Thứ bảy, 30/09/2023 10:22

Nguồn lực văn hóa là sức mạnh mềm để phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long

Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Văn hóa, kinh tế xã hội và nhân văn Đồng bằng sông Cửu Long: Đặc trưng đổi mới và phát triển” do Trường Đại học Cần Thơ tổ chức mới đây trong khuôn khổ Đề án Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - Tầm nhìn 2045 (SDMD 2045), khẳng định phát huy nguồn lực văn hóa, tạo “sức mạnh mềm” cho phát triển là một trong những giải pháp quan trọng góp phần đưa ĐBSCL phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.

Trong bối cảnh ĐBSCL đang đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức mới, cùng với định hướng chiến lược phát triển bền vững vùng của Đảng và Chính phủ, Trường Đại học Cần Thơ với nguồn lực và sứ mệnh của mình đã chủ trì xây dựng và triển khai Đề án SDMD 2045 nhằm nối kết và hợp tác với đối tác trong và ngoài nước để tổ chức các diễn đàn thường niên, triển khai các chương trình, dự án nghiên cứu và phát triển; xây dựng Trung tâm thông tin, tư vấn khoa học và công nghệ, góp phần phát triển bền vững ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. Trong khuôn khổ Diễn đàn SDMD 2045, Trường Đại học Cần Thơ và các đối tác phối hợp sẽ tổ chức các buổi tọa đàm trực tuyến thường kỳ hàng quý.

Phát biểu tại tọa đàm, GS.TS Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ nhấn mạnh, phát huy nguồn lực văn hóa, tạo “sức mạnh mềm” cho phát triển là một trong những giải pháp quan trọng góp phần đưa ĐBSCL phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Bên cạnh đó, xác định văn hóa là một trong những nguồn lực quan trọng, thúc đẩy nguồn lực khác, tạo sức mạnh tổng hợp cho phát triển bền vững, các địa phương trong vùng cần khai thác tối ưu tiềm năng, phát triển đồng bộ văn hóa với kinh tế - xã hội.

Tọa đàm được tổ chức nhằm cung cấp, chia sẻ thông tin và trao đổi về những vấn đề gặp phải trong quá trình phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội ở ĐBSCL. Qua các cuộc thảo luận, những ý kiến được ghi nhận sẽ làm cơ sở để xây dựng các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển và đổi mới văn hóa - xã hội và con người tại vùng ĐBSCL, qua đó đặt nền móng cho việc đề xuất các cơ chế và chính sách phát triển phù hợp của vùng trong tương lai.

Hoàng Oanh

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)