Thưa ông, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU, xin ông cho biết các kết quả thực hiện định hướng phát triển các lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trọng điểm của TP Hải Phòng?
Ông Trần Quang Tuấn- Giám đốc Sở KH&CN Hải Phòng.
Có thể nhận thấy, hiệu quả hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN ngày càng được khẳng định, gắn bó chặt chẽ với sản xuất và đời sống, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ tham mưu, tư vấn, phản biện, xây dựng căn cứ khoa học cho các chủ trương, chính sách, nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Thành ủy, HĐND, UBND TP; góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh; xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị, nông thôn mới hằng năm.
Hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ cao được đẩy mạnh. Tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp tăng từ 20,52% năm 2011 lên 40,4% năm 2022; Tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong tổng GDP của TP đạt 45,65% năm 2015, đạt 68,3% năm 2022. Tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào mức tăng trưởng GDP của TP năm 2015 đạt 32,4%, năm 2022 đạt 42,3%...
Giới thiệu sản phẩm công nghệ tại Techfest Hải Phòng 2023.
Các văn bằng được bảo hộ xuất phát từ các doanh nghiệp, cá nhân hầu hết đã được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất (chiếm trên 65%); số còn lại các sáng chế/giải pháp hữu ích của các viện, trường và một số cá nhân cũng đều có giá trị khoa học, có thể ứng dụng để sản xuất, kinh doanh khi điều kiện cho phép và có sự đầu tư.
Giai đoạn 2013 - 2023, đầu tư từ ngân sách TP cho KH&CN tăng bình quân khoảng 11,06%/năm; từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển KH&CN của thành phố, song chưa đạt chỉ tiêu 2% tổng chi ngân sách (bình quân giai đoạn 2013-2023 đạt 0,39% so với tổng chi ngân sách của TP). Hệ thống quản lý và cơ chế chính sách về KH&CN bước đầu được đổi mới theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường, nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN…
Ông có thể cho biết kết quả thực hiện định hướng phát triển các lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trọng điểm của TP Hải Phòng?
Từ các kết quả nghiên cứu triển khai, đã có 68 đề xuất luận cứ khoa học, trên 80 mô hình ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới; gần 100 giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới; 59 sản phẩm mới, vật liệu mới; 79 loại giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao đưa vào sản xuất. Nhiều kết quả nghiên cứu đã mở ra hướng nghiên cứu mới ứng dụng các thành tựu KH&CN vào sản xuất và đời sống; phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động; tăng năng suất, chất lượng hàng hóa, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Với định hướng xác định doanh nghiệp là trung tâm của ứng dụng và đổi mới công nghệ, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp của TP đã tham gia tích cực vào hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Toàn TP có hàng chục nhiệm vụ nghiên cứu giao cho các doanh nghiệp là cơ quan chủ trì thực hiện, tiêu biểu như: Công ty Cổ phần Sơn Hải Phòng, Công ty Cổ phần cơ khí và vật liệu xây dựng Thanh Phúc, Công ty Cổ phần nhựa Thiếu niên tiền phong, Công ty TNHH MTV Đóng tầu Phà Rừng, Công ty Cổ phần KH&CN HTChem, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ, Công ty Cổ phần KHCN Phú Lâm, Công ty TNHH Công nghệ ứng dụng Quốc tế, Công ty TNHH Phát triển thủy sản Hoàng Hương và nhiều doanh nghiệp khác.
Còn đối với lĩnh vực Khoa học xã hội và Nhân văn, những kết quả đạt được là gì, thưa ông?
Các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đã bám sát định hướng, mục tiêu của Nghị quyết 08-NQ/TU, kịp thời cung cấp những luận cứ khoa học để hình thành các chủ trương và chính sách đồng bộ của Thành ủy, UBND TP. Do gắn với những vấn đề trọng tâm, cấp thiết của các ban/ngành và TP nên hầu hết đề tài đã được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn, nhiều đề tài đã tạo lập các luận cứ khoa học mang tầm chiến lược, có ý nghĩa lớn, phục vụ cho hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách của đảng bộ, chính quyền các cấp, các ngành. Đặc biệt, TP đã hoàn thành việc nghiên cứu biên soạn, xuất bản công trình Lịch sử Hải Phòng gồm 04 tập, phản ánh trên 2.000 năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước trên mảnh đất Hải Phòng từ khởi nguồn đến năm 2020.
Để có được những kết quả này không thể không nhắc đến sự quyết liệt của Hải Phòng trong đổi mới hệ thống tổ chức, cơ chế quản lý, hoạt động KH&CN; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về KH&CN. Ông có thể cho biết những đổi mới đó là gì?
Nhắc đến điều này không thể không nhắc đến đổi mới về hệ thống quản lý. Theo đó, chức năng, nhiệm vụ, bộ máy tổ chức của Sở KH&CN luôn được rà soát và kiện toàn. Các sở/ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Tư pháp, Ngoại vụ, Tài nguyên và Môi trường đều cử lãnh đạo sở, ngành phụ trách KH&CN, có bố trí bộ phận/phòng chuyên môn thực hiện quản lý hoạt động KH&CN. Các quận, huyện đều phân công 01 đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách công tác KH&CN; chỉ định Phòng Kinh tế (đối với các quận), Phòng Kinh tế và Hạ tầng (đối với các huyện) quản lý hoạt động KH&CN trên địa bàn; bố trí lãnh đạo phòng và 01 chuyên viên phụ trách quản lý KH&CN. Hiện tại, cán bộ phụ trách quản lý KH&CN quận, huyện có trình độ đại học 100%, độ tuổi trong khoảng 30- 45 tuổi. Đồng thời, các sở, ngành, quận huyện thường xuyên kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng KH&CN.
Về cơ chế quản lý, TP đã ban hành 12 văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý của ngành theo hướng đổi mới cơ chế quản lý và hoạt động KH&CN; đổi mới các cơ chế hoạt động KH&CN của các đơn vị nhà nước từ hành chính, bao cấp sang cơ chế thị trường; gắn kết chặt chẽ với nhu cầu ứng dụng của sản xuất kinh doanh; doanh nghiệp đóng vai trò là trung tâm ứng dụng và đổi mới công nghệ. Một số sở/ ngành ban hành các văn bản hướng dẫn công tác KH&CN trong ngành: ví dụ, Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản hướng dẫn viết, thẩm định sáng kiến; văn bản hướng dẫn đăng ký, thực hiện các đề tài KH,CN&ĐMST.
TP xác định phương châm “lấy ứng dụng là chính”; ưu tiên các nhiệm vụ ứng dụng, tiếp thu đổi mới công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Đồng thời tổ chức khảo sát, tìm kiếm các thành tựu, tiến bộ KH&CN trong và ngoài nước có khả năng ứng dụng tại Hải Phòng để từ đó tiếp thu, thích nghi, làm chủ các công nghệ, hình thành các dự án xây dựng nhiều mô hình ứng dụng, chuyển giao nhân rộng vào thực tiễn (nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới).
Bước đầu áp dụng cơ chế đặt hàng; cơ chế tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN theo nguyên tắc cạnh tranh dân chủ, bình đẳng và công khai, góp phần nâng cao chất lượng thực hiện các nhiệm vụ KH&CN. Các nhiệm vụ KH&CN của TP đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của các cấp, ngành, quận huyện, tổ chức và doanh nghiệp nên hầu hết sau khi nghiệm thu được áp dụng ngay vào thực tiễn (có tới trên 80% các nhiệm vụ sau khi kết thúc được áp dụng vào thực tiễn).
Áp dụng cơ chế khoán theo Thông tư liên tịch số 93/2006/TTLT-BTC-BKHCN ngày 04/10/2006 hướng dẫn chế độ khoán kinh phí của đề tài, dự án KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước; triển khai áp dụng Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC ngày 30/12/2015 của liên Bộ KH&CN và Bộ Tài chính Quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước.
Về cơ chế hoạt động KH&CN: thông qua các chương trình KH&CN trọng điểm đã tập trung triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; hỗ trợ các hoạt động KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới; tăng cường tiềm lực cho các tổ chức KH&CN; phát triển tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm đặc sản, làng nghề; xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến;… Chuyển đổi hoạt động của các tổ chức sự nghiệp KH&CN công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm: Hiện tại 100% đơn vị sự nghiệp KH&CN công lập thuộc Sở KH&CN đã được chuyển đổi hoạt động theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Hợp tác với Hàn Quốc về KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp và năng lượng tái tạo.
Để hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển kinh tế- xã hội của TP, TP Hải Phòng có kiến nghị gì với các bộ, ban ngành liên quan, thưa ông?
Đối với Bộ KH&CN, phối hợp chặt chẽ với UBND TP Hải Phòng thực hiện các nhiệm vụ theo Chương trình phối hợp hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; ban hành các cơ chế xây dựng dự toán, sử dụng ngân sách đặc thù đối với hoạt động nghiên cứu đến sản phẩm cuối cùng; cơ chế hỗ trợ đặc thù đối với các hoạt động KH&CN như thương mại hóa đối với các sản phẩm, hàng hóa tạo ra từ hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; nghiên cứu sửa đổi các quy định đặc thù về giao tài sản, định giá tài sản là các sản phẩm hình thành trong và sau quá trình nghiên cứu, tạo điều kiện để các sản phẩm có cơ hội được thương mại hóa; nghiên cứu ban hành quy định cụ thể cho việc thực hiện dịch vụ thẩm định công nghệ, định giá công nghệ; thể chế hoá công tác thẩm định, định giá làm cơ sở để thực hiện thẩm định cho các nhiệm vụ KH&CN, đặc biệt là phục vụ các giao dịch trong thị trường KH&CN.
Xây dựng TP Hải Phòng trở thành trọng điểm phát triển KH&CN biển của cả nước.
Với các bộ, ngành, cơ quan trung ương, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: Hải Phòng mong muốn nhận được sự quan tâm phối hợp, hỗ trợ để xây dựng TP Hải Phòng trở thành trọng điểm phát triển KH&CN biển của cả nước; quan tâm đầu tư, nâng cấp một số cơ sở nghiên cứu khoa học và đào tạo về biển do các bộ, ngành, cơ quan Trung ương quản lý trên địa bàn TP ngang tầm trọng điểm quốc gia.
Trân trọng cảm ơn ông và chúc cho ngành KH&CN Hải Phòng ngày càng phát triển, đóng góp nhiều hơn cho phát triển KT-XH của TP!
Lê Hạnh (thực hiện)