Thứ năm, 30/06/2022 15:51

Thanh Hóa: KH&CN trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội

Nguyễn Ngọc Túy

Giám đốc Sở KH&CN Thanh Hóa

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST) đã trở thành yếu tố quan trọng của lực lượng sản xuất hiện đại và có ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Đặt doanh nghiệp làm trung tâm của ĐMST, UBND tỉnh Thanh Hóa đã xác định 1 trong 3 khâu đột phá của giai đoạn 2020-2025 là: “Khâu đột phá về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”.

Những thành tựu đã đạt được

Ngày 15/8/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 3/2/2021 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị; trong đó xác định mục tiêu đến năm 2030, Thanh Hoá là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía bắc của Tổ quốc. Đồng thời các nghị quyết cũng đề ra nhiệm vụ xây dựng và phát triển Thanh Hóa thành trung tâm khoa học và công nghệ (KH&CN), đào tạo và chăm sóc y tế hàng đầu của khu vực Bắc Trung Bộ. Để triển khai các nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Chương trình hành động số 11-CTr/TU ngày 28/02/2021, Quyết định số 2999/QĐ-UBND ngày 9/8/2021 về Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 3/2/2021 của Chính phủ và Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị. Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định một trong 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ là: “Khâu đột phá về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”. Để thực hiện những kế hoạch đã đề ra, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động, cụ thể là:

Xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật về KH&CN

Trong 2 năm qua (2020-2021), Thanh Hóa đã ban hành một số văn bản quan trọng về cơ chế, chính sách, phát luật nhằm đẩy mạnh hoạt động khoa học, công nghệ và ĐMST trên địa bàn tỉnh, cụ thể:

Thứ nhất, Kế hoạch hành động số 27-KH/TU ngày 13/8/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Khâu đột phá về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ; chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thư tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025. Với mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống, tập trung vào các ngành, lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ thương mại, du lịch, y tế, giáo dục, văn hóa, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường...; tăng cường tính thiết thực, khả thi của các sản phẩm nghiên cứu, ứng dụng KH&CN; từng bước đưa KH&CN trở thành động lực quan trọng để phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế.

Thứ hai, Nghị quyết số 20/2021/NQ-HĐND ngày 17/7/2021 về việc ban hành Chính sách khuyến khích phát triển KH&CN trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025. Chính sách tập trung hỗ trợ: ứng dụng kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh; ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm thẻ chân trắng; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa gạo chất lượng cao theo chuỗi giá trị hàng hóa quy mô lớn; đầu tư mới hoặc đổi mới công nghệ cao trong bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản; đầu tư mới hoặc đổi mới công nghệ - thiết bị sản xuất cát nhân tạo (cát nghiền).

Thứ ba, Quyết định 4408/QĐ-UBND ngày 5/11/2021 về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025. Chương trình hướng tới việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, quyền lợi, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về sở hữu trí tuệ; đẩy mạnh tạo lập, quản lý, bảo hộ và phát triển các sản phẩm trí tuệ, đảm bảo thực hiện có hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thứ tư, Quyết định 5519/QĐ-UBND ngày 30/12/2021 về việc phê duyệt Chương trình Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tỉnh Thanh Hoá, giai đoạn 2021-2025. Với mục tiêu hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST nhằm đẩy mạnh ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học; thúc đẩy hình thành và phát triển các doanh nghiệp dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới gắn với chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025 thành lập mới thêm 30 doanh nghiệp KH&CN, nâng tổng số doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn tỉnh lên 60 đơn vị.

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ

Trong giai đoạn 2020-2021, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã triển khai 37 nhiệm vụ KH&CN thuộc 7 Chương trình KH&CN cấp quốc gia, trong đó có 28 nhiệm vụ chuyển tiếp từ các năm trước và triển khai thực hiện mới 9 dự án (đã nghiệm thu, kết thúc 14 nhiệm vụ, còn 23 nhiệm vụ đang triển khai). Các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đã hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương tiếp nhận, ứng dụng nhiều công nghệ, kỹ thuật tiến bộ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Năm 2020 tỉnh đã tổ chức xét tặng 6 công trình (3 giải Bạc, 3 giải Đồng, không có giải Vàng), để tôn vinh những tác giả có công trình mang giá trị cao về KH&CN, mang lại hiệu quả thiết thực, phục vụ trực tiếp sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và sự nghiệp phát triển KH&CN tỉnh Thanh Hóa.

Tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 20/2021/NQ-HĐND ngày 17/7/2021 của HĐND tỉnh về Chính sách khuyến khích phát triển KH&CN trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025. Trong 2 năm 2020-2021 đã có 21 hồ sơ thuộc 8/11 nhóm chính sách được hỗ trợ theo Nghị quyết số 81/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Về việc ban hành chính sách khuyến khích phát triển KH&CN trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, với tổng số tiền hỗ trợ 50.470 triệu đồng. Trong năm 2021, HĐND tỉnh tiếp tục ban hành Chính sách khuyến khích phát triển KH&CN giai đoạn 2021-2025. Hiện nay, Sở KH&CN và các cơ quan liên quan đang hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ đề nghị thụ hưởng chính sách của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường quản lý nhà nước về KH&CN trên địa bàn tỉnh

Công tác quản lý công nghệ trên địa bàn tỉnh được tăng cường với việc triển khai thực hiện thẩm định công nghệ các dự án đầu tư theo Thông tư số 03/2016/TT-BKHCN. Trong 2 năm đầu của giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã tổ chức thẩm định công nghệ cho 84 dự án đầu tư (chủ yếu trong lĩnh vực môi trường và một số dự án nước sạch). Các ý kiến thẩm định công nghệ đảm bảo tính khoa học, chất lượng góp phần giúp các nhà đầu tư lựa chọn và đưa ra các giải pháp công nghệ phù hợp với quy định. Quỹ phát triển KH&CN tỉnh Thanh Hóa được thành lập theo Quyết định số 3079/QĐ-UBND ngày 27/10/2006 của Chủ tịch UBND tỉnh. Tính đến nay, tổng số vốn của Quỹ là 7.579,79 triệu đồng. Hiện nay, tỉnh đã kiện toàn lại bộ máy Quỹ Phát triển KH&CN Thanh Hóa, sửa đổi, bổ sung Điều lệ Quỹ nhằm phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế để đẩy mạnh hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh thông qua hoạt động của Quỹ.

Công tác quản lý về sở hữu trí tuệ

Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN đã cấp 301 văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (2 bằng sáng chế, giải pháp hữu ích; 37 kiểu dáng công nghiệp; 262 nhãn hiệu) cho nhiều tổ chức cá nhân trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã đẩy mạnh thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, trong đó tập trung vào việc đào tạo, nâng cao năng lực phát hiện, xử lý vi phạm. Công tác xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh, triển khai thực hiện đồng bộ giữa các ngành, các lĩnh vực.

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa kết luận về Kế hoạch hành động thực hiện khâu đột phá về phát triển KH&CN tại Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Phương hướng trong giai đoạn tới

Mục tiêu đến năm 2025

Tỉnh Thanh Hóa xác định mục tiêu đến năm 2025 là đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN ở tất cả các lĩnh vực; khuyến khích ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để khoa học, công nghệ và ĐMST thực sự là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phấn đấu giai đoạn 2021-2025, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng GRDP đạt trên 40%.

Tỉnh sẽ xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế, chính sách thu hút, sử dụng phát triển nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao; triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách khuyến khích phát triển KH&CN trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và ĐMST tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST giai đoạn 2021-2025.

Các nhiệm vụ trọng tâm

Để thực hiện được các mục tiêu đã đề ra, trong năm 2022, tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, sử dụng phát triển nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao, trình cấp có thẩm quyền ban hành theo Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ xác lập quyền SHTT, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh.

Trong các năm tiếp theo, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển KH&CN, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các đề án, chương trình, kế hoạch KH&CN đã được ban hành; tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch hành động thực hiện khâu đột phá về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KH&CN; chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, giai đoạn 2021-2025; triển khai thực hiện chính sách khuyến khích phát triển KH&CN trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025...

Bám sát Kế hoạch hành động Số 27-KH/TU ngày 13/8/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc thực hiện Khâu đột phá về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ; chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Thanh hóa quyết tâm tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách khuyến khích phát triển KH&CN và các đề án, chương trình, kế hoạch trong lĩnh vực KH&CN đã được UBND tỉnh phê duyệt... Tập trung đề xuất và triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia và các chương trình của quốc gia nhằm tập trung hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực, các nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh như: Chương trình Nông thôn miền núi, Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia... Tiếp tục tổ chức thực hiện 6 Chương trình khoa học, công nghệ và ĐMST của tỉnh giai đoạn 2021-2025; tổ chức thực hiện tốt việc quản lý các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh; triển khai thực hiện việc bàn giao kết quả của nhiệm vụ KH&CN cho đơn vị đề xuất đặt hàng hoặc đơn vị ứng dụng để thực sự phát huy hiệu quả của các nhiệm vụ KH&CN đã hoàn thành; tổ chức tốt các cuộc thi, hội thi, các giải thưởng sáng tạo KH&CN (đặc biệt là Giải thưởng KH&CN Thanh Hóa).

*

*               *

Trong thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Đây chính là tiền đề để ngành KH&CN Thanh Hóa tiếp tục phát huy sực mạnh trong thời gian tới, góp phần xây dựng Thanh Hóa trở thành trung tâm KH&CN, đào tạo và chăm sóc y tế hàng đầu của khu vực Bắc Trung Bộ.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)