Thứ năm, 26/09/2024 11:12

Protein thay thế đang trở thành nguồn lương thực mới tại châu Á

Khi áp lực về khí hậu và an ninh lương thực tăng cao, châu Á - châu lục đông dân nhất thế giới - nhìn thấy cơ hội rõ ràng để phát triển ngành thịt, giống như họ đã từng làm với các tấm pin mặt trời giá rẻ.

Vào tháng 08/2024, các nhà khoa học (sinh học, hóa học, sinh học thực vật và chuyên gia thực phẩm) tại Trung Quốc và Singapore đã cùng tham gia một hội nghị kín với mục tiêu: khai thác tiềm năng kinh tế và đảm bảo an ninh lương thực từ thịt thực vật và thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Nhà sinh hóa Huang Dejian - Đại học Quốc gia Singapore nhấn mạnh, các nhà khoa học châu Á sẽ đóng vai trò then chốt, giống như cách họ từng giúp thế giới tiếp cận năng lượng sạch giá rẻ, giờ đây họ có thể làm điều tương tự với thực phẩm bền vững.

Ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật và các sản phẩm thịt nuôi cấy có thể mang lại lợi ích to lớn cho môi trường (nguồn: KARANA).

Vấn đề từ sản xuất thịt truyền thống

Các nhà khoa học nhấn mạnh, việc sản xuất thịt hiện nay cần được nâng cấp. Phương pháp chăn nuôi truyền thống không còn mang lại hiệu quả. Ví dụ, cần cung cấp tới 100 calo thức ăn cho một con bò chỉ tạo ra 1 calo thịt bò; bên cạnh đó, 3/4 diện tích đất nông nghiệp trên toàn cầu (gấp đôi diện tích Trung Quốc và Ấn Độ cộng lại) được sử dụng để trồng thức ăn cho gia cầm và gia súc, dẫn đến nạn phá rừng và cạn kiệt nguồn nước; thực phẩm từ động vật chiếm 1/5 lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính hằng năm toàn cầu, tạo ra nhiều khí metan hơn cả ngành sản xuất dầu và khí đốt.

Nếu không có sự thay đổi, hệ thống thực phẩm hiện tại sẽ không thể duy trì lâu dài. Sản xuất thịt dự kiến sẽ tăng hơn 50% vào năm 2050 so với năm 2012 do dân số toàn cầu ngày càng gia tăng và giàu có hơn. Áp lực này đặc biệt nghiêm trọng ở châu Á, nơi chiếm khoảng một nửa mức tăng trưởng tiêu thụ protein toàn cầu trong thế kỷ này.

Protein thay thế vẫn còn là thách thức trong việc sản xuất ở quy mô thương mại (nguồn: Getty).

Giải pháp từ protein thay thế

Protein thay thế có thể thay đổi xu hướng này. Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc khai thác protein trực tiếp từ nguồn sinh học thay vì nuôi động vật có thể cắt giảm tới 98% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính khi sản xuất thịt. Protein thay thế còn giảm đến 96% việc sử dụng đất nông nghiệp và 99% lượng nước cần thiết, giúp tăng cường khả năng phục hồi lương thực và chuyển đổi tình trạng khan hiếm. Tiềm năng kinh tế của phương pháp này cũng rất lớn. Theo dự đoán, đến năm 2050, lĩnh vực protein thay thế có thể mang lại khoảng 700 tỷ USD (~17 triệu tỷ VND) tăng trưởng kinh tế hằng năm.

Một trong những quốc gia tiên phong trong nghiên cứu và phát triển protein thay thế là Singapore. Là một quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu, Singapore đã nhận thức trước những tác động của cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi và biến đổi khí hậu đến nguồn cung thịt toàn cầu. Bằng cách kết hợp các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý và nhà khoa học, Singapore đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới bán thương mại thịt nuôi cấy vào tháng 12/2020 (trước Mỹ hơn 2 năm).

Các quốc gia châu Á khác cũng đang theo bước Singapore. Vào tháng 02/2023, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ca ngợi nông nghiệp tế bào như một phần quan trọng trong việc “đảm bảo nguồn cung lương thực bền vững”. Chính phủ Nhật Bản đã cấp hàng chục triệu đô la Mỹ để phát triển và đẩy mạnh lĩnh vực protein thay thế. Ở Hàn Quốc, Chính phủ đã tạo ra khu vực không bị hạn chế về quy định, cho phép các công ty khởi nghiệp sản xuất thịt nuôi cấy bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng và bán sản phẩm thương mại vào năm 2025. Trung Quốc cũng đang hành động nhanh chóng. Trong bài phát biểu vào năm 2023, ông Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi khoa học và công nghệ trở thành “đôi cánh” cho hiện đại hóa nông nghiệp. Nhờ các khoản đầu tư công lớn, các doanh nghiệp sản xuất protein thay thế tại Trung Quốc đang phát triển mạnh.

Thách thức phía trước

Mặc dù tiềm năng của protein thay thế là rất lớn, nhưng các chính phủ cần đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu và phát triển. Theo các nhà khoa học, cần ít nhất 10 tỷ USD hằng năm để hỗ trợ nghiên cứu và mở rộng quy mô ngành này, trong khi hiện tại tổng đầu tư công toàn cầu chỉ đạt dưới 4%.

Châu Á có đầy đủ năng lực, nguồn nhân lực và động lực để vượt qua các thách thức về kỹ thuật và đưa thịt nuôi cấy từ phòng thí nghiệm lên kệ trong siêu thị. Những tiến bộ này có thể giúp biến protein thay thế trở thành nguồn lương thực chủ đạo trong tương lai.

Xuân Bình (theo Nature)

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)