Thứ tư, 20/07/2022 17:52

Đổi mới và khởi nghiệp bền vững: Kết nối và chia sẻ từ các quốc gia trong khu vực

Chiều ngày 20/7/2022, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh (UEH) đã tổ chức Hội thảo “Đổi mới và khởi nghiệp bền vững”, nằm trong khuôn khổ Hội nghị thường niên của Mạng lưới học tập Đông Nam Á (ASEAN Learning Network - ALN). Sự kiện thu hút sự tham gia của 9 trường thành viên trong mạng lưới ALN, sinh viên quốc tế đang tham gia dự án “Khởi nghiệp phát triển kinh tế bền vững - SEED” tại Việt Nam, và các đơn vị thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam như Đại sứ quán Thụy Sỹ, Hội đồng Anh, các doanh nghiệp tạo tác động xã hội…

Khả năng thích ứng là chìa khóa để thành công trong đổi mới

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Sử Đình Thành - Hiệu trưởng UEH chia sẻ: “Thế giới ngày nay đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, do đó, cùng với khu vực công và tư nhân, các tổ chức phi chính phủ, liên chính phủ, các nhà khoa học, kỹ sư và trường học phải có trách nhiệm xây dựng cuộc sống tốt đẹp và bền vững hơn thông qua việc áp dụng tri thức để chuyển đổi tài nguyên thành sản phẩm và dịch vụ mà không ảnh hưởng tiêu cực đến thế hệ tương lai. UEH rất vinh dự khi được đồng hành tổ chức ALN, tôi thực sự hy vọng rằng, các cuộc thảo luận trong hội thảo sẽ mang đến cho tất cả các bạn cơ hội trao đổi kiến thức hữu ích liên quan đến sự phát triển bền vững của Việt Nam và thế giới, cũng như chia sẻ và học hỏi các phương pháp giáo dục mới từ các đối tác để cùng nhau tạo ra một môi trường học tập và nghiên cứu chuẩn quốc tế”.

GS.TS Sử Đình Thành - Hiệu trưởng UEH phát biểu khai mạc Hội thảo.

Cùng quan điểm với GS Sử Đình Thành, các diễn giả tham gia Hội thảo đã chia sẻ nhiều ý tưởng và kinh nghiệm quý báu về đổi mới và khởi nghiệp bền vững. Trong bài trình bày về “Đổi mới sáng tạo xã hội trong một môi trường bất định”, GS Dato Zainai (Đại học Công nghệ Malaysia) cho rằng: “Khả năng thích ứng” chính là chìa khóa để thành công trong đổi mới. Theo GS Dato Zainai, môi trường hiện nay chứa đựng sự biến động (Volatility), không chắc chắn (Uncertainty), phức tạp (Complexity) và không rõ ràng (Ambiguity) - VUCA, đòi hỏi sự quản lý và lãnh đạo hiệu quả. Với sự đổi mới trong tư duy, VUCA cũng là cơ hội để các nhà lãnh đạo đưa ra các giải pháp ưu tiên để biến khó khăn thành cơ hội. Khi đó, VUCA sẽ trở thành: tầm nhìn (Vision), hiểu biết  (Understanding), sự rõ ràng (Clarity) và khả năng thích ứng/sự nhanh nhạy (Adaptability/Agility.

Sau các phần trình bày của diễn giả là chương trình thảo luận với sự tham dự của các khách mời chuyên gia đến từ nhiều lĩnh vực như: giáo dục, doanh nghiệp, tổ chức chính phủ, phi chính phủ… để cùng làm rõ những khía cạnh của vấn đề đổi mới sáng tạo, ứng dụng vào xã hội và giáo dục đại học, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Toàn cảnh Hội thảo.

ALN - Mạng lưới kết nối đổi mới và phát triển các trường đại học trong khu vực

Mạng lưới học tập Đông Nam Á - ALN được thành lập vào tháng 2/2009 tại Hội nghị Quốc tế về quản lý đa văn hóa kỷ niệm 50 năm thành lập Học viện Công nghệ Bandung (ITB), Indonesia. Thành viên sáng lập bao gồm: Học viện Công nghệ Bandung, Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng San Beda, Trường Đại học Malaysia Kelantan và Trung tâm Nghiên cứu châu Á. Với sứ mệnh phát triển và thực hiện các dự án, chương trình nghiên cứu, giảng dạy và thực hành - đào tạo dựa trên bối cảnh với sự hợp tác của các tổ chức tham gia nhằm đào tạo ra những sinh viên có trách nhiệm với xã hội và có năng lực văn hóa trong bối cảnh phát triển của châu Á.

Một trong những hoạt động có ý nghĩa của ALN là Dự án “Khởi nghiệp phát triển kinh tế bền vững - SEED”. Đây là một sáng kiến học tập có trách nhiệm với xã hội và lấy sinh viên làm trung tâm, yêu cầu sinh viên làm việc cùng nhau trong các nhóm quốc tế và đa văn hóa để học hỏi kinh nghiệm trong bối cảnh thực tế của một số vùng Đông Nam Á. Thông qua quá trình học tập và xây dựng các kế hoạch kinh doanh, chương trình sẽ cung cấp các trải nghiệm đa văn hoá, phát triển kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng mềm và cơ hội học tập toàn diện cho sinh viên tham gia chương trình.

Những người tham gia SEED có cơ hội phát triển và thực hiện các dự án, chương trình nghiên cứu, giảng dạy dựa trên bối cảnh thực tế với sự hợp tác của các tổ chức tham gia nhằm đào tạo ra những sinh viên có trách nhiệm với xã hội và có năng lực hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, dự án còn tạo mối liên kết giữa các trường trong mạng lưới, các đơn vị công và doanh nghiệp tại địa phương thực hiện dự án nghiên cứu và hỗ trợ, giải quyết các vấn đề của các cộng đồng dân cư, các làng nghề truyền thống vùng miền.

Thông qua việc kết nối với ALN, một số trường đại học của Việt Nam, trong đó có Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh đã mở rộng cơ hội học tập quốc tế, tiếp cận công nghệ giáo dục tiên tiến, môi trường trải nghiệm quốc tế mang tính toàn cầu cho sinh viên và giảng viên. Không chỉ dừng ở việc đưa sinh viên tham gia học tập, giao lưu và thực tập tại các trường, quốc gia tham gia mạng lưới ALN, UEH còn kỳ vọng thông qua hợp tác này sẽ thúc đẩy sinh viên quốc tế đến UEH học tập, giao lưu và làm việc. Hiện nay, UEH đã và đang triển khai các chính sách học bổng dành cho học viên, sinh viên quốc tế ở các bậc đại học, cao học và nghiên cứu sinh.

MN

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)