Thứ bảy, 17/05/2025 17:32

Một số nội dung đổi mới quan trọng của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa gồm 6 Chương và 66 Điều, trong đó đã sửa đổi 32 Điều, bổ sung 3 Điều, bãi bỏ 9 Điều và 3 khoản của Luật hiện hành. Dưới đây là một số nội dung đổi mới quan trọng của Dự thảo Luật.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu giải trình về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Thứ nhất, chuyển từ chia nhóm sản phẩm hàng hoá (sản phẩm) một cách khá hành chính (nhóm 1, nhóm 2) sang phân loại sản phẩm theo ba mức độ rủi ro để quản lý khác nhau, theo hướng là ít tiền kiểm và tăng cường giám sát, hậu kiểm (chuyển thứ tự ưu tiên quản lý từ tiền kiểm - hậu kiểm - giám sát sang giám sát - hậu kiểm - tiền kiểm. Với sản phẩm rủi ro cao thì phải công bố hợp quy với sự đánh giá của bên thứ ba (tức là có tiền kiểm, đa số các quốc gia đều làm vậy với khoảng 5-10% số sản phẩm có quy chuẩn, còn so với tất cả sản phẩm thì chỉ còn rất ít, chiếm 1-2%), sản phẩm rủi ro trung bình thì doanh nghiệp tự công bố hợp quy và chịu trách nhiệm, với sản phẩm rủi ro thấp thì doanh nghiệp công bố tính năng, tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng nếu có. Dù có tiền kiểm hay hậu kiểm thì giám sát, hậu kiểm thường xuyên vẫn là biện pháp căn cơ, lâu dài. Tần suất hậu kiểm sẽ phụ thuộc vào mức độ rủi ro của sản phẩm và uy tín của doanh nghiệp, doanh nghiệp có uy tín, ít vi phạm thì tần suất hậu kiểm thấp. Chứng nhận sự phù hợp của bên thứ ba phục vụ công bố hợp quy thì làm một lần, dùng chung cho các thủ tục hành chính nếu có (không trùng lặp thủ tục giữa đăng ký lưu hành và chứng nhận hợp quy, cũng như các luật chuyên ngành phải tuân theo các nguyên tắc quản lý chất lượng sản phẩm của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá), và chỉ phải làm lại khi có sự thay đổi đầu vào, quy trình, dây chuyền sản xuất.

Hàng hoá nhập khẩu thay vì phải dán nhãn phụ, dấu công bố hợp quy vật lý lên trực tiếp sản phẩm như trước đây thì nay sẽ áp dụng nhãn điện tử trên bao bì sản phẩm hoặc tài liệu kèm theo sản phẩm. Đối với các sản phẩm nhập khẩu có mức độ rủi ro trung bình (mà cùng loại, cùng tên, nhãn hàng hóa, cơ sở sản xuất và chất liệu bao bì), Dự thảo Luật có quy định giảm nhẹ thủ tục đánh giá sự phù hợp và tự công bố hợp quy đối với những lần nhập khẩu tiếp theo. Đây là những thay đổi có tính chiến lược, chuyển từ tiền kiểm là chính sang giám sát, hậu kiểm, quản trị rủi ro, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp nhưng vẫn bảo vệ được người tiêu dùng, phù hợp với thông lệ quốc tế. Có nghĩa là phải cân bằng ba nhà: Nhà nước - Doanh nghiệp - Người tiêu dùng. Thông thoáng hơn cho doanh nghiệp nhưng phải bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn, Nhà nước đảm bảo được sự phát triển có trật tự, tăng cường được sự tham gia giám sát của các tổ chức xã hội.

Thứ hai, chuyển đổi số toàn diện công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá, đây là giải pháp có tính đột phá, giúp cho việc tăng cường giám sát, hậu kiểm được khả thi. Xây dựng một nền tảng số quốc gia duy nhất về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nền tảng số này do Nhà nước đầu tư, là môi trường quản lý chính thức, đồng thời là môi trường tác nghiệp của các chủ thể. Dự thảo Luật quy định việc thiết lập một nền tảng thông tin dữ liệu quốc gia về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, kết nối với hệ thống giám sát chất lượng quốc gia, quy định rõ trách nhiệm cập nhật, khai thác và bảo vệ dữ liệu của doanh nghiệp, cơ quan quản lý và đơn vị vận hành. Việc đánh giá, công bố mức độ rủi ro của sản phẩm phải bắt buộc thực hiện trên nền tảng số duy nhất này, nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, dễ cho việc giám sát tập trung của quản lý nhà nước bằng AI, dễ cho người dân giám sát. Trước đây là phân tán ở các bộ ngành nên rất khó theo dõi, giám sát. Dùng công nghệ để quản lý và dùng nhiều công nghệ hơn nữa để quản lý. Nền tảng số quốc gia là Nhà nước đầu tư, doanh nghiệp chỉ kết nối, không tốn kém, nên sẽ là bắt buộc lên môi trường số. Mô hình này tăng hiệu lực quản lý và phù hợp xu thế toàn cầu. Doanh nghiệp chủ động công bố sản phẩm trên nền tảng số, cung cấp đầy đủ hồ sơ và thông tin về chất lượng, an toàn sản phẩm, chịu trách nhiệm về nội dung công bố và hợp tác với cơ quan quản lý trong giám sát và kiểm tra sau công bố.

Thứ ba, phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI). Lần đầu tiên khái niệm hạ tầng chất lượng quốc gia được đề cập, nó như một hệ sinh thái bao gồm: tiêu chuẩn, quy chuẩn, đo lường, thử nghiệm, chứng nhận và công nhận. Đây là nền tảng thiết yếu để đảm bảo chất lượng hàng hoá, thúc đẩy thương mại quốc tế, hội nhập quốc tế, tăng năng suất và đổi mới sáng tạo, đảm bảo an toàn cho người dân và môi trường, nâng cao năng lực quản lý nhà nước. Đây là một bước tiến lớn về quản lý chất lượng. Coi quản lý chất lượng là hạ tầng quốc gia, giống như hạ tầng giao thông, điện nước và Nhà nước phải đầu tư xây dựng và vận hành. Nhà nước có trách nhiệm đầu tư xây dựng và vận hành hạ tầng chất lượng quốc gia làm nền tảng cho doanh nghiệp, tổ chức chủ động tham gia, khai thác và nâng cao chất lượng sản phẩm. Ưu tiên bố trí ngân sách, huy động nguồn lực xây dựng hệ thống giám sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa quốc gia, kết nối dữ liệu hải quan, kiểm tra chất lượng, truy xuất nguồn gốc, phản ánh từ người tiêu dùng và cảnh báo quốc tế, nhằm bảo đảm năng lực theo dõi, cảnh báo sớm và ngăn chặn kịp thời hàng hóa không đạt chất lượng.

Thứ tư, quản lý chất lượng sản phẩm hàng hoá trên môi trường mạng. Càng ngày sẽ càng nhiều hàng hoá trên môi trường mạng, năm 2024, thương mại điện tử chiếm 20% tổng bán lẻ toàn cầu và đang tiếp tục tăng cao, sẽ nhanh chóng chiếm 30%. Dự thảo Luật đã quy định trách nhiệm của sàn thương mại điện tử. Các nền tảng số có doanh thu và lợi nhuận lớn, nhưng lại luôn tìm mọi cách để lẩn tránh trách nhiệm, mặc dù họ là người có đầy đủ công cụ, đầy đủ dữ liệu trong tay để quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá, không ai có đủ năng lực làm tốt hơn họ việc này. Dự thảo Luật đã bổ sung các quy định làm rõ trách nhiệm của người bán và sàn thương mại điện tử trong việc tuân thủ bảo đảm chất lượng hàng hóa. Người bán phải công khai trung thực thông tin về sản phẩm, về tiêu chuẩn, quy chuẩn, truy xuất nguồn gốc, chịu trách nhiệm pháp lý và bồi thường nếu sản phẩm có lỗi. Sàn thương mại điện tử phải xác minh người bán, yêu cầu cung cấp thông tin đầy đủ, giám sát bằng công nghệ, phát hiện và gỡ bỏ sản phẩm vi phạm trong 24 giờ, đồng thời chịu trách nhiệm liên đới nếu để vi phạm kéo dài. Dự thảo Luật cũng khuyến khích ứng dụng công nghệ số như AI, Blockchain, dữ liệu lớn để giám sát, cảnh báo và truy xuất nguồn gốc. Trong bối cảnh các nền tảng số nắm giữ dữ liệu và công cụ mạnh nhất, việc ràng buộc trách nhiệm pháp lý rõ ràng là cần thiết và hợp lý.

Thứ năm, tăng chế tài xử lý vi phạm mang tính răn đe. Trước đây, chỉ phạt hành chính, nay bổ sung thêm xử lý hình sự, thu hồi giấy phép kinh doanh, công bố công khai các vi phạm của doanh nghiệp trên nền tảng số quốc gia. Đối với hoạt động tự công bố hợp quy hoặc tự công bố tiêu chuẩn áp dụng thì khi phát hiện gian dối sẽ áp dụng hình thức xử phạt cao hơn, thậm chí tước quyền tự công bố. Có nghĩa là hậu kiểm đi kèm với trách nhiệm của doanh nghiệp phải cao hơn. Dự thảo Luật bổ sung quyền khởi kiện tập thể cho tổ chức xã hội khi sản phẩm kém chất lượng gây thiệt hại diện rộng, tạo áp lực pháp lý mạnh hơn với hành vi vi phạm. Cơ quan giải quyết tranh chấp phải chuyển thông tin vi phạm đến cơ quan quản lý để kịp thời kiểm tra, xử lý và cảnh báo rủi ro. Đồng thời, Dự thảo Luật quy định rõ thời hiệu khởi kiện và trách nhiệm bồi thường thiệt hại của nhà sản xuất, nhập khẩu, người bán theo thỏa thuận hoặc phán quyết của tòa án. Các quy định mới góp phần nâng cao trách nhiệm toàn chuỗi, siết chặt giám sát và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách thực chất.

Thứ sáu, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hoá, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu. Coi nâng cao chất lượng là bảo vệ dân tộc, bảo vệ giống nòi, là xây dựng thương hiệu quốc gia, bởi vậy, nhà nước phải chung tay, phải có hỗ trợ nhà nước, như cung cấp thông tin,  tư vấn, đào tạo, ưu đãi thuế, hỗ trợ chi phí chứng nhận, truy xuất nguồn gốc... Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về hỗ trợ chi phí thử nghiệm, chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy và đánh giá sự phù hợp đối với sản phẩm thuộc các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận các thủ tục kỹ thuật với chi phí hợp lý. Nhà nước cũng sẽ tôn vinh, khen thưởng, có chính sách khích lệ các doanh nghiệp có uy tin về chất lượng sản phẩm, hàng hoá. Nhà nước khi giám sát phát hiện dấu hiệu không tuân thủ thì sẽ giúp doanh nghiệp thông qua nhắc nhở, tư vấn tuân thủ. Nhà nước Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam có lúc là hai và có lúc là một.

Đảm bảo sản phẩm, hàng hoá Việt Nam có chất lượng, không ngừng nâng cao chất lượng là bảo vệ giống nòi và nâng cao thương hiệu, do vậy nhà nước sẽ chung tay với doanh nghiệp. Việc nhà nước tăng đầu tư nền tảng số quốc gia, hạ tầng chất lượng quốc gia để giám sát, hậu kiểm thay cho tiền kiểm là sự chung tay giảm gánh nặng tuân thủ của doanh nghiệp. Vậy doanh nghiệp cũng sẽ chung tay bằng cách nâng cao tính tự chịu trách nhiệm và chấp nhận khi hậu kiểm mà phát hiện có sai phạm trong tự công bố thì hình thức xử phạt sẽ nặng hơn, và có thể bị tước quyền tự công bố. Đây là cách tiếp cận cân bằng. Cân bằng là sự phát triển bền vững.

CT

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)