tương đồng giữa chuỗi giá trị dầu khí và chuỗi giá trị của hydro, các tập đoàn dầu khí quốc gia nói chung và Petrovietnam nói riêng có nhiều cơ hội và lợi thế trong việc phát triển lĩnh vực hydro trên cơ sở những kinh nghiệm, hạ tầng sẵn có của ngành dầu khí, cụ thể:

Về sản xuất hydro, hiện nay Petrovietnam đã có kinh nghiệm trong việc sản xuất hydro xám tại các đơn vị thành viên như Công ty TNHH MTV lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Công ty TNHH MTV lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP), Tổng công ty phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCo) và Công ty cổ phần phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC)…

Về vận chuyển, phân phối, lưu trữ hydro: Petrovietnam đã có sẵn các hệ thống đường ống vận chuyển và phân phối, kho chứa, cửa hàng kinh doanh xăng dầu… và kinh nghiệm vận hành hệ thống khí tự nhiên hoàn toàn có thể được chuyển đổi để ứng dụng cho lĩnh vực hydro.

Về thị trường tiêu thụ, các nhà máy lọc hóa dầu cũng như các nhà máy sản xuất phân đạm của Petrovietnam là những khách hàng trực tiếp sử dụng nguồn hydro xanh để thay thế từng bước cho nguồn khí đốt dầu khí hiện nay… Ngoài lợi thế tương đồng về chuỗi giá trị dầu khí với chuỗi giá trị hydro, Petrovietnam còn có lợi thế lớn trong việc phát triển các dự án điện gió ngoài khơi làm cơ sở để sản xuất hydro xanh trong tương lai.

Dưới tác động của chuyển dịch năng lượng và chuyển đổi số đang diễn ra trên toàn cầu, Petrovietnam đang triển khai điều chỉnh chiến lược phát triển, trong đó có tính tới chuyển dịch năng lượng và chuyển đổi số; xây dựng lộ trình/chương trình phát triển năng lượng hydro xanh. Để triển khai thành công nhiệm vụ nêu trên, Petrovietnam sẽ tập trung vào một số giải pháp cụ thể:

Một là, đẩy mạnh triển khai các hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D) phát triển năng lượng hydro, tập trung vào lĩnh vực: xác minh khả năng tồn tại hydro tự nhiên dưới lòng đất; sản xuất hydro xanh; vận chuyển, lưu trữ, sử dụng và kinh doanh hydro.

Hai là, nghiên cứu từng bước thay thế sử dụng hydro xanh làm nguyên liệu/nhiên liệu cho các nhà máy lọc hóa dầu, nhà máy phân đạm; chuyển đổi nhiên liệu nhà máy điện khí/than của Petrovietnam sang sử dụng hydro xanh.

Ba là, nghiên cứu phát triển các dự sản xuất hóa chất, nhiên liệu tổng hợp từ hydro xanh và nguồn CO2 thu được từ các nhà máy và mỏ khí có hàm lượng CO2 cao phục vụ sản xuất trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Là trụ cột quan trọng của nền kinh tế đất nước, nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, Petrovietnam sẽ đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, R&D, đặc biệt là công nghệ mới để vừa đảm bảo an ninh năng lượng, vừa giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Xuân Tùng

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)