Thứ sáu, 23/02/2024 10:07

Quảng Ngãi: Đánh giá nguồn lợi sinh vật biển ở vùng biển huyện Lý Sơn

Với việc thực hiện thành công đề tài độc lập cấp nhà nước “Nghiên cứu, đánh giá nguồn lợi sinh vật biển và xây dựng giải pháp khai thác hợp lý, phát triển bền vững vùng biển huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) và lân cận”, TS Võ Văn Quang và các cộng sự thuộc Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam đã thống kê, đánh giá được đa dạng sinh học vùng biển Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi gồm có 1.771 loài sinh vật với nhiều nhóm sinh vật trong hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển và vùng lân cận; đồng thời đề xuất mô hình thí điểm khai thác và phát triển bền vững tài nguyên sinh vật, góp phần nâng cao đời sống người dân trên đảo.

Lý Sơn là huyện đảo duy nhất của Quảng Ngãi, nằm về phía Đông Bắc, cách đất liền 15 hải lý (tính từ cảng Sa Kỳ ra). Toàn huyện có 02 đảo: Đảo Lớn (còn gọi là Cù Lao Ré) và Đảo Bé (Cù Lao Bờ Bãi) gồm 03 xã: An Vĩnh, An Hải và An Bình (Đảo Bé). Diện tích tự nhiên gần 10 km2, dân số trên 21.000 nguời với khoảng 60% hộ dân sống bằng nghề biển, 30% hộ dân sống bằng nghề nông (chủ yếu là trồng hành, tỏi, ngô) và 10% hộ dân sống bằng các ngành nghề khác.

Lý Sơn nằm trên con đường biển từ Bắc vào Nam và nằm ngay cửa ngõ của Khu Kinh tế Dung Quất cũng như của cả khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung. Vị thế này của Lý Sơn đã đưa huyện đảo trở thành đơn vị hành chính “tiền tiêu” của đất nước, có vai trò đảm bảo an ninh chủ quyền quốc gia trên biển. Do được bao bọc xung quanh là biển nên Lý Sơn là huyện có điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều so với các huyện khác của tỉnh trong lĩnh vực khai thác sử dụng nguồn tài nguyên biển.

Nhằm cung cấp các cơ sở khoa học về hiện trạng đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản vùng biển huyện Lý Sơn và lân cận; đánh giá hiện trạng sử dụng nguồn lợi sinh vật biển làm cơ sở cho việc bảo tồn và phát triển bền vững vùng biển huyện Lý Sơn; đề xuất giải pháp và xây dựng mô hình khai thác hợp lý và phát triển bền vững tài nguyên sinh vật tại vùng biển huyện Lý Sơn… các nhà khoa học thuộc Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã đề xuất và được Bộ KH&CN phê duyệt thực hiện đề tài “Nghiên cứu, đánh giá nguồn lợi sinh vật biển và xây dựng giải pháp khai thác hợp lý, phát triển bền vững vùng biển huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) và lân cận”, mã số ĐTĐLCN.19/20.

Sau 3 năm triển khai (2020-2023), đề tài đã thống kê, đánh giá được đa dạng sinh học vùng biển Lý Sơn là khá cao với 1.771 loài sinh vật thuộc nhiều nhóm sinh vật trong hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển. Sinh vật rạn san hô có 224 loài san hô, 232 loài cá rạn san hô, 74 loài thân mềm, 14 loài da gai... Thảm cỏ biển ở Lý Sơn có 7 loài cỏ biển, chủ yếu thuộc 02 họ là thủy thảo và cỏ kiệu, trong đó cỏ vích và cỏ kiệu tròn là 02 loài phổ biển nhất. Tuy nhiên, thảm cỏ biển tại khu vực này đang có xu hướng giảm diện tích và cấu trúc quần xã do tác động của các hoạt động khai thác thủy sản và cát.

Bên cạnh đó, đề tài đã thống kê được ở vùng biển Lý Sơn có tổng cộng 163 loài sinh vật biển quý và hiếm, bao gồm 02 loại thú biển, 01 loài rùa biển, 11 loài cá biển, 07 loài giáp xác, 01 loài mực, 01 loài chân bụng, 03 loài hai mảnh vỏ, 01 loài hải sâm, 130 loài san hô và 06 loài rong biển. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đã đánh giá được đa dạng thành phần loài thủy sản tầng đáy và lân cận gồm 317 loài thuộc 106 họ, chủ yếu là cá xương, giáp xác và chân đầu với trữ lượng ước tính khoảng 33.500 tấn, trong đó hải sản cá nổi là 32.200 tấn, cá tầng đáy là 1.100 tấn và vùng ven khoảng 200 tấn, khả năng khai thác khoảng 18.000 tấn.

Đặc biệt, đề tài đã triển khai mô hình thí điểm về khai thác và phát triển bền vững tài nguyên sinh vật vùng biển Lý Sơn với 02 mô hình: 1) Mô hình khai thác, nuôi trồng và quản lý bền vững rong biển vùng biển Lý Sơn được tiến hành trên diện tích 1,6 ha, với 03 loài rong câu chân vịt, rong cơm cháy và rong nho. Kết quả cho thấy, mô hình có khả năng sinh trưởng và phát triển quanh năm, đạt tỷ lệ sống cao khi trồng trên nền đáy và trồng treo (mô hình đã cho thu hoạch với sản lượng gần 200 kg và đang được nhân rộng trên địa bàn huyện). 2) Mô hình thí điểm phục hồi các loài quý hiếm trên diện tích 2 ha, với 05 loài bao gồm: ốc đụn cái Trochus niloticus, trai tai tượng vảy Tridacna squamosa, bào ngư vành tai Haliotis asinina, hải sâm cát Holothuria scabra và nhum sọ Tripneustes gratilla.

Vùng biển Lý Sơn sở hữu tính đa dạng sinh học cao.

Có thể khẳng định, đa dạng sinh học biển đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế bền vững đối với huyện đảo Lý Sơn, nhằm đảm bảo khai thác, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của cộng đồng ngư dân trên đảo. Kết quả nghiên cứu về các khía cạnh kinh tế, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản vùng biển đảo Lý Sơn và lân cận là cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách cụ thể nhằm quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên sinh học vùng biển Lý Sơn. Kết quả của đề tài cũng cung cấp thêm các thông tin về sự phân bố, trữ lượng cá…, góp phần gián tiếp nâng cao trách nhiệm xã hội trong khai thác, đánh bắt hải sản của ngư dân, qua đó tạo nguồn cung cấp thực phẩm hải sản ổn định phục vụ phát triển du lịch bền vững tại Lý Sơn trong thời gian tới.

Phong Vũ

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)