Thứ năm, 21/12/2023 15:53

Tạo động lực chung tay hành động giảm ô nhiễm nhựa

Chương trình Đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP) Việt Nam có mục tiêu hỗ trợ việc xây dựng và triển khai thực hiện nền kinh tế tuần hoàn nhằm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa và ủng hộ triển khai các đề án, chiến lược, kế hoạch hành động về quản lý chất thải nhựa và rác thải nhựa đại dương, cũng như xây dựng kinh tế tuần hoàn được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020. NPAP Việt Nam đã đóng vai trò kết nối các chủ thể, sáng kiến, và nguồn đầu tư, giúp huy động nguồn lực, sự ủng hộ của các bộ, ngành, tổ chức… và đạt được một số kết quả tích cực trong năm 2023.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng đại diện các đối tác tại Lễ khởi động NPAP và Dự án giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam, ngày 23/12/2020 (ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Dưới sự định hướng của Bộ Tài nguyên và Môi trường và sự điều phối và hỗ trợ kỹ thuật của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, NPAP đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận trong việc xây dựng và mở rộng mạng lưới các bên tham gia với gần 200 tổ chức, doanh nghiệp kết nối trong một nền tảng đa chủ thể cùng chia sẻ tri thức, kinh nghiệm và quan điểm về các vấn đề cùng quan tâm liên quan đến đàm phán thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, đổi mới sáng tạo để giảm ô nhiễm nhựa, huy động tài chính và đầu tư vào các giải pháp xử lý rác thải và ô nhiễm nhựa, các giải pháp góp phần thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Nhóm công tác NPAP đã họp vào tháng 04/2023 và thông qua kế hoạch hoạt động của NPAP trong năm 2023 bao gồm việc thành lập Nhóm kỹ thuật về đổi mới sáng tạo và tài chính.

Cung cấp nguồn dữ liệu hữu ích

Các báo cáo của NPAP cung cấp nguồn dữ liệu hữu ích, giúp các cơ quan hoạch định chính sách có nguồn dữ liệu tham khảo để xây dựng, điều chỉnh các chính sách quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam, hướng đến nền kinh tế tuần hoàn về nhựa.

“Báo cáo Nghiên cứu, đánh giá tình hình phát sinh, quản lý rác thải nhựa và đề xuất giải pháp, lộ trình giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam” được xuất bản cuối năm 2022, đầu năm 2023 đã đề xuất 03 mô hình can thiệp giúp thực hiện mục tiêu quốc gia, bao gồm giảm thiểu và thay thế nhựa; nhân rộng năng lực tái chế khả thi mang lại hiệu quả kinh tế; mở rộng hệ thống thu gom, xử lý rác thải rắn sinh hoạt và ngăn ngừa xả thải bừa bãi. “Báo cáo đánh giá hiện trạng về giới trong chuỗi giá trị nhựa tại Việt Nam” được giới thiệu chính thức vào tháng 08/2023, cung cấp tổng quan và đánh giá toàn diện về vai trò của các nhóm giới khác nhau trong hệ thống quản lý rác thải nhựa trong nước, đặc biệt là sự đóng góp của khối lao động phi chính thức trong thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa. Đặc biệt, báo cáo được thực hiện để làm rõ các khoảng trống và vấn đề về bình đẳng giới và phát triển bao trùm trong chuỗi giá trị nhựa, góp phần xây dựng các giải pháp chính sách bao trùm xã hội và đáp ứng giới tốt hơn trong việc thiết kế và thực hiện các giải pháp giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam.

Huy động hỗ trợ kỹ thuật từ các thành viên và đối tác

NPAP đã huy động hỗ trợ kỹ thuật từ các thành viên và đối tác của NPAP, gồm Liên minh chấm dứt rác thải nhựa (AEPW), Tổ chức GreenHub, Tập đoàn An Phát, Tập đoàn Dow Việt Nam, Cục Biển và Hải đảo (VASI), Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (PCD) trong suốt quá trình diễn ra Chương trình Vườn ươm và tăng tốc của mạng lưới đổi mới sáng tạo giảm thiểu nhựa khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPPIN) của CSIRO. Tập đoàn An Phát và Công ty Grac cũng được kết nối cho sự kiện Đối thoại Tech Fest năm 2023 với chủ đề “Khai phóng tiềm năng phát triển doanh nghiệp bền vững”. BUYO Bioplastics - một thành viên mới thuộc mạng lưới NPAP đã trở thành Quán quân cuộc thi Tìm kiếm Tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023. Đây là doanh nghiệp cung cấp nhựa sinh học 100% nguồn gốc tự nhiên và phân hủy sinh học đi từ chất thải hữu cơ, với công nghệ do BUYO độc quyền sáng chế.

Trong năm 2023, NPAP đã bảo trợ và hỗ trợ 03 cuộc thi trong nước và khu vực liên quan đến đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực giảm rác thải nhựa, cụ thể: (1) Cuộc thi xây dựng đề xuất chính sách ở 03 lĩnh vực rác thải điện tử, hóa chất và vi nhựa trong khuôn khổ Hội nghị thanh niên quản lý rác thải nguy hại trong hộ gia đình (AYCHW) với sự tham gia của các đội từ 09 quốc gia ASEAN; (2) Cuộc thi Sinh viên kinh doanh số với nội dung: Thương mại điện tử xanh, giảm nhanh rác thải nhựa thu hút sự tham gia của 84 đội thi là sinh viên từ 39 trường đại học trong cả nước với các ý tưởng kinh doanh góp phần làm giảm tác động của thương mại điện tử đối với môi trường, đặc biệt là giảm rác thải nhựa từ việc đóng gói hàng hóa vận chuyển qua kênh thương mại điện tử; (3) Chương trình Vườn ươm và tăng tốc của của Mạng lưới kết nối đổi mới sáng tạo giảm thiểu nhựa khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPPIN) với 07 đội đến từ nhiều quốc gia được lựa chọn tham gia vòng tăng tốc và tham gia ngày hội kết nối đầu tư Demo Day tại TP Hồ Chí Minh ngày 27/10/2023. Chương trình IPPIN được thực hiện tại 03 quốc gia Việt Nam, Indonesia và Thái Lan với sự tham gia hỗ trợ của NPAP, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chính phủ Úc thông qua tổ chức CSIRO.

Tăng cường chia sẻ kinh nghiệm

Đại diện NPAP đã tham gia và chia sẻ tại hội nghị chuyên đề chấm dứt rác thải nhựa của CSIRO tại Sydney, Australia để chia sẻ mô hình NPAP như một sáng kiến quốc tế, biến các cam kết từ lãnh đạo cấp cao thành hành động cụ thể giảm ô nhiễm nhựa (23-24/05/2023). Hội nghị đã thu hút gần hàng trăm đại biểu bao gồm các nhà khoa học, chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ từ nhiều lĩnh vực để cùng nhau chia sẻ và thảo luận các giải pháp ứng phó với rác thải nhựa và biến rác thải nhựa thành tài nguyên.

Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài Nguyên và Môi trường - đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường và đại diện NPAP Việt Nam tham gia Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về nhựa tại Bangkok, Thái Lan và làm diễn giả chia sẻ về kế hoạch hành động quốc gia của Việt Nam để chuẩn bị cho việc thực hiện Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa dự kiến kết thúc đàm phán và ký kết vào cuối 2024. Sự kiện thu hút sự tham gia của gần 500 lãnh đạo, đại diện cấp cao, chuyên gia và nhà khoa học từ hơn 100 quốc gia tham dự và thảo luận về các chủ đề liên quan đến thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa. Cũng tại Bangkok, dưới sự điều phối của GPAP, NPAP Việt Nam và NPAP Indonesia đã chia sẻ các thách thức và kinh nghiệm vận hành mô hình NPAP hiệu quả với sự hỗ trợ và điều hướng từ cơ quan chính phủ và đảm bảo sự tham gia của đa chủ thể trong các hoạt động của NPAP.

VVH

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)