Thứ tư, 06/12/2023 14:54

Xác lập tài sản trí tuệ mang yếu tố địa danh ở tỉnh Quảng Ngãi: Thực trạng và giải pháp

PGS.TS Đoàn Đức Lương

Trường Đại học Luật, Đại học Huế

Xác lập tài sản trí tuệ (TSTT) mang yếu tố địa danh góp phần đưa hoạt động sở hữu trí tuệ (SHTT) lan rộng, tạo một hướng đi phù hợp cho địa phương và các cơ quan chuyên môn trong việc triển khai các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, doanh nghiệp tạo dựng và phát triển TSTT gắn với hoạt động du lịch, khai thác các tiềm năng về kinh tế trong quá trình khai thác, quản lý và phát huy các TSTT ở địa phương. Đây được coi là một trong những giải pháp mà Quảng Ngãi đặt ra để đẩy nhanh việc ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 

Thực trạng xác lập TSTT mang yếu tố địa danh ở tỉnh Quảng Ngãi

Quảng Ngãi là một trong những tỉnh chú trọng đến bảo hộ quyền SHTT đối với những sản phẩm mang yếu tố địa danh ở địa phương. Trong giai đoạn 2016 đến tháng 4/2022, tỉnh đã có nhiều văn bản triển khai, hỗ trợ xây dựng hồ sơ, kinh phí để đăng ký bảo hộ những sản phẩm đặc thù hoặc truyền thống của địa phương dưới các hình thức: Chỉ dẫn địa lý (CDĐL), nhãn hiệu tập thể (NHTT) và nhãn hiệu chứng nhận (NHCN). Theo thông tin từ Cục SHTT, trong giai đoạn 2016 đến tháng 04/2022, có 2 chỉ dẫn địa lý và 67 NHCN, NHTT được bảo hộ.

Hình 1. Phân loại TSTT theo CDĐL, NHCN, NHTT.

Đối với chỉ dẫn địa lý đã có 2 sản phẩm được bảo hộ là tỏi Lý Sơn (UBND huyện Lý Sơn làm chủ sở hữu) và Quế Trà Bồng (UBND huyện Trà Bồng làm chủ sở hữu). 2 chỉ dẫn địa lý này là sản phẩm chủ lực của địa phương đã được bảo hộ NHTT trước đây (nay đã hủy) đó là tỏi Lý Sơn do Hiệp hội tỏi Lý Sơn làm chủ sở hữu và quế Trà Bồng do Hội nông dân huyện làm chủ sở hữu. Đối với NHCN: có 19 NHCN, tất cả các NHCN này đều mang tên địa danh cấp huyện (17 nhãn hiệu) và cấp xã (2 nhãn hiệu) thuộc tỉnh Quảng Ngãi được bảo hộ phân bổ ở các huyện, thành phố như sau: huyện Nghĩa Hành (4), huyện Trà Bồng (3), huyện Ba Tơ (3), các huyện Lý Sơn, Minh Long, Sơn Tây, Mộ Đức, và thành phố Quảng Ngãi đều có số lượng là 1, huyện Sơn Hà (4). Đáng chú ý, số lượng NHCN tại các huyện miền núi như Nghĩa Hành, Sơn Hà, Ba Tơ và Trà Bồng đã được xác lập nhiều hơn các huyện vùng đồng bằng, trung du. Có thể thấy, địa hình, thổ nhưỡng điều kiện tự nhiên và con người ở các vùng này đã tạo ra những sản phẩm đặc biệt, có tính chất đặc trưng làm nên các sản phẩm mang NHCN.

Hình 2. Số lượng NHCN của các huyện tại tỉnh Quảng Ngãi.

Đối với NHTT có 48 nhãn hiệu, các sản phẩm chủ yếu là nhóm 29, 30, 31. Trong đó, có 38 NHTT có chứa dấu hiệu chỉ địa danh. Theo xếp loại nhãn hiệu Chủ sở hữu NHTT là Hội nông dân 9/50 (19%), Hội liên hiệp phụ nữ 2/50 (4%), hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hoặc chuyên canh 37/50 (chiếm 77%). Ngoài ra, còn hàng chục nhãn hiệu đã được nhận đơn hợp lệ và đang chờ xem xét cấp văn bằng bảo hộ. Có thể khẳng định rằng, việc bảo hộ quyền SHTT cho những sản phẩm chủ lực mang yếu tố địa danh ở địa phương là kết quả triển khai các Quyết định của Chính phủ, chủ trương đúng đắn của tỉnh, sự vào cuộc của Sở KH&CN, các sở/ban/ngành có liên quan, UBND các cấp và những mô hình kinh tế trong tỉnh. Khai thác phát huy hết tiềm năng của những sản phẩm được bảo hộ là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh, nâng cao sinh kế cho người dân.

Hình 3. Phân loại NHTT theo chủ sở hữu.

Theo kết quả phân loại NHTT dựa trên tiêu chí chủ sở hữu nhãn hiệu, có thể thấy, phần lớn các nhãn hiệu đều do HTX chuyên canh là chủ sở hữu, đây là kết quả của quá trình lao động sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã chuyên canh gắn liền với các sản phẩm nông nghiệp là chủ yếu.

Đối với các huyện, có thể thấy huyện Bình Sơn và Sơn Tịnh là 2 huyện có nhiều sản phẩm được đăng ký NHTT. Đây là hai huyện đồng bằng có dân số đông chủ yếu làm nông nghiệp và đánh bắt, chế biến hải sản, đồng thời cũng là hai huyện có sự đa dạng về các sản phẩm nông nghiệp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong xác lập quyền SHTT:

Thứ nhất, không thể xác lập hồ sơ bảo hộ nhãn hiệu do nguyên tắc nộp đơn đầu tiên. Từ thực tế các địa phương cho phép doanh nghiệp sử dụng tên địa danh để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thông thường. Sau khi được bảo hộ, doanh nghiệp có thể không khai thác hoặc có những doanh nghiệp bị phá sản nhưng nhãn hiệu thông thường vẫn còn thời hạn bảo hộ hoặc hết hiệu lực bảo hộ chưa quá 5 năm. Khi các chủ thể khác đăng ký bảo hộ NHCN, NHTT mang tên địa danh đó thì bị từ chối bảo hộ vì gây nhầm lẫn. Nhu cầu về bảo bộ nhãn hiệu mang tên địa danh đó (cùng nhóm) rất cần thiết để phục vụ cộng đồng và phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Vấn đề này Luật SHTT 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009 và 2019, 2022) chưa có những quy định cụ thể. Trên thực tế, một số địa phương khi thực hiện lập hồ sơ đăng ký bảo hộ NHCN hoặc NHTT đã tiến hành tra cứu thông tin trên hệ thống thư viện số về sở hữu công nghiệp cho thấy nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ nên không thể thực hiện đăng ký bảo hộ đối với những sản phẩm, dịch vụ đó. Qua nghiên cứu một số trường hợp ở tỉnh Quảng Ngãi như khảo sát lập hồ sơ đăng ký NHCN “Du lịch Lý Sơn” và tham vấn các chuyên gia cho thấy sự trùng lặp vì vậy không thể thực hiện được. Tương tự địa danh Sa Huỳnh đã được Công ty Cổ phần du lịch Sa Huỳnh đăng ký nhãn hiệu “SA HUYNH TRAVEL JOINT-STOCK COMPANY S H Travel A H, hình” cho nhóm dịch vụ 39: “Dịch vụ hướng dẫn khách du lịch; vận chuyển hành khách; cho thuê xe; sắp xếp các chuyến du lịch; giữ chỗ cho các chuyến đi; đặt chỗ cho các chuyến đi”. Vì vậy, các chủ thể khác không thể đăng ký NHCN “Du lịch Sa Huỳnh”. Từ đó dẫn tới trường hợp Phòng Kinh tế hạ tầng của 2 huyện không thể đăng ký “Nhãn hiệu du lịch” mang tên Lý Sơn và Sa Huỳnh.

Thứ hai, thiếu chủ thể đứng đơn là HTX. Trên thực tế, có nhiều NHTT, NHCN đã được bảo hộ nhưng chưa được khai thác do các chủ đơn này là Hội nông dân, Hội phụ nữ... Sau khi nhãn hiệu được bảo hộ, các chủ đơn loay hoay tìm cách khai thác, giao cho các đơn vị, cá nhân khác khai thác. Nhiều địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng có thể đăng ký NHTT, NHCN mang tên địa danh nhưng chưa tìm được các chủ đơn có khả năng khai thác hiệu quả, cụ thể là thiếu các hợp tác xã chuyên canh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, hội/hiệp hội còn e ngại trong việc đăng ký xác lập do không tìm được đơn vị quản lý sau khai thác. Ngoài ra, một số HTX đã đăng ký một số sản phẩm đặc sản của địa phương dưới dạng NHTT nhưng lại không có yếu tố địa danh (ví dụ: chanh thơm Xuân Quỳnh của HTX nông nghiệp và dịch vụ Xuân Quỳnh, heo thảo dược Hợp An của HTX dịch vụ Nông lâm thủy sản Trường An, măng tây thỏ đế Cường của HTX chăn nuôi thỏ Quảng Ngãi…).

Thứ ba, chưa có chiến lược và quy hoạch xác lập TSTT mang yếu tố địa danh đến năm 2030 để có cái nhìn tổng thể và triển khai đồng bộ xác lập quyền mang lại hiệu quả.

Một số giải pháp

Từ những thực trạng, khó khăn nêu trên, xin đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, thống kê, đánh giá và quy hoạch các TSTT mang yếu tố địa danh có tiềm năng chưa được xác lập nhãn hiệu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi để có những giải pháp kịp thời, cụ thể hỗ trợ các địa phương trong việc xây dựng hồ sơ xác lập NHTT, NHCN nói chung và gắn với du lịch nói riêng.

Thứ hai, hỗ trợ mô hình xác lập NHTT “con” trong NHTT: gắn tên hộ gia đình, cá nhân để cá thể hóa NHTT, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh. Khi xây dựng hồ sơ đăng ký NHTT đối với TSTT mang yếu tố địa danh chia làm 2 loại: Thành viên sử dụng NHTT chung và thành viên sử dụng NHTT có gắn tên cá nhân hoặc hộ đình vào nhãn hiệu. Quy chế sử dụng NHTT cũng bao hàm nội dung này để làm căn cứ pháp lý thực hiện.

Thứ ba, có quy định sử dụng nhãn hiệu mang yếu tố địa danh “chung” để phục vụ cộng đồng. Trong giai đoạn nhất định yếu tố địa danh chưa được quan tâm đúng mức nên được giao cho các doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thông thường mang yếu tố địa danh. Sau khi được bảo hộ việc khai thác không hiệu quả, theo cách “đặt chỗ trước” nên các chủ thể sau không thể đăng ký bảo hộ được do nhầm lẫn, ví dụ trường hợp địa danh “Lý Sơn”. Những trường hợp này, cần có giải pháp “đồng thuận” sử dụng chung tên địa danh để đăng ký bảo hộ phục vụ cộng đồng và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)