Thứ năm, 26/10/2023 15:48

Thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên

Ngày 13/10/2023, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Hội nghị Giao ban KH&CN vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên (NTB&TN) lần thứ XVI để tổng kết, đánh giá những kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2019-2023. Thông qua Hội nghị này, nhiều khó khăn vướng mắc được trao đổi, thảo luận nhằm phát huy tốt hơn những tiềm năng lợi thế của vùng, thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) đóng góp nhiều hơn vào phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng.

Nhiều kết quả nghiên cứu ứng dụng trong thực tiễn

Theo báo cáo tổng kết về hoạt động KH&CN vùng NTB&TN, được trình bày tại Hội nghị, giai đoạn 2019-2023, toàn vùng đã triển khai thực hiện 91 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, 1.301 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh. Các nhiệm vụ được triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, tập trung vào việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực tiễn sản xuất và đời sống của từng địa phương và cả vùng.

Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, các kết quả nghiên cứu đã tập trung vào các vấn đề xây dựng chủ trương chính sách về quản lý, phát triển nông nghiệp và nông thôn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; phòng ngừa, ngăn chặn xung đột xã hội, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn các tỉnh. Một số kết quả điển hình như nghiên cứu những yếu tố ảnh hưởng và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an ninh giáo dục - đào tạo trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; nghiên cứu xác định thang âm điệu thức đặc trưng trong âm nhạc dân gian Jrai ở Gia Lai; nghiên cứu giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ học Cát Tiên, Lâm Đồng…

Trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp, tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, tiến bộ kỹ thuật mới trong trồng trọt, chăn nuôi tạo ra các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp đặc trưng; nghiên cứu chọn tạo và sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi có ưu thế, cho năng suất chất lượng cao, khả năng phòng chống dịch bệnh tốt; xây dựng các mô hình chăn nuôi tập trung, mô hình bảo quản chế biến sau thu hoạch, sản xuất hàng hóa theo hướng liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp sạch, hình thành các sản phẩm OCOP; xây dựng quy trình trồng và bảo tồn một số loại cây dược liệu, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản, hình thành những vùng sản xuất, nuôi thương phẩm một số loại thủy sản có giá trị cao. Ví dụ như, ứng dụng quy trình sản xuất thâm canh một số cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP (bưởi da xanh, dừa xiêm xanh, xoài Úc, xoài Cát Hòa Lộc, dưa lưới, quýt đường không hạt, cam xoàn...) tại Khánh Hòa; sản xuất hành tím theo tiêu chuẩn Vietgap tại Bình Sơn, Quảng Ngãi; nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nhận diện và cảnh báo một số loại sâu, bệnh hại lúa ở Bình Định…

Trong lĩnh vực công nghiệp, nhiều công nghệ mới và các tiến bộ kỹ thuật được triển khai, giúp nâng cao giá trị kinh tế của nông sản, hàng hóa. Có thể kể tới một số kết quả tiêu biểu như: nghiên cứu dây chuyền sản xuất đa dạng các sản phẩm từ ca cao đủ tiêu chuẩn xuất khẩu tại Đắk Lắk; rút ngắn thời gian sấy và tiết kiệm năng lượng trong sấy gỗ tại Lâm Đồng; thiết kế chế tạo hệ thống máy chế biến thịt bò một nắng, máy sấy trong sản xuất thuốc lá sợi vàng tại Gia Lai...

Trong lĩnh vực môi trường, tập trung vào điều tra cơ bản, cung cấp cơ sở dữ liệu về tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái làm luận cứ khoa học cho việc bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên; chú trọng thực hiện các nghiên cứu về quản lý tổng hợp tài nguyên nước, phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường sinh thái.

Các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia thực hiện tại các địa phương đã góp phần giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề mang tính cấp thiết liên vùng, liên ngành, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Các nhiệm vụ đều có hiệu quả ứng dụng cao, như dự án cải thiện tầm vóc giống trâu địa phương bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo với giống trâu Murash tại Quảng Ngãi; nghiên cứu quy trình chăn nuôi heo an toàn bằng thảo dược và chế phẩm sinh học trên đệm lót tại địa bàn tỉnh Bình Định...

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cùng các đại biểu tham quan sản phẩm trưng bày tại hội nghị.

Thông qua các sự kiện công nghệ như chợ công nghệ và thiết bị, sự kiện kết nối cung cầu công nghệ, ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… toàn vùng đã ghi nhận 16 hợp đồng chuyển giao công nghệ được ký kết với tổng giá trị hơn 500 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk khẳng định, KH,CN&ĐMST đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh; giai đoạn 2016-2020 tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5,88%/năm, năm 2022 con số này là 8,94%. Đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay, đưa Đắk Lắk trở thành một trong những tỉnh có mức tăng trưởng cao của cả nước. Minh chứng cho thấy hoạt động KH&CN ngày càng gắn bó với sản xuất và đời sống, nổi bật là việc tiếp thu, ứng dụng nhanh những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, góp phần không nhỏ trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong các ngành sản xuất chủ lực của tỉnh.

Tiếp tục phát huy tiềm năng của vùng

Phát biểu tại Hội nghị giao ban KH&CN vùng NTB&TN lần thứ XVI, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhận định, hoạt động KH,CN&ĐMST vùng NTB&TN đã từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều cơ chế, chính sách mới được ban hành đã tạo điều kiện thuận lợi phát triển KH,CN&ĐMST. Đặc biệt là thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp và các sản phẩm chủ lực của địa phương; hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ; thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư...

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội nghị.

Bên cạnh những thuận lợi, kết quả đạt được, hoạt động KH,CN&ĐMST vùng NTB&TN vẫn còn nhiều hạn chế, cần tiếp tục xây dựng và triển khai nhiều chính sách thiết thực, sát với thực tiễn của vùng hơn nữa để KH&CN thực sự đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về nhiệm vụ, giải pháp phát triển KH,CN&ĐMST giai đoạn 2023-2025 và định hướng những năm tiếp theo, đồng thời chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai hoạt động KH,CN&ĐMST ở địa phương. Theo các đại biểu, để phát triển KH&CN của vùng, trong thời gian tới cần tiếp tục bám sát quan điểm và triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, nội hàm về phát triển KH,CN&ĐMST đã được nêu tại Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị nêu trên. Tổ chức triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030 gắn với đặc điểm, lợi thế phát triển KH&CN của vùng và từng địa phương.

Theo đó, các địa phương trong vùng cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản để triển khai hiệu quả các quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển KH,CN&ĐMST; xây dựng các nhiệm vụ cụ thể, có trọng tâm trọng điểm về KH,CN&ĐMST, khẳng định rõ nét vai trò của KH,CN&ĐMST trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của từng địa phương trong vùng.

Bên cạnh đó, cần có giải pháp huy động hiệu quả các nguồn lực và nâng cao tiềm lực KH&CN để các địa phương cân đối bảo đảm chi tối thiểu đạt 2% tổng chi ngân sách địa phương cho KH&CN, đặc biệt là chi triển khai các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh/thành phố, các nhiệm vụ cấp thiết phát sinh, các sản phẩm chủ lực của địa phương; tăng cường huy động kinh phí ngoài ngân sách nhà nước, đối ứng của doanh nghiệp trong triển khai các nhiệm vụ KH&CN. Đồng thời, chú trọng đầu tư, nâng cao tiềm lực cho các đơn vị sự nghiệp KH&CN công lập tại địa phương; đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực KH&CN. Đầu tư, phát triển một số trung tâm khởi nghiệp ĐMST, các tổ chức nghiên cứu, trường đại học trong vùng; hỗ trợ và đẩy mạnh hoạt động KH,CN&ĐMST tại Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Tây Nguyên và một số trường đại học, viện nghiên cứu trong vùng để phát triển thành những trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học phát triển công nghệ mạnh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng và cả nước. Tiếp tục nâng cấp hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu KH&CN có khả năng chia sẻ, kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN để phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý và nghiên cứu khoa học trên địa bàn. Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý về tiêu chuẩn đo lường chất lượng; sở hữu trí tuệ; an toàn bức xạ và hạt nhân; thông tin, thống kê KH&CN. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường KH&CN, trong đó tập trung hình thành các tổ chức dịch vụ, tư vấn, môi giới, xúc tiến chuyển giao, thương mại hóa công nghệ; kết nối và phát huy hiệu quả các sàn giao dịch công nghệ của vùng với các sàn giao dịch trong nước và quốc tế…

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt khẳng định, đối với những kiến nghị, đề xuất của địa phương, Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng chủ động nghiên cứu, tiếp tục trao đổi, hướng dẫn địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, lắng nghe ý kiến của địa phương để xem xét, quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ. Bộ trưởng ghi nhận, đánh giá cao những kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN của vùng trong thời gian qua, tuy nhiên các địa phương cần có sự chủ động phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các đơn vị chức năng trong Bộ để hoàn thành tốt các kế hoạch, nhiệm vụ của ngành.

Mai Văn Thủy

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)