3 loại chè vằng được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng
Chè vằng Quảng Trị gắn liền với tên linh địa “La Vang”. Từ xa xưa, La Vang là nơi rừng núi hẻo lánh có nhiều cây “lá vằng”, một loại cây đã được người dân tỉnh Quảng Trị sử dụng làm thuốc từ rất lâu. Thị trường hiện nay xuất hiện nhiều sản phẩm chè vằng, nhưng các sản phẩm chế biến từ cây chè vằng trồng tại Quảng Trị được nhiều người tiêu dùng trong nước và trên thế giới biết đến. Với đặc điểm của vùng đất có khí hậu khắc nghiệt, cây chè vằng Quảng Trị được đánh giá và minh chứng là loại dược liệu tốt qua các kiểm nghiệm lâm sàng mà tự nhiên đã ban tặng. Chè vằng Quảng Trị được sản xuất thành 3 sản phẩm, gồm: chè vằng khô, cao chè vằng và chè vằng hòa tan.
Chè vằng khô Quảng Trị có mùi thơm, hơi hắc, khi pha nước có màu vàng nhạt; tỷ lệ glucosit 0,62-0,70%, coumarin 0,11-0,19%; hàm lượng flavonoid 674-683 ppm, saponin 76-87 ppb và antharanoid 112-120 ppm.
Chè vằng khô Quảng Trị.
Cao chè vằng Quảng Trị có mùi thơm, hơi hắc, vị đắng, ngọt hậu. Ở dạng cao, cao chè vằng Quảng Trị có màu đen, khi pha nước sẽ có màu nâu. Cao chè vằng Quảng Trị có tỷ lệ glucosit 1,73-1,95%, coumarin 00,21-0,30%; hàm lượng flavonoid 0,30-0,40 ppm, saponin 180-190 ppb, antharanoid 320-330 ppm và hàm lượng rutin 612-620 ppm.
Cao chè vằng Quảng Trị.
Chè vằng hòa tan Quảng Trị có mùi thơm, hơi hắc, vị đắng, ngọt hậu, khi pha nước có màu cánh gián; tỷ lệ glucosit 1,95-1,99%, coumarin 0,25-0,32%; hàm lượng flavonoid 0,3-0,5 ppm, saponin 188-195 ppb, sntharanoid 326-340 ppm và hàm lượng rutin 617-627 ppm.
Chè vằng hòa tan Quảng Trị.
Yếu tố đặc thù tạo nên thương hiệu chè vằng Quảng Trị
Khu vực địa lý sản xuất chè vằng Quảng Trị có những đặc điểm khắc nghiệt, tuy nhiên lại rất phù hợp cho sự tích lũy các hợp chất glucosit, flavonoid, coumarin, saponin, antharanoid, rutin của cây chè vằng. Cụ thể, khu vực địa lý có địa hình dạng gò đồi thấp, độ cao 50-250 m so với mực nước biển. Nhiệt độ trung bình năm của khu vực là 25oC, biên độ nhiệt trung bình năm là 7oC, tổng số giờ nắng trung bình năm là 1.848 giờ/năm. Lượng mưa trung bình hàng năm 2.000-2.800 mm, gần 70% tập trung vào 3 tháng (tháng 9-11).
Bên cạnh yếu tố điều kiện tự nhiên, phương thức sản xuất của người dân địa phương cũng góp phần tạo nên yếu tố đặc thù cho chè vằng Quảng Trị. Cụ thể, để sản xuất các sản phẩm chè vằng Quảng Trị, người dân địa phương chỉ sử dụng lá và cành của cây chè vằng được nhân giống bằng phương pháp giâm cành tại khu vực địa lý. Khi thu hoạch, người dân chỉ thu hái lá bánh tẻ và lá già, không thu lá non. Thời điểm thu hoạch phải đảm bảo không có mưa. Do đó, chè vằng Quảng Trị chỉ được thu hoạch một lần duy nhất trong năm (trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 8 để tránh mùa mưa). Ngoài ra, vào thời điểm này, vùng nguyên liệu của cây chè vằng của Quảng Trị chịu ảnh hưởng của gió khô nóng, nên rất thuận lợi cho việc phơi khô nguyên liệu.
Trong quy trình sản xuất chè vằng Quảng Trị, trước hết nguyên liệu sẽ được rửa sạch, băm nhỏ. Đối với chè vằng khô, nguyên liệu sẽ được phơi khô đến khi độ ẩm nhỏ hơn hoặc bằng 12%. Đối với chè vằng hòa tan, nguyên liệu sẽ được đưa vào hệ thống vi sóng chân không để chiết suất, cô đặc tuần hoàn chân không, sấy khô. Đối với cao chè vằng, nguyên liệu sẽ được nấu với nước sạch theo tỷ lệ khoảng 2 lít nước/1 kg nguyên liệu, loại bỏ bã và cô đặc dung dịch ở nhiệt độ 80-100oC, sau đó đổ khuôn hoặc cắt miếng. Tất cả các sản phẩm chè vằng Quảng Trị đều được đóng gói tại khu vực địa lý.
Theo Quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ, khu vực địa lý sản xuất sản phẩm chè vằng Quảng Trị gồm các xã, phường, thị trấn thuộc tỉnh Quảng Trị sau:
1) Các xã Vĩnh Chấp, Vĩnh Long, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà, Vĩnh Thủy, Vĩnh Sơn và thị trấn Bến Quan thuộc huyện Vĩnh Linh; 2) Các xã Gio An, Linh Trường, Hải Thái, Linh Hải, Gio Sơn, Phong Bình, Trung Sơn và Gio Châu thuộc huyện Gio Linh; 3) Các xã Hải Phú, Hải Lâm, Hải Sơn, Hải Chánh và Hải Trường thuộc huyện Hải Lăng; 4) Các xã Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Hiếu, Cam Thủy, Cam Thành và Cam Tuyền thuộc huyện Cam Lộ; 5) Phường 3 thuộc TP Đông Hà.
CT