Thứ năm, 16/03/2023 15:31

Bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống theo quy định của một số quốc gia và kinh nghiệm cho Việt Nam

Nguyễn Thu Phương

Trường Đại học Luật Hà Nội

Sự phát triển khoa học và công nghệ với sự xuất hiện ngày càng phong phú, đa dạng của các chủng loại hàng hóa, dịch vụ đặt ra yêu cầu cho các tổ chức, cá nhân cần linh hoạt, sáng tạo hơn nữa trong việc sử dụng nhãn hiệu để định vị sản phẩm. Xu thế này kéo theo việc ra đời của những nhãn hiệu độc đáo “phi truyền thống” như âm thanh, mùi vị hay thậm chí là mùi hương… Việc sử dụng các nhãn hiệu phi truyền thống ngày càng phổ biến tại các quốc gia trên thế giới, đặt ra yêu cầu về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của nước ta để theo kịp với sự thay đổi không ngừng của thực tiễn hiện nay.

Nhãn hiệu phi truyền thống

Theo quy định tại Điều 15 Mục 2 Hiệp định về Các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS) thì bất kỳ một dấu hiệu hoặc tổ hợp các dấu hiệu nào, có khả năng phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ của một doanh nghiệp với hàng hóa hoặc dịch vụ của các doanh nghiệp khác, đều có thể làm nhãn hiệu hàng hóa. Chiếu theo tinh thần của điều luật này, có thể thấy, quy định trên không loại trừ việc sử dụng những nhãn hiệu không nhận biết được bằng thị giác thông thường làm nhãn hiệu cho hàng hóa, dịch vụ. Trên cơ sở này, các quốc gia đã và đang ngày càng quan tâm tới việc sử dụng các dấu hiệu “phi truyền thống” - nhận biết thông qua thính giác, vị giác hay khứu giác thành nhãn hiệu phân biệt cho hàng hóa, dịch vụ của mình. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, đây vẫn là một nội dung khá mới mẻ và chưa được điều chỉnh kịp thời trong quy định pháp luật của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), nhãn hiệu phi truyền thống “thường dùng để mô tả một nhãn hiệu mà khác với những loại nhãn hiệu đã quen thuộc với người tiêu dùng như logo hay tên và nó có thể là dấu hiệu nhìn thấy được như hình dạng hoặc dấu hiệu không nhìn thấy được như âm thanh hoặc mùi hương”. Có thể thấy rằng, việc WIPO phân loại nhãn hiệu truyền thống hay phi truyền thống cũng dựa trên dấu hiệu nhận biết bằng thị giác. Căn cứ vào các yếu tố cấu thành, các loại nhãn hiệu phi truyền thống có thể nhận biết bằng thị giác bao gồm nhãn hiệu ba chiều (lập thể), nhãn hiệu màu, nhãn hiệu động và nhãn hiệu hologram; nhãn hiệu không nhận biết được bằng thị giác gồm nhãn hiệu âm thanh, nhãn hiệu mùi, nhãn hiệu nhận biết bằng vị giác và nhãn hiệu nhận biết bằng xúc giác.

Tương tự WIPO, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng quy định khá cụ thể về các nhãn hiệu phi truyền thống, theo đó, “không bên nào được quy định rằng dấu hiệu phải được nhìn thấy bằng mắt như một điều kiện để đăng ký, cũng không được từ chối việc đăng ký nhãn hiệu là một âm thanh đơn thuần. Ngoài ra, mỗi bên phải nỗ lực để cho phép đăng ký nhãn hiệu mùi hương. Một bên có thể đòi hỏi một mô tả ngắn gọn và chính xác hoặc đại diện đồ họa của nhãn hiệu hoặc cả hai đều có thể”.

Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có văn bản pháp luật nào quy định chi tiết, cụ thể về việc xem xét và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống. Mặc dù mới đây, Luật số 07/2022/QH15 ngày 16/6/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã bổ sung thêm dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa” là một trong những dấu hiệu có thể được xem xét bảo hộ nhãn hiệu. Thế nhưng nhìn chung, điều kiện đối với nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam quy định vẫn bao gồm 2 tiêu chí: (i) dấu hiệu nhìn thấy được; (ii) có khả năng phân biệt. Quy định này đã gián tiếp thể hiện rõ rằng dấu hiệu “phi truyền thống” - không nhìn thấy được như mùi hương, mùi vị... chưa được pháp luật nước ta chấp nhận và xem xét bảo hộ như một nhãn hiệu.

Từ việc dẫn chiếu các quy định trên đây có thể thấy rằng, hiện nay chưa có một quy định chung, thống nhất về nhãn hiệu phi truyền thống. Tuy nhiên, có thể chia nhãn hiệu phi truyền thống thành 2 loại chính, bao gồm: (i) nhãn hiệu có thể nhìn thấy (visual trademarks) như hình ảnh ba chiều (hologram), hình ảnh động (motion or multimedia)...; (ii) nhãn hiệu không thể nhìn thấy (non-visual trademarks) như âm thanh (sound marks), mùi vị (taste marks), mùi hương (olfactory marks)...

Nhãn hiệu phi truyền thống tại một số quốc gia

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã xem xét đưa các dấu hiệu “phi truyền thống” vào danh sách những dấu hiệu có khả năng đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ về tính phân biệt và đủ điều kiện để bảo hộ làm nhãn hiệu. Qua thực tiễn xem xét, thẩm định đơn đăng ký bảo hộ và giải quyết các khiếu nại liên quan đến đơn đăng ký, pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ của các quốc gia đã và đang ngày càng hoàn thiện các quy định về nhãn hiệu phi truyền thống.

Có thể lấy dẫn chứng về Quy chế nhãn hiệu của Liên minh châu Âu (EU), theo đó, tại Điều 4 Quy chế đưa ra tiêu chuẩn bảo hộ của nhãn hiệu như sau: Một nhãn hiệu có thể bao gồm bất kỳ dấu hiệu nào, chẳng hạn như các từ ngữ, tên riêng, bản thiết kế, chữ cái, chữ số, màu sắc, hình dạng hoặc bao bì của sản phẩm hoặc âm thanh, miễn là các dấu hiệu đó có khả năng: (i) phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ của một chủ thể này với một chủ thể khác; (ii) được mô tả trong Sổ đăng ký nhãn hiệu của EU theo cách cho phép các cơ quan có thẩm quyền và công chúng có thể xác định rõ ràng và chính xác của nhãn hiệu được bảo hộ gắn liền với sản phẩm”. Có thể thấy, Quy chế của EU cho phép chủ đơn thể hiện dấu hiệu trong đơn đăng ký bảo hộ dưới bất kỳ hình thức nào, miễn là dấu hiệu đó phải có khả năng phân biệt, đồng thời giúp cho cơ quan có thẩm quyền xác định được chính xác và rõ ràng đối tượng cần bảo hộ. Quy định này được xây dựng sau nhiều tranh luận từ thực tế các đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống được nộp. Chẳng hạn, trước đây, yêu cầu biểu thị bằng đồ họa là điều kiện tiên quyết để đánh giá tính phân biệt của nhãn hiệu mùi hương và tiêu chí này được ưu tiên xem xét khi đánh giá các tiêu chuẩn bảo hộ. Tuy nhiên, quy định này đã tạo ra một rào cản lớn vì thực tế việc mô tả một mùi hương dưới dạng đồ họa, bản vẽ là việc không hề đơn giản. Thêm nữa, việc coi trọng tiêu chí biểu thị bằng đồ họa và xếp khả năng phân biệt của nhãn hiệu ở vị trí thứ yếu dường như cũng đi ngược lại bản chất và chức năng của nhãn hiệu. Quy định này trong một thời gian dài đã tạo nên nhiều khó khăn cho các đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu mùi hương - một nhãn hiệu phi truyền thống mà tại thời điểm đó có rất ít đơn đăng ký bảo hộ được nộp. Chẳng hạn như vụ việc của Công ty Vennootschap Onder Firma Senta Aromatic Marketing (Hà Lan) với nhãn hiệu “mùi cỏ tươi mới cắt”, dù vô cùng mới lạ và độc đáo nhưng nhãn hiệu này đã bị Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) từ chối bảo hộ do bản mô tả nhãn hiệu không đáp ứng được yêu cầu biểu thị bằng đồ họa.

So sánh với quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ có thể thấy, đây là quốc gia từ rất sớm đã quan tâm đến vấn đề bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống. Theo tinh thần của Đạo luật Lanham (Luật Nhãn hiệu hàng hoá năm 1946), Hoa Kỳ đặt ra vấn đề bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống bằng cách không loại trừ chúng khi đưa ra định nghĩa về một nhãn hiệu chung. Theo đó, pháp luật Hoa Kỳ chỉ ra 3 loại nhãn hiệu phi truyền thống bao gồm: (i) nhãn hiệu mùi hương (olfactory marks); (ii) nhãn hiệu âm thanh (sound marks); và (iii) nhãn hiệu mùi vị (taste marks).

Về nhãn hiệu mùi hương, một mùi hương được bảo hộ làm nhãn hiệu khi thỏa mãn 3 điều kiện: (i) dấu hiệu mùi hương được sử dụng như một nhãn hiệu gắn liền với một sản phẩm; ii) dấu hiệu mùi hương có khả năng phân biệt và mang tính phi chức năng; iii) dấu hiệu mùi hương không được gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu khác. Tính phi chức năng ở đây được hiểu là mùi hương đó không phải là mùi tự nhiên của sản phẩm (mùi mang tính công năng của sản phẩm như xà phòng, nước hoa...). Liên quan đến khả năng phân biệt, tại Mục 1202.13 Sổ hướng dẫn Quy trình kiểm tra nhãn hiệu (Trademark Manual of Examining Procedure - TMEP) xem xét khả năng phân biệt của nhãn hiệu ở 2 dạng chính là khả năng phân biệt tự thân và khả năng phân biệt thông qua sử dụng. Khả năng phân biệt tự thân có nghĩa bản thân dấu hiệu mùi hương đó vốn đã mang tính độc đáo và có thể đảm nhận tốt vai trò phân biệt giữa các loại hàng hóa, dịch vụ với nhau. Mùi hương đó có khả năng tác động vào nhận thức của người tiêu dùng, giúp họ nhận biết, ghi nhớ, so sánh và cuối cùng là quyết định lựa chọn hàng hóa, dịch vụ. Như đã nêu trên đây, nhãn hiệu “mùi cỏ tươi mới cắt” cho sản phẩm hàng hóa bóng tennis (nhóm 28) là mùi vô cùng đặc biệt mà khi gắn nó lên bóng tennis mọi người có thể dễ dàng nhận ra thông qua khứu giác. Một khả năng khác, đó là việc dấu hiệu đạt được khả năng phân biệt thông qua một quá trình sử dụng. Nếu sau một thời gian, người tiêu dùng đã quen thuộc với mùi hương gắn trên sản phẩm và từ đó phân biệt được sản phẩm này với sản phẩm khác thì dấu hiệu mùi hương đó được bảo hộ là nhãn hiệu. Có thể viện dẫn trường hợp đơn đăng ký bảo hộ của Clarke tại Hoa Kỳ với nhãn hiệu “mùi hương hoa đại” (Phumeria Blossoms) cho sản phẩm chỉ may và chỉ thêu (nhóm 23). Chủ đơn này đã cung cấp được bằng chứng mùi hương đó đã đạt được khả năng phân biệt thông qua việc sử dụng trên thị trường. Cụ thể, trước đó không có bất kỳ công ty nào từng sản xuất loại chỉ khâu và sợi thêu có mùi thơm, đồng thời, các khách hàng, đại lý và nhà phân phối của họ đã nhận ra nguồn gốc thương mại của chủ đơn dựa trên mùi của sản phẩm này.

Về nhãn hiệu âm thanh, được xác định bao gồm: (i) một loạt các âm hoặc nốt nhạc, có hoặc không có từ; và (ii) từ ngữ kèm theo âm nhạc. Những dấu hiệu âm thanh này phải có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ và chỉ dẫn nguồn gốc thương mại. Quy định này khá tương đồng với pháp luật Úc, theo đó, pháp luật Úc chỉ ra nhãn hiệu âm thanh có thể là bất kỳ thứ tiếng gì có thể nghe được, miễn là thực hiện được chức năng giúp người tiêu dùng xác định được nguồn gốc thương mại của hàng hoá, dịch vụ. Đó có thể là những đoạn nhạc phức tạp, những âm thanh đơn giản như tiếng động của máy móc, tiếng kêu của động vật như tiếng chó sủa, sư tử gầm hoặc tiếng khóc của em bé... Dưới đây là dẫn chiếu một nhãn hiệu âm thanh đã được bảo hộ tại Hoa Kỳ cho dịch vụ tổ chức sự kiện, cửa hàng bán lẻ trang sức...

Nhãn hiệu âm thanh được bảo hộ tại Hoa Kỳ.

Về nhãn hiệu mùi vị, hiện nay số đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu mùi vị mà Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) nhận được còn khá ít. Điều này cho thấy, dù pháp luật Hoa Kỳ đã để mở cho phép các đơn đăng ký nhãn hiệu phi truyền thống nhưng thực tế các chủ đơn còn khá e ngại khi đăng ký các dấu hiệu “phi truyền thống” làm nhãn hiệu cho hàng hoá, dịch vụ. Có thể dẫn chiếu một nhãn hiệu mùi vị số 76.467.774 của NV Organon đã đăng ký tại USPTO cho hàng hoá “dược phẩm dùng cho người, cụ thể là thuốc chống trầm cảm dạng viên nén hoà tan nhanh và thuốc [IC 005] với “hương vị cam”.

Có thể thấy, những quy định về tiêu chí đánh giá hay điều kiện bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống tại các quốc gia đều là những kinh nghiệm quan trọng mang tính gợi mở cho quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam.

Một số kinh nghiệm cho Việt Nam

Từ nhu cầu thực tiễn cùng kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, có thể đưa ra một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống nói riêng và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam nói chung như sau:

Thứ nhất, cần sớm bổ sung các quy định liên quan đến bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống như khái niệm, cách thức, điều kiện bảo hộ. Dù mới đây, pháp luật về sở hữu trí tuệ nước ta đã có những sửa đổi, bổ sung liên quan đến nhãn hiệu phi truyền thống, cụ thể là dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ hoạ, được coi là một trong những bước tiến quan trọng của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, các tiêu chí về điều kiện bảo hộ đối với một nhãn hiệu của Việt Nam lại chưa có sự sửa đổi cho phù hợp. Bởi lẽ, xét về bản chất, nhãn hiệu truyền thống và phi truyền thống vẫn có sự khác biệt nhất định, do đó không phải tất cả các tiêu chí của nhãn hiệu thông thường đều có thể đương nhiên áp dụng được đối với loại nhãn hiệu này. Việc bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống đã được quy định trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và nội luật hoá trong pháp luật của nhiều quốc gia. Vì thế, việc pháp luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam bổ sung các quy định về nhãn hiệu phi truyền thống là vô cùng cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống. Với tính chất đặc thù của nhãn hiệu phi truyền thống, việc đăng ký một dấu hiệu phi truyền thống trở thành nhãn hiệu cho hàng hoá, dịch vụ không còn chỉ dựa trên hai tiêu chí là “nhìn thấy được” và “khả năng phân biệt”. Pháp luật cần có sự sửa đổi, bổ sung về điều kiện bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống theo hướng là “dấu hiệu tồn tại dưới hình thức có khả năng cảm nhận được”, đồng thời thiết lập phương thức đánh giá khả năng phân biệt của nhãn hiệu phi truyền thống. Có thể xem xét xây dựng hệ thống đánh giá tính phân biệt của nhãn hiệu mùi hương theo hai khả năng: phân biệt tự thân và phân biệt thông qua sử dụng. Theo đó, chủ đơn cần đưa ra các bằng chứng chứng minh tính độc đáo, riêng có của dấu hiệu gắn liền với sản phẩm cũng như bằng chứng về khả năng phân biệt đạt được thông qua quá trình dấu hiệu đó gắn với hàng hóa, dịch vụ lưu thông một thời gian hợp lý trên thị trường. Điều này sẽ tạo sự chủ động cho chủ đơn trong nghĩa vụ chứng minh và giúp cơ quan có thẩm quyền đánh giá các đơn đăng ký nhãn hiệu phi truyền thống theo trình tự rõ ràng, thống nhất.

Thứ ba, về hình thức thể hiện nhãn hiệu phi truyền thống. Xuất phát từ tính đặc thù của loại nhãn hiệu này, có thể thấy, hình thức thể hiện của các đơn đăng ký nhãn hiệu truyền thống không còn phù hợp. Trên cơ sở kinh nghiệm của các nước EU, Việt Nam có thể xem xét quy định cho phép các tổ chức, cá nhân thể hiện dấu hiệu “phi truyền thống” dưới bất kỳ hình thức nào, miễn là hình thức thể hiện đó rõ ràng, chính xác và tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan có thẩm quyền xét duyệt và thẩm định đơn. Điều này sẽ tăng tính linh hoạt và tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đơn có nhu cầu bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống trong việc tự do lựa chọn hình thức thể hiện phù hợp với trình độ công nghệ, điều kiện khoa học kỹ thuật của mình. Chẳng hạn, đối với nhãn hiệu mùi hương, hiện nay, với sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, việc chuyển hóa mùi hương thành các dữ liệu điện tử để lưu trữ, giải mã đang được triển khai. Trên cơ sở dữ liệu mùi được lưu trữ, mùi hương được tái tạo lại và giúp các cơ quan có thẩm quyền có thể nhận biết được chính xác mùi hương này. Hình thức này khắc phục được nhiều nhược điểm so với các phương pháp bảo quản mùi hương truyền thống như hộp bảo quản, giấy lưu hương…Hay đối với nhãn hiệu âm thanh, chủ đơn có thể ghi lại dữ liệu âm thanh vào vật ghi để nộp kèm theo đơn. Điều này là vô cùng cần thiết, nhất là đối với những âm thanh không có khả năng thể hiện bằng khuông nhạc.

Để đáp ứng sự thay đổi và tiến bộ không ngừng của khoa học, công nghệ và kỹ thuật hiện đại cũng như tình hình thực tiễn hiện nay, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong công tác lập pháp để có thể xây dựng hàng lang pháp lý an toàn, lành mạnh và hiệu quả cho các tổ chức, cá nhân trong nước và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Các quy định về nhãn hiệu phi truyền thống trong hệ thống các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam hiện nay vẫn là nội dung còn bỏ ngỏ. Kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về nhãn hiệu phi truyền thống sẽ là những gợi mở có giá trị để Việt Nam xây dựng, hoàn thiện pháp luật về nhãn hiệu phi truyền thống nói riêng và pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ nói chung.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/PDF/?uri=CELEX:32017R1001&rid=3.

2. Huỳnh Thanh Tịnh, Nguyễn Xuân Mỹ Hiền, Nguyễn Hồ Bích Hằng (2017), “Chế định đăng ký nhãn hiệu mùi hương theo pháp luật Hoa Kỳ”, Tạp chí Khoa học pháp lý, 5(108), tr.26-30.

3. Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022.

4. Hiệp định về Các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS).

5. Sổ hướng dẫn Quy trình kiểm tra nhãn hiệu (Trademark Manual of Examining Procedure - “TMEP”).

6. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)