Thực trạng kinh doanh dịch vụ logistics ở Việt Nam
Ngành logistics Việt Nam hiện có quy mô khoảng 20-22 tỷ USD/năm, chiếm 20,9% GDP của cả nước1. Tốc độ tăng trưởng bình quân trong những năm qua ở mức 16-20%/năm, được coi là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam trong thời gian qua. Khoảng 52% nhà cung cấp dịch vụ logistics (LSPs) tại Việt Nam có quan hệ đối tác với thị trường Hoa Kỳ, 47% với Liên minh châu Âu (EU), 63% với các nước ASEAN, 57% với thị trường Nhật Bản, 49% với thị trường Trung Quốc và 43% với thị trường Hàn Quốc. Bên cạnh đó, logistics phát triển đi cùng với sự tăng trưởng về số lượng và chất lượng hạ tầng giao thông, mức độ tin cậy trong hoạt động vận tải và giao nhận, khả năng truy xuất nguồn gốc hàng hoá…
Việt Nam có tới gần 1.000 LSPs. Đây là một con số khá lớn, nhưng trên thực tế đa phần lại là những doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ. Do vốn ít nên cơ cấu tổ chức doanh nghiệp cũng đơn giản, không thật sự chuyên sâu, không tổ chức được các văn phòng đại diện ở nước ngoài nên nguồn thông tin bị hạn chế, các công việc ở nước ngoài đều phải thông qua các đại lý của các công ty đa quốc gia. Điều này dẫn đến đa số các doanh nghiệp chỉ dừng lại ở việc làm đại lý cấp 2, cấp 3, thậm chí cấp 4 cho các đối tác nước ngoài có mạng lưới toàn cầu mà chưa tổ chức kết nối được các hoạt động vận tải đa phương thức2. Bên cạnh đó, LSPs Việt Nam hầu như chỉ hoạt động ở phạm vi trong nước, có rất ít doanh nghiệp có các văn phòng đại diện tại một vài nước ASEAN. Trong khi đó, ngành logistics đòi hỏi sự kết nối và linh hoạt, có thể ở mọi nơi trên thế giới. Các hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động của LSPs Việt Nam có thể kể đến:
Thứ nhất, quy mô của các LSPS còn nhỏ, ít vốn, kéo theo việc đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin bị hạn chế, hoạt động ở các khâu chủ yếu vẫn là thủ công, dẫn đến sai sót, chi phí cao.
Thứ hai, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu thị trường. Mặc dù nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực logistics chủ yếu là những người trẻ, năng động, nhiệt tình. Tuy nhiên, nguồn nhân lực này vẫn thiếu về số lượng, yếu về trình độ chuyên môn, thiếu kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp, hạn chế về ngoại ngữ và phải đảm nhiệm nhiều công việc hành chính khác dẫn đến hiệu quả công việc thấp.
Thứ ba, việc áp dụng công nghệ thông tin của các LSPs Việt Nam so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn nhiều hạn chế. Các website của LSPs Việt Nam chủ yếu mang tính giới thiệu các dịch vụ, thiếu hẳn các tiện ích và tương tác mà khách hàng cần như công cụ theo dõi đơn hàng, chứng từ hay lịch trình tàu chạy… hầu hết khách hàng đều rất trông chờ vào các LSPs sẽ cung cấp cho họ những tiện ích kể trên. Trong một kết quả khảo sát của Hiệp hội các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), mức độ áp dụng công nghệ trong hoạt động logistics ở Việt Nam còn rất thấp, nhiều hoạt động vẫn sử dụng hình thức thủ công, thiếu tính khoa học, chưa tiếp cận các loại phần mềm trong quản trị logistics. Trong khi đó, các LSPs có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam đã chiếm tới 75% thị phần logistics. 25/25 nhà cung cấp logistics lớn nhất thế giới đã và đang hoạt động tại Việt Nam, như: Tập đoàn Deutsche Post DHL Group, Công Ty TNHH Hitachi Transport System, Kuehne - Nagel; Schenker Nippon Express; Tập đoàn Moller-Maersk; On Time Worldwide Logistics... so với các doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp này có thế mạnh trong đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động Logistics, trình độ quản lý tiên tiến và đặc biệt có quan hệ tốt với các chủ hàng, chủ tàu toàn cầu.
Ứng dụng phần mềm E-Log Việt cho dịch vụ logistics
Đến nay, logistics Việt Nam vẫn chưa có một ứng dụng chính thống để giúp các LSPs và chủ hàng giao dịch tìm cơ hội hợp tác với nhau cho các hợp đồng trong và ngoài nước. Trước khó khăn trên, nhóm nghiên cứu Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã đề xuất và được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình hợp tác kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics của Việt Nam”.
Sau 1 năm thực hiện đề tài 2020-2021, sản phẩm của nhóm nghiên cứu mang tên E-Log Việt được thiết kế và xây dựng dựa trên 2 nguyên lý: tự động hóa và kết nối sức mạnh. Trước hết, phần mềm E-Log Việt cho phép doanh nghiệp quảng bá hình ảnh và cung cấp thông tin về năng lực cho đối tác, nhờ đó đối tác có thể tìm hiểu các sản phẩm dịch vụ, ưu nhược điểm của LSPs. Quan trọng hơn, khi truy cập vào giao diện của E-Log Việt với tư cách là một chủ hàng, E-Log Việt cho phép so sánh và lựa chọn LSPs phù hợp. Tất cả những thông tin này được tổng hợp tự động hóa và chủ hàng có thể đưa ra quyết định nhanh chóng cho việc lựa chọn nhà cung cấp.
Khi chủ hàng lựa chọn một LSPs cụ thể, E-Log Việt cho phép chủ hàng theo dõi và truy vết quá trình vận tải và giao nhận, đánh giá cho điểm LSPs sau khi hoàn tất hợp đồng. Quá trình này thuận tiện và giúp tiết kiệm thời gian so với cách thức truyền thống như gọi điện, gửi email, chuyển fax rồi chờ phản hồi, cung cấp thông tin và ngược lại, làm mất rất nhiều thời gian cho chủ hàng. Như vậy, E-Log Việt tập trung xử lý một trong những vấn đề lớn của chuỗi cung ứng, đó là cắt giảm thời gian giao tiếp giữa các bên vì chủ hàng có thể chủ động truy vết hàng hoá bất cứ khi nào, đem lại cảm giác yên tâm và mong muốn sử dụng ứng dụng. Bên cạnh đó, E-Log Việt cho phép các doanh nghiệp tìm kiếm phương tiện, kho bãi đang sẵn sàng vận chuyển, bảo quản hàng hoá. Ví dụ, một xe ô tô chở hàng từ Hải Phòng đi Bắc Ninh, sau khi trả hàng, xe sẽ chạy rỗng chiều về. Tuy nhiên, nếu chủ phương tiện đưa thông tin phương tiện lên E-Log Việt, các doanh nghiệp khác có nhu cầu sẽ liên hệ thuê vận chuyển chiều về. Như vậy, chỉ bằng giải pháp ứng dụng công nghệ thông thường kết hợp với công nghệ định vị có sẵn, các doanh nghiệp có thể tiết kiệm được chi phí và tận dụng được nguồn lực của nhau. Cuối cùng, E-Log Việt có chức năng thống kê và hiển thị tần suất giao dịch thông qua số lượng các hợp đồng đã được thực hiện thành công của từng doanh nghiệp trong mỗi năm. Đây được coi là cơ sở để các doanh nghiệp lựa chọn đối tác và tiến hành hợp tác kinh doanh. Có thể nói, sản phẩm của đề tài đã mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng vào thực tiễn:
Về hiệu quả kinh tế - xã hội, E-Log Việt là phần mềm hữu hiệu dùng để liên kết các hoạt động kinh tế quốc tế, đảm bảo hoạt động phân quyền và hệ thống bảo mật cao. Mọi công đoạn đều được thực hiện một cách nhanh chóng, thông tin lô hàng được chi tiết hóa và gửi cho mỗi khách hàng cả khi có sự cố, thời gian giao nhận hàng đảm bảo đúng tiến độ giúp uy tín của doanh nghiệp được nâng cao và nhiều người biết đến, khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Sản phẩm chính là cầu nối để gắn kết các doanh nghiệp logistics trong nước và ngoài nước, thúc đẩy sự tăng trưởng cho ngành logistics quốc gia.
Về hiệu quả doanh nghiệp: phần mềm quản lý cho phép người dùng xử lý hóa đơn, thanh toán chính xác. Ngoài ra, tất cả các khâu đều được giám sát chặt chẽ theo hệ thống tự động, mọi giấy tờ đối chứng của các chủ xe và các bên liên quan đều minh bạch, dễ dàng đối chiếu. Từ đó, hạn chế xảy ra các sai sót hoặc xảy ra sẽ được giải quyết rất nhanh chóng. Đồng thời, sử dụng phần mềm giúp doanh nghiệp giảm thiểu nhân công, tiết kiệm chi phí vận hành.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất thêm một số giải pháp giúp nâng cao hiệu quả của mô hình E-Log Việt trong thời gian tới:
Một là, VLA cần khuyến khích các hội viên hợp tác để nâng cao năng lực cạnh tranh và phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải trong công tác quản trị E-Log Việt. Thông qua các giao dịch trên ứng dụng, VLA có thể nắm bắt xu thế sử dụng dịch vụ, uy tín và năng lực dịch vụ của các thành viên. Đồng thời, các thành viên VLA tăng cường hợp tác thông qua E-Log Việt và thu được hiệu quả kinh doanh, qua đó thu hút việc gia nhập VLA của các LSPs khác, nâng cao uy tín và ảnh hưởng của tổ chức.
Hai là, Bộ Giao thông Vận tải, Công Thương cần phối hợp đề ra các chính sách liên quan đến điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics, cần có quy định cụ thể để các nhà cung cấp dịch vụ logistics khai thác năng lực công nghệ thông tin và tận dụng điều kiện cơ sở vật chất của nhau để tránh lãng phí, góp phần cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải cần có một bộ phần quản trị viên E-Log Việt để kiểm duyệt thông tin trên ứng dụng, đồng thời theo dõi hoạt động của các doanh nghiệp tham gia giao dịch để có các điều chỉnh kịp thời.