Những kết quả bước đầu
Nhằm đưa SHTT trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển KT-XH, ngày 22/08/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1068/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược SHTT đến năm 2030 (Chiến lược), trong đó yêu cầu ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm triển khai thực hiện Chiến lược, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương. Chính vì vậy, Vĩnh Long đã xác định việc xây dựng, thực hiện Chiến lược và Chương trình phát triển TSTT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi để phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh.
Trong giai đoạn 2021-2025, mục tiêu cụ thể trong kế hoạch thực hiện Chiến lược mà Vĩnh Long đặt ra là: tối thiểu 60% sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của tỉnh và 40% sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP); sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển TSTT, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sau khi được bảo hộ; số lượng đơn đăng ký SHTT (sở hữu công nghiệp, giống cây trồng) tăng trung bình 25-30%/5 năm so với giai đoạn 2016-2020. Trong năm 2023, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai thực hiện Chiến lược và đạt được một số kết quả như sau:
Hoàn thiện chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ
Để góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật về SHTT, tỉnh đã góp ý dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/08/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 126/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ; đồng thời có nhiều ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.
Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ
Năm 2023, tình hình xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và sáng chế không phát sinh khiếu nại, tố cáo. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long đã chủ trì và phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức 55 cuộc kiểm tra đối với 163 lượt tổ chức, cá nhân hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Kết quả, chưa phát hiện trường hợp vi phạm có liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan. Tại các cơ sở, đoàn kiểm tra đã tuyên truyền, hướng dẫn về việc chấp hành quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.
Thúc đẩy các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ
Sở KH&CN đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ KH&CN “Xây dựng mô hình và triển khai hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Vĩnh Long”. Thông qua nhiệm vụ đã dự thảo kế hoạch hoàn thành Đề án phát triển Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ, hướng đến mục tiêu hình thành đơn vị nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ mạnh trong khu vực, xây dựng mô hình hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) để thúc đẩy các hoạt động tạo ra TSTT. Các trường đại học, cao đẳng của tỉnh đã hình thành các trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp có chức năng hỗ trợ ươm tạo, hoàn thiện quy trình công nghệ để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác TSTT, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Phối hợp với ngành nông nghiệp đào tạo, tập huấn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, bảo hộ SHTT cho các sản phẩm OCOP ở các huyện, thị xã và thành phố sau khi được đánh giá, công nhận.
Phát triển các hoạt động hỗ trợ về SHTT
Hướng dẫn hồ sơ đăng ký xác lập quyền SHTT: tỉnh đã hướng dẫn 26 hồ sơ đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Trong đó, hướng dẫn đăng ký nhãn hiệu 16 hồ sơ, hướng dẫn gia hạn văn bằng 9 hồ sơ, hướng dẫn đăng ký kiểu dáng công nghiệp 01 hồ sơ. Trong năm 2023, Cục SHTT đã cấp 34 văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, nâng tổng số văn bằng bảo hộ của tỉnh lên con số 1.441, trong đó có 1.285 nhãn hiệu, 11 giải pháp hữu ích, 7 sáng chế, 137 kiểu dáng công nghiệp, 01 chỉ dẫn địa lý.
Hỗ trợ bảo hộ, phát triển TSTT cho các sản phẩm chủ lực, đặc thù của địa phương: Đối với các nhiệm vụ thuộc Chương trình Phát triển TSTT, hàng năm, tỉnh đã thông báo đề xuất đặt hàng đối với nhiệm vụ cấp tỉnh, cấp Trung ương và hướng dẫn các đơn vị có nhu cầu đăng ký đề xuất nhiệm vụ. Thông qua đó, tỉnh Vĩnh Long được Bộ KH&CN phê duyệt danh mục nhiệm vụ cấp Trung ương cho dự án “Đăng ký bảo hộ, quản lý và hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm khoai lang tím của huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long”. Hiện tại, nhiệm vụ này đang trong giai đoạn tuyển chọn tổ chức chủ trì thực hiện.
Đoàn khảo sát thực tế chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm khoai lang tím của huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long.
Đối với nhãn hiệu tập thể: Tỉnh đã ban hành Công văn số 5953/UBNDVX ngày 20/10/2023 về việc cho phép Hợp tác xã Nông sản Bưng Sẩm sử dụng địa danh “Bưng Sẩm” để đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm khóm tươi và xác nhận bản đồ khu vực địa lý trồng khóm Bưng Sẩm ở ấp Hiệp Lợi, xã Hòa Bình. Hồ sơ đã nộp Cục SHTT, đang đợi kết quả thẩm định.
Triển khai đề án “Hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đến năm 2025”: Tỉnh đã triển khai 05 nhiệm vụ, trong đó 02 nhiệm vụ hỗ trợ tư vấn thiết kế mẫu mã, bao bì cho 02 hộ kinh doanh; 01 nhiệm vụ hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu cho 01 hộ kinh doanh; 01 nhiệm vụ tuyên truyền hoạt động, chính sách khuyến công thông qua việc in ấn sổ tay tuyên truyền về SHTT; 01 nhiệm vụ tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Đối với Chương trình OCOP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng bao bì, nhãn hiệu các sản phẩm OCOP, hệ thống nhận diện thương hiệu, bao gồm cả chi phí đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, hỗ trợ chi phí thiết kế bao bì, in tem, giấy chứng nhận.
Tăng cường nguồn nhân lực cho hoạt động sở hữu trí tuệ
Tỉnh đã triển khai các chính sách hỗ trợ liên quan đến việc đăng ký bảo hộ và khai thác nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp theo Chương trình Phát triển TSTT tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4538/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 cho các hộ sản xuất, kinh doanh tàu hũ tại xã Mỹ Hòa và thị xã Bình Minh, qua đó góp phần nâng cao kiến thức pháp luật, năng lực quản lý, khả năng chủ động khai thác, phát triển và bảo vệ TSTT của các hộ sản xuất, kinh doanh tàu hũ trên địa bàn. Thông qua việc tham gia hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện, thị, thành phố, Sở KH&CN đã phổ biến các quy định đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và chính sách thúc đẩy đăng ký bảo hộ TSTT ở trong và ngoài nước đối với đăng ký bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu; đăng ký, bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long... Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức về SHTT, khuyến khích ĐMST, xây dựng ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền SHTT.
Đặc biệt, những công chức thực hiện chức năng quản lý SHTT đã được tham gia khóa tập huấn cơ bản và chuyên sâu về SHTT, có kinh nghiệm và tinh thần trách nhiệm trong công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ giúp UBND thực hiện chức năng quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp tại địa phương. Đối với các hội thảo, hội nghị phổ biến kiến thức, chính sách và pháp luật về SHTT do Cục SHTT tổ chức, tỉnh đều cử cán bộ tham gia để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, phục vụ tốt quản lý nhà nước như: Hội nghị SHTT toàn quốc hàng năm, hội thảo sử dụng hệ thống Madrid để đăng ký nhãn hiệu, hội nghị phổ biến các văn bản pháp luật về SHTT mới ban hành, tập huấn tổng quan về SHTT năm 2023...
Hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội
Tỉnh đã triển khai đến công chức, viên chức trong đơn vị và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh các văn bản về SHTT như: đăng ký bảo hộ về sở hữu công nghiệp (nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế), quyền tác giả, quyền liên quan thông qua hình thức hội nghị triển khai các văn bản quy định pháp luật mới, sao gửi văn bản, đăng tải trên trang thông tin điện tử của ngành. Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long thường xuyên tuyên truyền về Luật SHTT; Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật SHTT năm 2005 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan; Quyết định số 1121/QĐ-UBND ngày 26/05/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long về Kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực quản lý và thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan”. Qua đó đã góp phần ngăn chặn, đấu tranh đối với các hành vi vi phạm pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan và từng bước hình thành văn hóa SHTT trong xã hội.
Định hướng hoạt động trong thời gian tới
Để thúc đẩy hoạt động SHTT của tỉnh Vĩnh Long phát triển hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đáp ứng được yêu cầu trong bối cảnh phát triển bền vững, một số giải pháp quan trọng cần thực hiện trong thời gian tới gồm:
Một là, tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật về SHTT mới ban hành, Chiến lược SHTT đến năm 2030, Chương trình Phát triển TSTT tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2030 và cơ chế, chính sách lĩnh vực KH&CN đến các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức, thúc đẩy ĐMST và xây dựng ý thức, trách nhiệm tôn trọng quyền SHTT.
Hai là, tiếp tục thông báo đề xuất đặt hàng nhiệm vụ KH&CN theo các nội dung của Chương trình Phát triển TSTT về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển TSTT; phát triển, nâng cao năng lực các tổ chức trung gian và chủ thể quyền SHTT. Chú trọng đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của tỉnh và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP.
Ba là, hỗ trợ tra cứu, khai thác thông tin SHTT và hỗ trợ đăng ký bảo hộ sáng chế, bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu để tăng cường và thúc đẩy các hoạt động tạo ra TSTT.
Bốn là, tăng cường năng lực quản lý và thực thi pháp luật về SHTT bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng; thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật về SHTT để góp phần khuyến khích các hoạt động sáng tạo, khai thác và bảo vệ các TSTT, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ.