Nhiệm vụ “Biên soạn, phát hành tài liệu, tổ chức tuyên truyền về sáng chế, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và về quản lý tài sản trí tuệ ở trong nước và nước ngoài” nằm trong mục tiêu tổng quan dài hạn của Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020. Nhiệm vụ do PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, ĐHQGHN làm chủ nhiệm.
Nhiệm vụ nhằm nâng cao nhận thức của các nhóm chủ thể trong xã hội về các cam kết sở hữu trí tuệ trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp về bảo hộ, quản lý, khai thác tài sản trí tuệ. Các hợp phần chính của nhiệm vụ bao gồm: Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về thi hành cam kết sở hữu trí tuệ trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; Điều tra, khảo sát nhu cầu của các nhóm chủ thể; Biên soạn và phát hành 07 bộ tài liệu liên quan đến sáng chế, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, bảo hộ, quản lý khai thác, phát triển tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp trong nước và nước ngoài; Tổ chức 07 chương trình tập huấn cho 07 nhóm đối tượng tương ứng; Tổ chức tuyên truyền, phổ biến thông qua các hội thảo khoa học, các phương tiện truyền thông.
Phát biểu tại Hội nghị, TS Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đánh giá cao những tâm huyết và nỗ lực thực hiện dự án đối với sự phát triển tài sản trí tuệ nói chung. TS Trần Lê Hồng nhấn mạnh, quyền sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng, phù hợp với định hướng phát triển theo chiều sâu của Việt Nam, đặc biệt là khoa học và công nghệ. Trong thời gian qua, quy định của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã có sự phát triển đáng kể, nhưng cần tuyên truyền, phổ biến để các hiệp định này áp dụng được vào thực tế và hỗ trợ doanh nghiệp, biến quyền sở hữu trí tuệ thành công cụ phát triển kinh tế thay vì rào cản ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp. “Kết quả của nhiệm vụ sẽ đóng góp vào việc tuyên truyền, phổ biến quyền sở hữu trí tuệ đến cộng đồng doanh nghiệp cũng như các viện nghiên cứu, trường đại học, giúp làm chủ công cụ này” - TS Trần Lê Hồng bày tỏ mong muốn.
PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết, Trường Đại học Luật, ĐHQGHN là cơ sở đào tạo luật có lịch sử lâu đời. Hiện nay, Nhà trường đang triển khai nhiều hoạt động đào tạo, nghiên cứu, tập trung phát triển theo các hướng nghiên cứu pháp lý mới, một trong những nội dung đó là nghiên cứu về sở hữu trí tuệ. Trong bối cảnh hiện nay, việc nâng cao nhận thức về các vấn đề mới với các đối tượng sở hữu trí tuệ là vô cùng quan trọng. Sau gần 20 năm triển khai, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đã phát huy tính hiệu quả và lan toả rất lớn từ Trung ương đến địa phương. PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh mong muốn nhận được sự đồng hành từ các cơ quan, tổ chức, hiệp hội để nhiệm vụ được triển khai một cách thành công và hiệu quả nhất.
VH