Học viện Nông nghiệp Việt Nam (tiền thân là Trường đại học Nông Lâm) là một trong các trường đại học được thành lập đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nhằm góp phần thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu trong những ngày đầu thành lập nước. Hơn 65 năm qua, Học viện đã đào tạo cho đất nước hơn 100.000 cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý kinh tế nông nghiệp có trình độ đại học, hơn 10.000 thạc sỹ và hơn 600 tiến sỹ. Lực lượng cán bộ do Học viện đào tạo đã và đang là nguồn nhân lực chủ chốt trên mặt trận nông nghiệp và phát triển nông thôn từ Trung ương đến các địa phương, họ đã cống hiến sức lực và trí tuệ, tài năng và sự đam mê vào những thành tựu nổi bật của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn nước ta, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới hơn 35 năm qua.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham quan một số sản phẩm trưng bày tại buổi Lễ (ảnh: TTXVN)
Học viện đã tiên phong, không ngừng đổi mới về mục tiêu, nội dung và phương pháp đào tạo, gắn đào tạo với thực tiễn sản xuất - kinh doanh, nhu cầu của doanh nghiệp, xây dựng nông thôn mới, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho sinh viên. Học viện đã chú trọng hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật của trường đại học nghiên cứu, tích cực đề xuất thí điểm cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học gắn với giao kinh phí. Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành nông nghiệp trên cả nước, Học viện đã tập trung ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.
Bên cạnh đó, Học viện cũng tích cực trong hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ với nhiều công trình nghiên cứu có giá trị ứng dụng vào sản xuất đời sống, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, từng bước hình thành chân dung người nông dân của thời đại chuyển đổi số, tạo dấu ấn và thương hiệu cho nông sản Việt Nam trên bản đồ thế giới. Hiện Học viện có 82 mô hình KH&CN, trong đó 71 mô hình KH&CN phục vụ nghiên cứu và chuyển giao công nghệ; 11 mô hình KH&CN gắn với đào tạo. Trong đó, có nhiều mô hình hoạt động xuất sắc như: mô hình sản xuất vào tạo sản phẩm từ vi tảo; mô hình nấm ăn và nấm dược liệu; mô hình canh tác khí canh trong sản xuất khoai tây giống sạch bệnh…
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi Lễ
Phát biểu tại buổi Lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Đảng và Nhà nước luôn đánh giá cao những cố gắng và kết quả rất ấn tượng của ngành nông nghiệp, trong đó có những đóng góp tích cực của Học viện Nông nghiệp Việt Nam vào công cuộc tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng của nông sản Việt Nam và trong xây dựng nông thôn mới, cũng như trong việc hội nhập ngày càng sâu rộng và hiệu quả hơn vào hệ thống giáo dục khu vực và thế giới.
Theo Chủ tịch nước, những thành tựu đạt được là rất đáng tự hào. Nhưng cần phải nhìn nhận rằng, những thách thức sắp tới đối với nền nông nghiệp Việt Nam, đối với Học viện Nông nghiệp Việt Nam là rất to lớn. Đơn cử như việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế hiện nay của Việt Nam sẽ đòi hỏi phải sản xuất dựa trên chất lượng thay vì số lượng, đáp ứng cả nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Cơ cấu nông nghiệp sẽ thu hẹp lại, nhường chỗ cho công nghiệp và dịch vụ. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những thay đổi sâu sắc cả về phương thức sản xuất và quan hệ sản xuất, đòi hỏi chúng ta phải bắt kịp xu thế đó để xây dựng được nền nông nghiệp hiện đại, chất lượng cao. Những thách thức về biến đổi khí hậu, mất cân bằng môi trường sinh thái đang ảnh hưởng lớn đến tính bền vững của nền nông nghiệp nước nhà, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - vốn là vựa lúa của cả nước... Đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19, việc duy trì Học viện vừa thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống và thích ứng linh hoạt và an toàn với dịch bệnh, vừa đảm bảo tính liên tục thống nhất của hệ sinh thái dạy và học, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế thông qua các hình thức trực tuyến là nhiệm vụ rất khó khăn.
Những vấn đề đó đặt ra câu hỏi lớn là chúng ta phải định vị nền nông nghiệp của Việt Nam trong giai đoạn tới đây như thế nào? Làm sao để chuyển đổi bắt kịp với thời đại, yêu cầu chuyển đổi số và biến thách thức thành cơ hội. Học viện Nông nghiệp Việt Nam phải góp phần quan trọng để trả lời câu hỏi này.
Trước những vấn đề nêu trên, Chủ tịch nước đã đề nghị các Bộ, ngành và Học viện Nông nghiệp Việt Nam tập trung thực hiện tốt một số nội dung như: Học viện phải tích cực đổi mới toàn diện để thực hiện tốt nhất Luật Giáo dục đại học số 34 do QH khóa XIV ban hành, và những quy định cụ thể tại Nghị định 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ; tiếp tục thực hiện đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo phù hợp với thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Học viện phải nhanh chóng chuyển đổi cách tiếp cận xây dựng chương trình đào tạo bắt đầu từ việc xác định đúng chuẩn đầu ra, chuyển đổi phương pháp đào tạo từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực cho người học. Coi người học là trung tâm của quá trình đào tạo. Ứng dụng tối đa công nghệ để nâng cao hiệu quả đào tạo, kể cả đào tạo trực tuyến, mô hình phòng thí nghiệm trực tuyến, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang phải từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 cũng như đối mặt với các nguy cơ rủi ro khác có thể xảy ra. Gắn đào tạo trong nhà trường với thực tiễn sản xuất - kinh doanh, sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, giá trị gia tăng cao. Khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong sinh viên. Chủ tịch nước đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành Trung ương và TP Hà Nội chú trọng chỉ đạo và đầu tư để Học viện Nông nghiệp Việt Nam trở thành mô hình trường đại học kiểu mẫu trong đào tạo...
CT