Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển Bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, việc sản xuất và tiêu dùng bền vững hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng của các quốc gia, nhất là khi nguồn tài nguyên trên thế giới ngày càng cạn kiệt. Tại Việt Nam, kinh tế tuần hoàn đã được xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030. Cùng với chuyển dịch năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững được xem là một trong những trụ cột quan trọng mà Bộ Công Thương đang triển khai nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu “Net Zezo” vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ tại COP26. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai một số mô hình điển hình theo hướng kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Điển hình là xây dựng và triển khai thực hiện mô hình sử dụng thí điểm các dạng năng lượng thay thế; áp dụng mô hình quản lý năng lượng tại các cơ sở công nghiệp hay xây dựng, phổ biến và nhân rộng các mô hình trình diễn thành công về sử dụng năng lượng thay thế trong các cơ sở sản xuất kinh doanh tại nhiều tỉnh/thành phố trên cả nước.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã có những tham luận chia sẻ giải pháp công nghệ, sáng kiến, cũng như những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các hoạt động thúc đẩy sản xuất tiêu dùng bền vững, hướng tới kinh tế tuần hoàn để thực hiện thành công Chương trình quốc gia về sản xuất tiêu dùng bền vững trong giai đoạn tới.
Phong Vũ