Thứ sáu, 21/07/2023 15:25

Cà Mau: Đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ dịch vụ công trực tuyến

Nguyễn Hùng Mạnh1, Lê Công Điền2

1Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cà Mau, UBND tỉnh Cà Mau

2Trung tâm Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau

Với phương châm lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của chuyển đổi số, những năm gần đây tỉnh Cà Mau đã triển khai đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số hướng đến lợi ích của người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Trong thời gian qua, dịch vụ công trực tuyến đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin và giải quyết các vấn đề hành chính cho công dân và doanh nghiệp. Đây được xem là một trong những tiêu chí đánh dấu cho sự phát triển của giai đoạn chuyển đổi số, hướng tới Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Hưởng ứng những giá trị được mang lại từ lợi ích của việc ứng dụng công nghệ số vào phục vụ dịch vụ công trực tuyến, Cà Mau đã thực hiện nhiều giải pháp, sáng kiến, sáng tạo trong địa bàn tỉnh và đã đạt được một số thành tích nhất định.

Những mô hình, sáng kiến điển hình

Mô hình thủ tục hành chính phi địa giới hành chính

Người dân được lựa chọn một số nơi thuận tiện để nộp hồ sơ thủ tục hành chính, qua đó tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại. Đồng thời, đây cũng là một trong những giải pháp khuyến khích bộ phận một cửa của các đơn vị tự đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động để có thể đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của người dân. Thực tế cho thấy, người dân có xu hướng chọn Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh là nơi nộp hồ sơ ngày càng nhiều, vì sự thuận tiện và chất lượng phục vụ, đồng thời không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Đến nay, Cà Mau đã triển khai tổng số 84 thủ tục hành chính theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính.

Mô hình thực hiện thủ tục hành chính phi địa giới hành chính.

Quy trình mô hình thực hiện thủ tục hành chính phi địa giới hành chính gồm các bước sau: tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ tại Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cà Mau. Hồ sơ sau đó sẽ được Trung tâm tiếp nhận và chuyển đến đơn vị cấp huyện có thẩm quyền giải quyết. Sau khi đơn vị cấp huyện hoàn tất giải quyết thủ tục hành chính, kết quả sẽ được luân chuyển ngược lại. Việc luân chuyển hồ sơ hoàn toàn trực tuyến thông qua liên thông thủ tục hành chính trên mạng, tuân thủ theo hướng dẫn của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/04/2018 của Chính phủ về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

Chiến dịch cao điểm 69 ngày đêm

Xuất phát từ nhu cầu chuyển đổi số và để đáp ứng bộ tiêu chí về kết quả đánh giá bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp của bộ/ngành, địa phương theo Quyết định số 766/QĐ-TTg, ngày 23/06/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử. Triển khai quyết định nêu trên, tỉnh Cà Mau đã tiến hành chiến dịch với 03 mục tiêu cần nâng cao: dịch vụ công trực tuyến, số hóa hồ sơ, thanh toán trực tuyến được thực hiện từ ngày 01/03/2023 đến hết ngày 09/05/2023. Kết quả cho thấy cả 03 nhóm tiêu chí điều tăng cao so với thời điểm Chiến dịch chưa diễn ra. Đặc biệt, Đảng bộ tỉnh Cà Mau vừa ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu chung đến năm 2025, Cà Mau phấn đấu là tỉnh cơ bản hoàn thành số hóa các lĩnh vực kinh tế - xã hội; đến năm 2030 sẽ số hóa toàn diện các lĩnh vực, kinh tế số thành lợi thế cạnh tranh, chiếm 20% GRDP của tỉnh và phấn đấu trở thành một trong những tỉnh, thành phố chuyển đổi số thành công của cả nước.

Nâng cao dịch vụ công trực tuyến

Để đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số, Cà Mau đã triển khai việc thiết lập đăng ký tài khoản cho tổ chức, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia hoặc sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID để thực hiện việc định danh người dùng và nộp hồ sơ trực tuyến; triển khai việc đăng ký tài khoản ngân hàng cho các cơ quan, đơn vị có thu phí, lệ phí và thiết lập tài khoản của các đơn vị thụ hưởng được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; hướng dẫn tổ chức, cá nhân đăng ký các dịch vụ thanh toán trung gian (các ví điện tử) hoặc kích hoạt tài khoản ngân hàng ở trạng thái sẵn sàng thanh toán trực tuyến; tổ chức thực hiện việc đăng ký chữ ký số từ Ban Cơ yếu Chính phủ cho tất cả cán bộ tại bộ phận một cửa các cấp để thực hiện nghiệp vụ quy trình số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo Thông tư số 01/2023/TT-VPCP ngày 05/04/2023 của Văn phòng Chính phủ quy định một số nội dung và biện pháp thi hành trong số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Định hướng trong thời gian tới

Với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ trong chuyển đổi số, trong thời gian tới Cà Mau sẽ quyết tâm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển đổi số phục vụ người dân bằng các giải pháp đồng bộ.

Một là, đa dạng hóa các dịch vụ công trực tuyến, triển khai cung cấp thêm nhiều thủ tục hành chính đủ điều kiện thực hiện thành dịch vụ công trực tuyến toàn trình, cung cấp trên nhiều kênh số, nhiều nền tảng công nghệ.

Hai là, khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến bằng hình thức thiết lập các chính sách khuyến khích như giảm phí, lệ phí khi thực hiện thủ tục hành  chính qua môi trường mạng.

Ba là, xây dựng giao diện người dùng đơn giản, dễ sử dụng và thân thiện với người dùng, phù hợp với mọi trình độ công nghệ.

Bốn là, tăng cường đầu tư hạ tầng công nghệ, đảm bảo cơ sở hạ tầng công nghệ phục vụ dịch vụ công trực tuyến được đầy đủ và đáng tin cậy, mở rộng phạm vi truy cập internet, cung cấp kết nối mạng ổn định và đảm bảo bảo mật thông tin.

Năm là, áp dụng công nghệ mới, đặc biệt là lĩnh vực trí tuệ nhân tạo để tăng cường tính hiệu quả và độ tin cậy của dịch vụ công trực tuyến như: sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra các trợ lý ảo có khả năng tư vấn và hỗ trợ người dùng trong quá trình sử dụng dịch vụ.

*

*                   *

Có thể khẳng định, việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến mang lại nhiều lợi ích cho cả Nhà nước và người dân. Đối với Nhà nước, nâng cao dịch vụ công trực tuyến giúp tăng hiệu quả, giảm chi phí và tạo sự minh bạch. Đối với người dân, dịch vụ công trực tuyến mang đến sự tiện lợi, tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Với nỗ lực đáng kể của hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua, cùng với những kế hoạch có lộ trình rõ ràng và cụ thể, công tác cải cách hành chính tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục chuyển sang một giai đoạn mới, đạt được sự chuyên nghiệp và hiện đại hơn. Điều này sẽ xây dựng lòng tin cho người dân, doanh nghiệp và tạo nền tảng vững chắc để phục vụ mọi người một cách tốt hơn.

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)