Thứ sáu, 23/12/2022 14:15

Tăng cường năng lực về kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp tại Việt Nam

Trong 6 tháng vừa qua, 105 doanh nghiệp ở 21 tỉnh, thành phố hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, thương mại điện từ, sản xuất, logistics, môi trường và xử lý chất thải, tư vấn đã tham gia Chương trình tăng cường năng lực về kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp tại Việt Nam. 15 doanh nghiệp đã được chọn và đăng ký tham gia chương trình ươm tạo để được trực tiếp tư vấn, kết nối và phân tích các thách thức, giải pháp để có thể áp dụng mô hình kinh tế này một cách hiệu quả.

Thông tin trên được đưa ra tại sự kiện Tổng kết và kết nối Chương trình tăng cường  năng lực về kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp Việt Nam do Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), Đại sứ quán Hà Lan và các đối tác Viện Chính sách Kinh tế Môi trường (EEPI) - đại diện cho khu vực miền Bắc, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Thừa Thiên Huế (HiHub) - đại diện khu vực miền Trung, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICED) - đại diện khu vực miền Nam và Trường Đại học Khoa học Ứng dụng Saxion Hà Lan tổ chức ngày 22/12/2022.

Sự kiện nhằm điểm lại những kết quả đã đạt được trong Chương trình tăng cường năng lực về kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp tại Việt Nam và kết nối các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị để thúc đẩy trao đổi nguồn lực và thúc đẩy quan hệ đối tác, trưng bày các sản phẩm tiêu biểu của các doanh nghiệp và chia sẻ các kế hoạch và mô hình kinh doanh cho các doanh nghiệp khác để nhân rộng quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), ở Việt Nam chiếm 96% tổng số doanh nghiệp, sử dụng 47% lực lượng lao động và đóng góp 36% vào giá trị gia tăng quốc gia, có vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn.

Bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu tại sự kiện.

Phát biểu tại sự kiện, bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho rằng, kinh tế tuần hoàn là một cơ hội kinh tế cho các doanh nghiệp Việt Nam. Nền kinh tế tuần hoàn không chỉ đơn giản là "khắc phục" các tác động tiêu cực từ môi trường bên ngoài, mà đúng hơn, đó là một quá trình chuyển đổi kinh tế nhằm duy trì và tái tạo vốn tự nhiên, thứ mà con người, cộng đồng và nền kinh tế phụ thuộc vào. Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn mang lại cơ hội kinh tế bằng cách giảm lãng phí, kích thích đổi mới và tạo việc làm.

VVH

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)