Thứ năm, 14/09/2023 15:43

Ninh Bình: Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa theo hướng hữu cơ

ThS Nguyễn Thị Minh Trâm

Trung tâm Ứng dụng, Thông tin khoa học công nghệ và Đo lường thử nghiệm, Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình

Với mục tiêu đưa giống cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) trong nông nghiệp, đẩy mạnh cơ giới hóa trồng trọt, Trung tâm Ứng dụng, Thông tin khoa học công nghệ và Đo lường thử nghiệm Sở KH&CN Ninh Bình đã thực hiện mô hình “Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình”. Kết quả thực hiện mô hình đã góp phần nâng cao hiệu quả trong canh tác lúa, từ đó giúp người dân yên tâm và gắn bó lâu dài với nghề trồng lúa, đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.

Sản xuất lúa đóng vai trò quan trọng hiện nay

Lúa là một trong những cây lương thực chính, cung cấp sản lượng gạo cho hơn 65% dân số trên thế giới, là nguồn cung cấp năng lượng lớn nhất cho con người. Hiện nay, hơn 100 quốc gia trên thế giới có sản xuất lúa nước. Việt Nam cũng là nước có nghề trồng lúa nước từ cổ xưa, 100% dân số sử dụng gạo là lương thực chính. Điều đó cho thấy, nghề sản xuất lúa đóng vai trò rất lớn trong nền kinh tế quốc dân và cây lúa là cây lương thực chính trong mục tiêu phát triển nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực.

Trong những năm gần đây, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ không sử dụng hóa chất và công cuộc ứng dụng tiến bộ KH&CN, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp đang được thực hiện mạnh mẽ. Các địa phương trên cả nước đã triển khai nhiều mô hình ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa, từ khâu làm đất, làm mạ, cấy, gặt và phun thuốc bảo vệ thực vật… Các mô hình này đã cho hiệu quả cao về năng suất và kinh tế.

Từ thực trạng trên, Trung tâm Ứng dụng, Thông tin khoa học công nghệ và Đo lường thử nghiệm, Sở KH&CN Ninh Bình đã thực hiện mô hình “Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình”. Trên cơ sở đó, Trung tâm đã lựa chọn giống lúa Hà Phát 3 để xây dựng mô hình sản xuất 3 ha theo hướng hữu cơ trên địa bàn xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư.

Giống lúa Hà Phát 3 là giống lúa được chọn lọc từ nguồn giống nhập từ Trung Quốc. Giống lúa này là giống cảm ôn thuộc nhóm ngắn ngày, thời gian sinh trưởng trong vụ hè thu là 95-100 ngày, vụ đông xuân là 110 ngày. Giống lúa Hà Phát 3 có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, dạng hình gọn, đẻ nhánh khỏe, thoát cô bông tốt, độ thuần đồng ruộng cao. Số bông đạt 280-298 bông/m2, số hạt/bông đạt 142-150 hạt, khối lượng 1.000 hạt với 23,7-25,8 gam. Giống lúa này có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt với các loại sâu bệnh hại chính như rầy nâu, đạo ôn, có khả năng chống chịu nóng và chịu hạn tốt, chống đổ ngã. Tỷ lệ gạo lật, gạo xát trắng, tỷ lệ gạo nguyên và tỷ lệ trắng ở mức cao. Gạo không bị bạc bụng, hạt thon dài, trắng trong, cơm ngon, có mùi thơm nhẹ, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.

Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa theo hướng hữu cơ

Với mục tiêu xây dựng mô hình, qua đó tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn tỉnh. Mô hình được tiến hành xây dựng vào vụ mùa, gieo mạ vào cuối tháng 6, đầu tháng 7, hạt giống sau khi ngâm 24 giờ, tiến hành ủ để hạt nảy mầm, sau đó tiến hành gieo hạt trên các khay của kích thước (25x60x3 cm), sau 20 ngày cây mạ có 2-3 lá thật, chiều cao đạt 15-17 cm lá có thể đưa ra ruộng cấy. Đất ruộng sau khi được làm sạch cỏ, cày bừa kỹ, san phẳng, tiến hành bón lót 50% lượng phân hữu cơ vi sinh để bổ sung nguồn dinh dưỡng, tăng số lượng vi sinh vật có lợi cho đất, phân giải các chất hữu cơ cung cấp cho quá trình sinh trưởng, phát triển của cây. Để tiết kiệm công lao động, giảm lượng lúa giống, tăng sự đông đảo của cây lúa.

Sau khi cấy 15 ngày, tiến hành bón thúc lần một, sử dụng 50% lượng phân hữu cơ vi sinh còn lại để tiếp tục cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây lúa trong giai đoạn đẻ nhánh. Sau cấy 40-50 ngày, cây lúa bắt đầu trổ đòng, cây lúa có nhiều sự thay đổi rõ rệt như tròn khóm, thân cứng, các lá đứng, là thứ hai từ trong ngọn có hiện tượng thắt eo. Đây là giai đoạn có thời gian ngắn, nhưng rất quan trọng, quyết định đến số hạt lúa trên bông nên cần phải bón đúng thời điểm.

Quá trình thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp.

Giai đoạn chín sữa, sau khi bông lúa phơi màu 5-7 ngày, chất dự trữ trong hạt ở dạng lỏng và trắng như sữa, hình dạng hạt lúa đã hình thành, trọng lượng hạt tăng nhanh (đạt 75-80% trọng lượng cuối cùng của hạt lúa). Trong giai đoạn này, cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn cho hộ tham gia mô hình tiến hành bổ sung chất dinh dưỡng qua lá bằng phân bón lá hữu cơ, giúp cây đạt số hạt chắc trên bông tối đa.

Sau 75-80 ngày, hạt lúa đã tích lũy đủ chất dinh dưỡng, chất dịch sữa trắng trong hạt dần đặc lại làm cho hạt lúa cứng, hạt lúa từ màu xanh chuyển dần sang nâu vàng, đây là lúc hạt lúa có trọng lượng tối đa. Khi có trên 85% số hạt chín, tiến hành thu hoạch. Sau cấy 115 ngày, tiến hành gặt lúa bằng máy gặt đập liên hợp nhằm giảm công thu hoạch, giảm tổn thất.

Nhờ áp dụng quy trình chăm sóc phù hợp, cây lúa Hà Phát 3 được sử dụng trong mô hình sinh trưởng, phát triển tốt, cây cứng, bộ lá khỏe, cây có khung chắc, nhiễm ít sâu bệnh hại, chủ yếu là sâu đục thân xuất hiện rải rác trong giai đoạn phân hóa đòng, cán bộ kỹ thuật đã theo dõi sát sao và kịp thời hướng dẫn hộ tham gia sử dụng bẫy để diệt bướm trưởng thành, tiến hành loại bỏ cây bị sâu hại.

Sau quá trình triển khai, cây lúa Hà Phát 3 cho năng suất cao, đạt 6,3 tấn/ha, tổng sản lượng của mô hình đạt 18,9 tấn, hạt gạo có màu trắng, ít bị vỡ hạt, cơm dẻo, thơm, vị đậm, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Với mức giá bán hiện nay 14-18 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư (52,6 triệu đồng/ha) vào giống, phân bón và lao động, mô hình cho lãi 35-60 triệu đồng/ha, cao hơn so với phương pháp truyền thống 15-20 triệu đồng, giúp nâng cao hiệu quả trong canh tác lúa, từ đó giúp người dân yên tâm và gắn bó lâu dài với nghề trồng lúa.

Mô hình ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa theo hướng hữu cơ của nhóm nghiên cứu giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường đất, nước, bảo vệ sức khỏe cho người lao động, tạo ra sản phẩm mới, sạch, không tồn dư hóa chất, đáp ứng được nhu cầu thị trường. Việc sử dụng giống mới và ứng dụng cơ giới hóa trong quá trình sản xuất giúp tăng năng suất, chất lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, góp phần đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất lúa truyền thống.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)