Thứ tư, 10/01/2024 14:58

10 nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế năm 2024

Mới đây, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2024 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động y tế năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2024. Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu ngành y tế cần bám sát 10 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại Hội nghị.

“Việt Nam được đánh giá ngày càng cao trên bản đồ y tế thế giới”

Năm 2023, thế giới chứng kiến nhiều biến động khó lường, tác động đến kinh tế - xã hội trong nước và sự chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành y tế. Trong bối cảnh đó, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, sự ủng hộ của người dân, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ cán bộ, nhiều nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần tích cực vào hoàn thành các mục tiêu chung của đất nước.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ghi nhận và biểu dương những thành tựu của ngành y tế trong thời gian qua. Những thành tựu này đã góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của ngành y trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân nói riêng và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói chung. Đặc biệt gần đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá Việt Nam là hình mẫu tham khảo cho nhiều quốc gia về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, ngành y tế cũng đã tiếp cận, tiến đến làm chủ các tiến bộ y khoa, ứng dụng công nghệ cao, thực hiện các kỹ thuật khó như: ghép tạng, nội soi, phẫu thuật bằng robot…

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, trong năm 2023 Bộ Y tế đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, với nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, hiệu quả về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực được Chính phủ giao; triển khai nhiều giải pháp đồng bộ phát triển y tế cơ sở; tập trung cho công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, giảm bớt thủ tục hành chính; lắng nghe thực tiễn, hướng dẫn, hỗ trợ tháo gỡ dần các khó khăn, vướng mắc trong phòng, chống dịch bệnh, chế độ chính sách, giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, vắc-xin, cơ chế tài chính, bảo hiểm y tế…

Bằng sự đoàn kết và những nỗ lực không ngừng nghỉ, năm 2023, ngành y tế đã hoàn thành 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu được Quốc hội giao, trong đó, vượt chỉ tiêu được giao về số bác sỹ/vạn dân (12,5 bác sỹ), đạt chỉ tiêu về số giường bệnh/vạn dân (32 giường bệnh), đạt chỉ tiêu về tỷ lệ dân số tham gia BHYT (93,2%), cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực năm 2023 được Chính phủ giao (7/9 chỉ tiêu).

Trong công tác phòng, chống dịch bệnh, năm 2023 dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác tiếp tục được kiểm soát tốt, ngành y tế cùng chính quyền địa phương bảo đảm công tác tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh, không để xảy ra dịch chồng dịch; tập trung phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành (sốt xuất huyết, tay chân miệng…), các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi (đậu mùa khỉ…).

Tăng tốc, bứt phá hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm năm 2024

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng, cả nước phải tăng tốc và bứt phá, theo đó, ngành y tế cần bám sát và thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, trọng tâm là 10 nhiệm vụ:  

Thứ nhất, đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách y tế. Trong đó, tập trung xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi. Hoàn thiện trình Quốc hội Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi. Đổi mới cơ chế tài chính y tế; thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế. Hoàn thành xây dựng cơ chế tổ chức cung ứng, dự trữ, mua sắm đặc thù đối với các loại thuốc hiếm, thuốc điều trị bệnh hiếm…

Thứ hai, tập trung giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế. Đáp ứng đầy đủ, kịp thời vắc-xin, đảm bảo duy trì tỷ lệ tiêm đầy đủ các loại vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng đạt trên 90%.

Thứ ba, tập trung kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh. Tăng cường khả năng phân tích, dự báo và chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó hiệu quả các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra. Nâng cao năng lực điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích…

Thứ tư, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ở các tuyến. Đẩy mạnh triển khai đề án bệnh viện vệ tinh, bác sĩ gia đình, khám chữa bệnh từ xa, chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật. Mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số…

Thứ năm, kiện toàn, sắp xếp cơ cấu tổ chức của các đơn vị theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Khẩn trương hoàn thành và triển khai quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó cần tập trung rà soát, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập trong ngành y tế theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực và tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới.

Thứ sáu, đầu tư, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng. Quyết liệt triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 99/2023/QH15 của Quốc hội và Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng để nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở. Nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng các nguồn lực đầu tư cho ngành Y tế, nhất là phương thức đối tác công - tư, đẩy mạnh tự chủ tại các cơ sở y tế công lập và phát triển y tế tư nhân.

Thứ bảy, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nghiên cứu, đề xuất chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp cho cán bộ y tế trong tổng thể cải cách chính sách tiền lương; chú trọng thu hút, trọng dụng nhân lực trình độ cao, chuyên môn giỏi, gắn bó lâu dài.

Thứ tám, đẩy mạnh thực hiện chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam, trong đó tập trung đầu tư phát triển sản xuất thuốc generic, bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý, từng bước thay thế thuốc nhập khẩu. Phát huy thế mạnh, tiềm năng sản xuất vắc-xin và thuốc từ dược liệu.

Thứ chín, nghiên cứu, xây dựng khung chính sách tổng thể về dân số, góp phần kéo dài và tận dụng cơ hội thời kỳ dân số vàng.

Thứ mười, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm. Đồng thời, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, nhất là truyền thông chính sách nhằm tạo đồng thuận xã hội.

Đứng trước yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho năm 2024 cũng như những năm tới đối với ngành y tế là rất nặng nề, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá những kết quả đạt được trong các lĩnh vực của ngành y tế năm 2023; các tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm rút ra để có những giải pháp thiết thực, cụ thể cho năm 2024 và những năm tiếp theo.

Với tinh thần “đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết” và niềm tin, khát vọng phát triển, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị và tin tưởng rằng ngành y tế sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và kết quả đạt được, vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng, nhân dân khỏe mạnh, ấm no, hạnh phúc.

BL

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)