Chủ nhật, 04/12/2022 11:30

Khởi nghiệp và tạo dựng doanh nghiệp là động lực quan trọng của nền kinh tế

Tối 3/12/2022, tại tỉnh Bình Dương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới dự chương trình Dấu ấn Techfest 2022. Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2022 (Techfest Vietnam 2022) do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ Ngoại giao và UBND tỉnh Bình Dương phối hợp tổ chức. Sự kiện là dịp tổng kết lại các hoạt động của Techfest trong thời gian qua, đồng thời lắng nghe các ý kiến góp ý, tiếp thu chỉ đạo từ Chính phủ về định hướng phát triển trong các năm tiếp theo.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức Dấu ấn Techfest.

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở đặc trưng Việt Nam

Phát biểu khai mạc sự kiện, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt khẳng định: “Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ suốt một năm qua, Techfest quốc gia 2022 đã ghi nhận được nhiều kết quả ấn tượng, có ý nghĩa, đã tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở đặc trưng Việt Nam”. Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, hệ sinh thái này có thể khái quát trong 5 đặc điểm sau:

Một là, việc xây dựng và phát triển hệ sinh thái được cộng hưởng và triển khai rộng khắp trên cả nước. Đó là sự đồng hành của các địa phương, các bộ, ban, ngành, với 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án 844 và sắp xếp nguồn lực triển khai tại địa phương; có 35 tỉnh/thành phố đã ban hành Nghị quyết của hội đồng nhân dân tỉnh/thành phố quy định cơ chế tài chính cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Thông qua hoạt động tổng thể của Ban Điều hành Đề án 844 với thành viên là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, quỹ đầu tư, Bộ KH&CN đã thực hiện vai trò đầu mối, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội triển khai mạnh mẽ các hoạt động trên khắp cả nước.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc sự kiện.

Hai là, mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đã và đang phát triển ngày càng năng động và hiệu quả với sự tham gia tích cực của các chủ thể trong hệ sinh thái. Mạng lưới nghiên cứu khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện đã có hơn 400 thành viên, tiếp cận được hơn 1.000 nhà khoa học, chuyên gia và các đối tượng quan tâm về khởi nghiệp từ các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức hỗ trợ trong nước và quốc tế. Mô hình Techfest được lan tỏa và cộng hưởng trên cả nước, với hơn 10 Techfest vùng, địa phương được tổ chức trong năm 2022, thu hút hàng chục nghìn lượt người tham dự, trình diễn và vinh danh hàng trăm sản phẩm, dịch vụ đổi mới sáng tạo của địa phương, vùng miền.

Ba là, nền tảng về hạ tầng và nhân lực ngày càng được củng cố. Hơn 20 địa phương đã và đang thành lập trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, kết nối các nguồn lực địa phương, vùng để phát triển hệ sinh thái này. Hơn 170 trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã và đang có những hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hơn 200 không gian làm việc chung được hình thành và phát triển. Hệ thống cố vấn, huấn luyện viên, tư vấn viên từng bước được chuyên nghiệp hóa, kết nối chặt chẽ với mạng lưới các cố vấn, huấn luyện viên quốc tế.

Bốn là, năng lực kết nối và khai thác nguồn lực quốc tế ngày càng được cải thiện. Thông qua các hoạt động của mình, các cơ quan quản lý cũng như khu vực tư nhân đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ việc hợp tác quốc tế, tạo điều kiện tối đa cho việc thu hút các nguồn lực quốc tế về Việt Nam. Sau thời kỳ đóng cửa bởi Covid-19, ngày càng nhiều tổ chức quốc tế kết nối với hệ sinh khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam, mở ra thời kỳ tái hội nhập hậu Covid-19, tạo động lực mới để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam. 

Năm là, ngày càng có nhiều doanh nghiệp lớn, tập đoàn kinh tế tham gia các hoạt động trong hệ sinh thái, hợp tác với các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo non trẻ, tạo thêm nguồn lực quan trọng cho hệ sinh thái.

Phát triển đồng bộ hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, ngành, vùng

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, khởi nghiệp và tạo dựng doanh nghiệp là động lực quan trọng của nền kinh tế mỗi quốc gia, giúp giải quyết các khó khăn, thách thức mang tính toàn cầu cũng như hướng tới sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Thủ tưởng nhấn mạnh: Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là một chủ trương lớn của Đảng, được đề cập tại văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII và được Đại hội XIII khẳng định lại với quyết tâm cao hơn theo hướng: "Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn kết hài hoà, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế".

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại sự kiện.

Theo Thủ tướng, để sớm thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cần có giải pháp gắn khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với tri thức, KH&CN và đặc thù riêng của đất nước, con người Việt Nam. Cùng với đó, cần xác định khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị và mỗi cá nhân; triển khai đồng bộ, sâu rộng, thường xuyên, liên tục nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả; kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa phát triển năng lực nội sinh với tận dụng tối đa cơ hội, nguồn lực bên ngoài; phát huy truyền thống, văn hóa, lịch sử dân tộc, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường của con người Việt Nam.

Về những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị tiếp tục tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền; quan tâm, đầu tư, có công cụ và chính sách đột phá nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, của địa phương và doanh nghiệp; tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách thúc đẩy thị trường vốn, nhân lực, KH&CN… liên quan đến khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, cần phát triển đồng bộ hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, ngành, vùng, các khu công nghệ cao, "vườn ươm sáng tạo", trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm và các viện nghiên cứu, trường đại học là chủ thể nghiên cứu; phát triển mạnh mẽ nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo, trang bị kiến thức, kỹ năng và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo từ các bậc học phổ thông; tăng cường thu hút, đa dạng hóa các nguồn lực tài chính hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo từ nhiều nguồn khác nhau; đẩy mạnh các phương thức hợp tác đầu tư phù hợp, hiệu quả trong hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng kêu gọi các nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đóng góp tích cực hơn nữa vào sự nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Cộng đồng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ cần tiếp tục phát huy khí chất, bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam, dám đối diện với khó khăn, thách thức, không sợ thất bại; có động lực mạnh mẽ, niềm tin cháy bỏng, sự đam mê, nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám khởi nghiệp để tạo nên những "kỳ lân" tầm cỡ khu vực và thế giới, góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra Lễ trao giải Top 10 Cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; Lễ ký kết hợp tác phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nghi thức Dấu ấn Techfest 2022.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến lễ ký kết hợp tác phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hỗ trợ chuyển đổi số công nghiệp.

Trao giải Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.

MN

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)