Thứ sáu, 07/04/2023 09:24

Tuyên Quang: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được xác định là 1 trong 3 trụ cột kinh tế giai đoạn 2021-2030

Nhằm phát triển tỉnh Tuyên Quang toàn diện, bao trùm và bền vững trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc, tỉnh Tuyên Quang đã xác định nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 1 trong 3 trụ cột kinh tế. Điều này đã được khẳng định tại Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (theo Quyết định số 325/QĐ-TTg ngày 30/03/2023 của Thủ tướng Chính phủ).

Hướng đến phát triển toàn diện, bao trùm và bền vững

Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch xác định, Tuyên Quang là tỉnh phát triển khá, toàn diện, bao trùm và bền vững trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc; kinh tế phát triển xanh và năng động, nhanh và bền vững trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Không gian kinh tế - xã hội được tổ chức, phát triển hài hòa, hợp lý gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; bảo đảm về môi trường, sinh thái.

Hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng số đồng bộ, tích hợp, hiện đại; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc; phát triển văn hóa, y tế, giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân; quốc phòng, an ninh vững chắc; hợp tác, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Về kinh tế, Tuyên Quang đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt trên 9,5%; cơ cấu kinh tế: ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 42,8%; dịch vụ chiếm 40,8%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 13,2%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 3,2%; GRDP bình quân đầu người đạt trên 130 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 10.000 tỷ đồng; tăng trưởng kinh tế số đạt khoảng 30% GRDP của tỉnh; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7,5%/năm.

Các chỉ tiêu về xã hội được Quy hoạch đặt ra đến năm 2023 như sau: Chỉ số phát triển con người (HDI) phấn đấu đạt trên 0,7; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học mầm non trên 65%, cấp tiểu học và trung học cơ sở trên 83%, cấp trung học phổ thông trên 60%; tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi có trình độ giáo dục trung học phổ thông và tương đương đạt 90%; đạt 40 giường bệnh/10.000 dân và 11 bác sỹ/10.000 dân; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia giảm bình quân 2-2,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số dưới 10%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%, trong đó tỷ lệ lao động đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40%; tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện đạt 50%.

Về bảo vệ môi trường: tỷ lệ che phủ rừng trên 65%; tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 98%; tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại các đô thị đạt 100%; tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu dân cư nông thôn tập trung đạt 96%. Tỷ lệ hộ gia đình có công trình vệ sinh hợp vệ sinh đạt 96%; tỷ lệ thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường đối với chất thải rắn nguy hại phát sinh từ sinh hoạt, công nghiệp, y tế đạt 100%; phấn đấu tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đã thu gom được xử lý bằng công nghệ tái chế đạt tối thiểu 25%. Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý trước khi thải ra môi trường đạt 75%. 100% nước thải từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các bệnh viện được xử lý đạt tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường

Thành phố Tuyên Quang (ảnh: Hoàng Thảo/baotuyenquang.com.vn).

Về kết cấu hạ tầng đến năm 2030, tỉnh Tuyên Quang đặt ra mục tiêu: tỷ lệ đô thị hóa đạt 35%; hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới (đạt 100% số xã). Hạ tầng giao thông vận tải thông suốt, năng lực vận tải và tốc độ khai thác được nâng cao; hạ tầng thủy lợi, cấp nước đảm bảo mục tiêu cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt; hạ tầng cấp điện đảm bảo cấp điện đầy đủ, ổn định cho sản xuất và sinh hoạt; mạng lưới viễn thông và thiết bị đầu cuối hiện đại; hạ tầng xã hội đáp ứng nhu cầu phát triển. Quy hoạch cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể về quốc phòng, an ninh.

Các định hướng lớn tạo đột phá phát triển

Để đạt được các mục tiêu đặt ra, tỉnh Tuyên Quang tập trung phát triển 3 trụ cột kinh tế, 4 cực tăng trưởng, chủ động tham gia phát triển các hành lang kinh tế…

3 trụ cột kinh tế đó là: công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng theo định hướng kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản và kinh tế lâm nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới. 4 cực tăng trưởng bao gồm: cực tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ, du lịch và đô thị tại thành phố Tuyên Quang và phía Nam huyện Yên Sơn; cực tăng trưởng công nghiệp, đô thị, du lịch tại huyện Sơn Dương; cực tăng trưởng du lịch, nông nghiệp hàng hóa đặc sản, chất lượng cao tại huyện Na Hang và Lâm Bình; cực tăng trưởng công nghiệp và nông, lâm nghiệp tại khu vực huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa.

Ngoài ra, Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050c cũng định hướng chủ động tham gia phát triển các hành lang kinh tế: Hà Nội - Tuyên Quang - Hà Giang, Hà Nội - Phú Thọ - Tuyên Quang - Bắc Kạn - Cao Bằng, liên kết sâu rộng với các hành lang kinh tế liên tỉnh, liên vùng khác. Phát huy mạnh mẽ nguồn lực con người; tiếp tục đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo; tập trung hỗ trợ, đầu tư nguồn lực cho công tác đào tạo để tăng tỷ lệ lao động chất lượng cao trong cơ cấu lao động.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Quy hoạch đặt ra là đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số. Bên cạnh đó, Quy hoạch cũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ quan trọng khác: nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy hành chính các cấp; phát huy sáng tạo trong tham mưu, ban hành các cơ chế, chính sách để hoàn thiện và nâng cao chất lượng các cơ chế, chính sách đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập, ổn định, cụ thể, minh bạch. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…

Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ nhằm khai thác hiệu quả và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương

Quy hoạch đã đưa ra phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cụ thể:

Một là, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các mô hình tiến bộ khoa học và công nghệ, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm khai thác hiệu quả và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đề xuất và thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thuộc các chương trình trọng điểm cấp quốc gia, tập trung vào các nội dung về phát triển kinh tế, sản xuất, đời sống, thích ứng với biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo, nâng cao giá trị hàng hóa có thế mạnh của tỉnh, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ...

Hai là, thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ; phát triển nền tảng và tăng cường liên kết trong mạng lưới đổi mới sáng tạo; tiếp thu, làm chủ, chuyển giao, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm nâng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Hy vọng trong thời gian tới, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Tuyên Quang sẽ thực hiện thành công Quy hoạch, sớm đạt được những mục tiêu mà Quy hoạch đặt ra.

VVH

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)