Thứ hai, 26/09/2022 14:21

Ninh Bình: Nâng cao chất lượng sản phẩm nước uống đóng chai tại các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh

ThS Vũ Mạnh Dần

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Ninh Bình

Với mục tiêu truyền thông nhằm nâng cao kiến thức, thay đổi hành vi của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất nước uống đóng chai (NUĐC) trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Ninh Bình đã thực hiện đề tài “Đánh giá hiệu quả can thiệp của mô hình truyền thông đến chất lượng nước uống đóng chai tại các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Ninh Bình”. Trải qua 2 năm thực hiện đề tài (2020-2022), Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Ninh Bình đã giúp các chủ cơ sở và người sản xuất được tiếp cận, nắm vững quy trình thực hiện sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm NUĐC, đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Thực trạng các cơ sở sản xuất NUĐC tại Ninh Bình

Hiện nay, sản phẩm nước đóng chai, đóng bình (gọi chung là nước uống đóng chai) và nước đá dùng liền đã trở thành sản phẩm thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày của mỗi người dân. Tuy nhiên với người tiêu dùng, vấn đề chất lượng vệ sinh, sự an toàn của các sản phẩm này luôn là nỗi băn khoăn, đòi hỏi ngành chức năng cần phải tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý đối với các cơ sở vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức cho người sản xuất và người tiêu dùng về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để đảm bảo sức khỏe của người sử dụng khi dùng các sản phẩm nước khoáng thiên nhiên và NUĐC. Năm 2010, Bộ Y tế đã ban hành QCVN 6-1:2010/BYT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước khoáng thiên nhiên và NUĐC. Theo QCVN 6-1:2010/BYT, sản phẩm NUĐC đảm bảo chất lượng phải đạt đủ 26 chỉ tiêu (21 chỉ tiêu hóa học và 5 chỉ tiêu vi sinh vật) nhằm đảm bảo hàm lượng các hoạt chất có trong nước luôn ở mức cho phép và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Việc Bộ Y tế ban hành QCVN 6-1:2010/BYT với các tiêu chí cụ thể vừa giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết, đánh giá về chất lượng; vừa giúp cơ quan chức năng có căn cứ pháp lý để kiểm định, đánh giá chất lượng sản phẩm và tiến hành xử lý, xử phạt các cơ sở sản xuất có sản phẩm không đạt yêu cầu chất lượng lưu thông ngoài thị trường.

Hiện nay, bên cạnh những sản phẩm NUĐC của những thương hiệu uy tín đã khẳng định được chất lượng thì vẫn còn tồn tại những sản phẩm NUĐC do các cơ sở sản xuất không đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm (ATTP) được tiêu thụ, lưu hành trên thị trường, gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực ATTP, khi sử dụng trực tiếp các sản phẩm NUĐC kém chất lượng, người tiêu dùng sẽ bị nhiễm các kim loại nặng, vi sinh vật, đặc biệt là trực khuẩn mủ xanh (vi khuẩn P.seudomonas aeruginosa là loại vi khuẩn gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho người như viêm đường hô hấp, viêm phổi, nhiễm trùng máu…), những kim loại nặng như thủy ngân, chì lẫn trong thành phần nước cũng như trong chai nhựa, bình nhựa tích tụ lâu ngày sẽ là tác nhân gây ung thư cho người sử dụng.

Theo thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Ninh Bình), hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 30 cơ sở sản xuất NUĐC với sản lượng khoảng 1.400 lít/ngày/cơ sở, chủ yếu là cơ sở sản xuất ở quy mô hộ gia đình, sản xuất theo mùa vụ. Cũng theo số liệu từ kết quả thanh tra, kiểm tra của Chi cục tại các sở sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm NUĐC các năm gần đây cho thấy tỷ lệ các mẫu NUĐC ô nhiễm vi sinh vật (VSV) còn chiếm tỷ lệ cao (có 15 mẫu bị nhiễm VSV trong tổng số 23 mẫu được lấy, chiếm tỷ lệ 65,2%). Nguyên nhân của tình trạng trên là do các điều kiện về ATTP chưa được các cơ sở sản xuất chấp hành và đảm bảo theo quy định (cơ sở chưa phân khu sản xuất riêng biệt, vệ sinh vỏ bình chưa đảm bảo yêu cầu về ATTP); kiến thức, thực hành về ATTP trong quá trình sản xuất của chủ cơ sở và người sản xuất còn nhiều hạn chế,…

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm kiểm tra hoạt động sản xuất nước đóng chai tại cơ sở sản xuất Giang Sơn, huyện Hoa Lư, Ninh Bình

Nâng cao chất lượng sản xuất NUĐC

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của công tác quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã đề xuất và được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt thực hiện đề tài khoa học “Đánh giá hiệu quả can thiệp của mô hình truyền thông đến chất lượng NUĐC tại các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Ninh Bình” (2020-2022). Với mục tiêu can thiệp bằng mô hình truyền thông nhằm nâng cao kiến thức, thay đổi hành vi của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất - là cơ sở, tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng sản phẩm NUĐC.

Triển khai thực hiện, từ tháng 12/2020, Chi cục đã xây dựng hoàn thiện mô hình truyền thông (xác định các kênh, nội dung và đối tượng truyền thông) và tổ chức áp dụng mô hình truyền thông tại 30 cơ sở sản xuất NUĐC trong thời gian 12 tháng (từ tháng 12/2020 đến tháng 12/2021), với phương thức truyền thông trực tiếp và truyền thông gián tiếp. Trong đó, phương thức truyền thông trực tiếp được Ban chủ nhiệm đề tài thực hiện với các hoạt động cụ thể: tổ chức 1 lớp tập huấn cho chủ cơ sở và toàn bộ người trực tiếp sản xuất; tổ chức 3 đợt tư vấn, giám sát tại 30 cơ sở vừa tuyên truyền, phổ biến, vừa “cầm tay, chỉ việc”. Với phương thức truyền thông gián tiếp, được triển khai bằng các hoạt động như: lắp đặt pano tại 9 cơ sở; sơ đồ hóa quy trình sản xuất NUĐC, lắp đặt thành bảng tại 30 cơ sở; xây dựng tại mỗi cơ sở sản xuất NUĐC một góc truyền thông về ATTP gồm biển góc truyền thông, treo poster, bàn ghế để sách, tranh lật tuyên truyền, 1 bộ máy tính (nếu có),…

Kết quả, sau 12 tháng áp dụng mô hình truyền thông, với việc chủ cơ sở và người sản xuất được tiếp cận đầy đủ và kịp thời các ấn phẩm truyền thông đã cho thấy hiệu quả can thiệp: tỷ lệ người sản xuất có kiến thức đúng về ATTP sau can thiệp (đạt 84,9%) cao hơn trước can thiệp (68,8%); tỷ lệ người sản xuất có thực hành đúng về ATTP sau can thiệp đạt 94,6%, cao hơn trước can thiệp (76,3%). Sự thay đổi kiến thức và hành vi của chủ cơ sở và người sản xuất dẫn đến việc chấp hành, tuân thủ các nhóm điều kiện về ATTP (cơ sở vật chất; trang thiết bị, dụng cụ và con người) của các cơ sở sản xuất phát huy hiệu quả khi số cơ sở đạt điều kiện ATTP sau can thiệp tăng từ 63,3% (2020) lên 86,7% (2021).

Lắp đặt pa nô tuyên truyền tại cơ sở sản xuất nước đóng chai Aqualotus, huyện Yên Mô, Ninh Bình

Trong thời gian triển khai thực hiện đề tài, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã tổ chức 5 lần lấy mẫu đối với sản phẩm NUĐC tại 30 cơ sở sản xuất (3 lần lấy mẫu làm xét nghiệm nhanh tại Chi cục và 2 lần lấy mẫu gửi đi phòng thí nghiệm kiểm nghiệm). Kết quả xét nghiệm nhanh tại Chi cục đối với 30 mẫu sản phẩm NUĐC trước và sau can thiệp về mức độ ô nhiễm vi sinh vật (2 loại vi sinh vật: vi khuẩn Coliforms và E.Coli) giảm đáng kể giữa hai năm: trước can thiệp phát hiện 08/30 mẫu (chiếm 26,7%) bị ô nhiễm VSV, sau can thiệp con số này giảm còn 03/30 mẫu (chiếm 10%). Đặc biệt, kết quả xét nghiệm tại phòng thí nghiệm kiểm nghiệm đối với 30 mẫu sản phẩm NUĐC với đầy đủ 26 chỉ tiêu (là cơ sở để đánh giá, triển khai tác động của mô hình truyền thông) cho kết quả tỷ lệ mẫu NUĐC bị ô nhiễm VSV sau can thiệp giảm chỉ còn là 6/30 mẫu (20%) so với 14/30 mẫu (43,3%) trước khi can thiệp. Và trong số 5 chỉ tiêu VSV quy định tại QCVN 6-1:2010/BYT được đưa vào đánh giá (tháng 7/2020 và tháng 10/2021) thì có 2 chỉ tiêu được phát hiện không đạt, đó là vi khuẩn Coliforms tổng số và P.seudomonas aeruginosa. Trong thời gian 2 năm theo dõi, không có mẫu nào bị ô nhiễm vi khuẩn E.Coli, Streptococci feacal và bào tử vi khuẩn kị khí khử sulfit. Và 100% các mẫu NUĐC đều đạt về chỉ tiêu hóa học.

Như vậy, với việc triển khai áp dụng mô hình truyền thông bằng các kênh truyền thông (trực tiếp, gián tiếp) phù hợp, thông điệp truyền thông ngắn gọn, đầy đủ, dễ hiểu, dễ thực hiện, có tính khả thi đối với tất cả cơ sở sản xuất NUĐC tại tỉnh Ninh Bình đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm NUĐC. Chi cục khuyến cáo người tiêu dùng nên sử dụng các loại NUĐC của các cơ sở sản xuất có thương hiệu, uy tín, đã được cấp giấy chứng nhận đảm bảo ATTP của ngành Y tế và đặc biệt phải còn hạn sử dụng. Khi nhìn bằng mắt thường, cảm nhận sản phẩm không đảm bảo vệ sinh, như màu nước khác thường, nhiều cặn thì không sử dụng; đồng thời thông báo cho các cơ quan chức năng xem xét, xử lý đối với các cơ sở vi phạm... góp phần đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)