Những bước đi đầu tiên
Sau khi học xong trung cấp nghề, anh Hợi cũng đã đi làm công nhân kỹ thuật cho Công ty cổ phần Sông Đà 5. Năm 2008, anh xin nghỉ việc ở Công ty này và đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Lao động ở xứ người được 10 năm với mức thu nhập cao, nhưng anh vẫn quyết định trở về quê hương để lập nghiệp.
Đầm sen của gia đình anh Nguyễn Văn Hợi.
Sau khi tìm hiểu, anh Hợi nhận thấy, trồng sen cho thu nhập cao ở Đài Loan nhưng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chưa có mô hình nào trồng sen quy mô lớn nên anh đã rủ một người bạn góp vốn đầu tư trồng sen. Năm 2018, do chưa có kinh nghiệm, vốn ít nên các anh chỉ dám thuê 2 mẫu ao tại thôn Đông Phú trồng thử nghiệm để tích lũy kinh nghiệm. Sau 2 năm đầu trồng sen, các anh thua lỗ gần 600 triệu đồng, do các giống sen này không phù hợp với ao sâu, nhiều bùn mà chỉ phù hợp với chân ruộng trũng, ruộng cấy lúa.
Năm 2020, các anh đã tiếp tục thuê thêm 11 ha ruộng trũng tại thôn để thâm canh. Do chăm chỉ nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương khác và chọn đúng chân ruộng phù hợp, năng suất sen bình quân đạt gần 5 tạ/sào, bắt đầu có lãi.
Thu hoạch củ sen.
Thành công từ thất bại
Nhờ kiên trì học hỏi, đúc rút được kinh nghiệm, lựa chọn được giống sen phù hợp với chất đất nơi đây, cộng với sự ủng hộ của gia đình, bạn bè về vốn nên năm 2021, anh đã tách ra làm riêng, mở rộng diện tích lên 22 ha, chủ yếu là trồng sen lấy củ. Đây cũng là mô hình trồng sen lấy củ đầu tiên của tỉnh Bắc Giang và đến nay anh có thể tự nhân giống nên chủ động được nguồn giống cho các vụ sau, giảm được rất nhiều chi phí mua cây giống.
Anh Hợi chia sẻ, cây sen dễ trồng, ít bị sâu bệnh, chỉ cần làm đất kỹ, bón phân chuồng là chính, hầu như không phải dùng thuốc bảo vệ thực vật. Hiện nay, tôi trồng sen lấy củ với 2 giống sen hương và sen ngọt (chủ yếu), ngoài ra tôi trồng sen lấy hoa để sản xuất trà, sen lấy hoa làm cảnh, sen lấy bát để thu hạt. Sen lấy củ được trồng 2 vụ/năm. Các sản phẩm tươi từ sen của gia đình anh Hợi đã ký hợp đồng cung cấp thường xuyên cho một số cơ sở sản xuất, chế biến tại Hà Nội là 10 tấn lá sen tươi/tháng, hoa 1.000 bông/ngày vào vụ hoa (tháng 4 đến tháng 6), củ sen thái lát 100 kg/ngày. Ngoài ra, cung cấp cho các thị trường trong tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và một số tỉnh phía Bắc.
Nhờ thời tiết thuận lợi, thâm canh đúng kỹ thuật, nên năng suất sen hương đạt khoảng 12,5 tấn/ha, giá bán dao động từ 25-30 nghìn đồng/kg; sen ngọt năng suất đạt gần 22,2 tấn/ha, giá bán dao động từ 18-20 nghìn đồng/kg. Trừ chi phí, người trồng thu lãi bình quân hơn 138 triệu đồng/ha, sau 6 tháng trồng, cao hơn nhiều lần so với trồng lúa. Với diện tích 22 ha trồng sen cho thu hoạch củ tươi (550 tấn), lá sen (90 tấn), hoa (45.000 bông hoa), bát và các loại trà, doanh thu hơn 13 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 4 tỷ đồng, tạo việc làm, thu nhập cho hàng chục lao động địa phương.
Củ sen chủ yếu dùng để chế biến thành các món ăn như: hầm với xương lợn, nấu canh hoặc ăn sống, bồi bổ cơ thể. Ngoài ra, củ sen còn được chế biến thành bột dùng trong công nghệ thực phẩm, làm trà và làm thuốc đông y. Không chỉ dừng lại ở việc xuất bán các sản phẩm tươi từ sen, anh Hợi đã mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị để sản xuất trà củ sen, trà lá sen, trà ướp hoa sen… Để thuận tiện cho việc quảng bá và tiêu thụ trà ra thị trường, năm 2022, sản phẩm trà củ sen đã được công nhận OCOP 3 sao, Hợp tác xã (HTX) Thương mại dịch vụ nông nghiệp Bảo Ngọc được thành lập. Sản phẩm tiếp theo tham gia OCOP sẽ là trà ướp hoa sen, tinh bột củ sen nhằm cung cấp cho thị trường các dịp lễ, tết làm quà biếu, quà tặng.
Sản phẩm trà củ sen.
Anh Hợi dự kiến đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất quy mô lớn, hiện đại để sản xuất các loại trà phục vụ nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu. Các sản phẩm chế biến từ sen rất tốt cho sức khỏe con người nên rất cần được các cấp, các ngành quan tâm tạo điều kiện, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu để hương sen Bảo Ngọc có thể “bay xa” hơn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ sức khỏe con người.
Đỗ Thị Thơm