Từ những kế hoạch quan trọng
Thực hiện Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/08/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá giai đoạn 2021-2030, Sở KH&CN Cà Mau đã ban hành Kế hoạch số 19/KH-SKHCN ngày 20/04/2021 triển khai “Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021-2025” (Chương trình NSCL giai đoạn 2021-2025) được UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt tại Quyết định số 866/QĐ-UBND ngày 05/05/2021.
Những mục tiêu quan trọng của Chương trình NSCL giai đoạn 2021-2025 là tổ chức ít nhất 12 lớp đào tạo, tập huấn về NSCL, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, công cụ cải tiến NSCL…; tuyên truyền ít nhất 05 cuộc phổ biến các hoạt động liên quan đến NSCL trên báo, đài truyền hình địa phương; hỗ trợ ít nhất 50 lượt doanh nghiệp/hợp tác xã có sản phẩm, hàng hóa được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn quốc gia/tiêu chuẩn quốc tế…, trong đó tập trung vào các sản phẩm, hàng hóa chủ lực, có thế mạnh của tỉnh.
Để đảm bảo triển khai thực hiện Chương trình NSCL giai đoạn 2021-2025, năm 2023, Sở KH&CN Cà Mau đã ban hành Kế hoạch số 25/KH-SKHCN ngày 10/04/2023 với mục tiêu chính: Tuyên truyền 01 cuộc phổ biến các hoạt động liên quan đến NSCL trên báo, đài truyền hình; tổ chức 02 lớp đào tạo về NSCL cho các sở/ngành/doanh nghiệp; hỗ trợ 10 lượt doanh nghiệp trở lên đạt chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến NSCL cơ bản như: ISO 22000, ISO 9001, ISO 14001, VietGAP, HACCP, GMP, SSOP, HALAL…
Đến hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng
Hiện nay, các doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau có nhận thức tương đối tốt về việc xây dựng, áp dụng và chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo nguyên tắc HACCP/ISO 22000/GMP/SSOP… Tuy nhiên, nhận thức của một số tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất các sản phẩm đặc sản, đặc thù của tỉnh về NSCL còn hạn chế, dẫn đến việc xây dựng, áp dụng công cụ cải tiến NSCL còn nhiều hạn chế. Cà Mau hiện có 139 sản phẩm đặc sản, đặc thù của 65 tổ chức, doanh nghiệp đã được công nhận, nhưng chỉ có 07 tổ chức, doanh nghiệp được cấp chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo nguyên tắc HACCP, ISO 22000:2018. Như vậy, số lượng tổ chức, doanh nghiệp cần phải xây dựng, áp dụng và chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến NSCL trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều; đồng nghĩa với nhu cầu cần được hỗ trợ xây dựng, áp dụng và chứng nhận các hệ thống quản lý, tiêu chuẩn, công cụ cải tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng trên địa bàn tỉnh còn rất lớn.
Bên cạnh đó, xu thế hội nhập hiện nay đòi hỏi mọi tổ chức, doanh nghiệp phải xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến NSCL, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở nhằm nâng cao NSCL, giá trị, thương hiệu và khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, với sự ra đời của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã làm gia tăng nhu cầu xây dựng, áp dụng và chứng nhận các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Việc xây dựng, áp dụng và chứng nhận các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (HACCP, ISO 22000:2018, VietGAP...) là một trong các tiêu chí quan trọng nhằm nâng hạng sản phẩm OCOP.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã đề xuất và được phê duyệt triển khai nhiệm vụ “Hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến NSCL tiên tiến trên địa bàn tỉnh Cà Mau năm 2023”. Thực hiện nhiệm vụ nêu trên, ThS Nguyễn Thị Nhuần và các cộng sự thuộc Chi cục đã thực hiện 01 chuyên đề tuyên truyền, phổ biến các hoạt động liên quan đến NSCL; tổ chức 02 lớp đào tạo về nâng cao NSCL cho các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan trên địa bàn tỉnh với 150 người tham dự (tăng 10 lượt người so với kế hoạch, cụ thể: Lớp đào tạo “Xây dựng, áp dụng công cụ cải tiến NSCL trên địa bàn tỉnh Cà Mau” với 77 đại biểu tham dự; Lớp đào tạo “Áp dụng GMP, SSOP và duy trì Hệ thống quản lý chất lượng sau cấp giấy chứng nhận trên địa bàn tỉnh Cà Mau” với 73 đại biểu tham dự); cấp giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn HACCP cho 05 tổ chức/doanh nghiệp với 14 sản phẩm như: ba khía muối, ba khía trộn sẵn, riêu ba khía, ba khía muối nước mắm, mắm tôm chua ngọt, rượu trắng, rượu nhàu, rượu đinh lăng, rượu đông trùng hạ thảo, rượu trái giác, rượu chuối, cá khô bổi, rượu nếp cẩm và rượu quý (tăng 01 tổ chức và 05 sản phẩm) so với kế hoạch; cấp Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn ISO 22000:2018 cho 02 tổ chức, doanh nghiệp là Công ty TNHH sản xuất thương mại và dịch vụ trà Thu Hà và Hợp tác xã Tân Phát Lợi); xây dựng và hoàn thiện bộ hồ sơ công bố tiêu chuẩn cơ sở cho 02 sản phẩm là gạo và rượu gạo của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp thủy sản Đoàn Phát.
Hiệu quả mang lại
Việc thực hiện thành công nhiệm vụ trên đã giúp nâng cao nhận thức, chuyên môn, nghiệp vụ về NSCL của người sản xuất; nâng tầm quản lý của cán bộ trong các tổ chức, doanh nghiệp. Các tổ chức/cá nhân được cấp giấy chứng nhận tham gia lớp đào tạo về NSCL đã có ý thức kiểm soát quá trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa; đảm bảo và minh bạch thông tin về chất lượng sản phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các sản phẩm được cấp giấy chứng nhận về NSCL khi lưu thông trên thị trường sẽ thuận lợi hơn, qua đó góp phần nâng tầm thương hiệu, uy tín và vị thế trên thị trường. Đặc biệt, có 07 sản phẩm của các tổ chức, doanh nghiệp tham gia nhiệm vụ đã được Hội đồng OCOP tỉnh Cà Mau đánh giá và nâng hạng 4 sao, dẫn đến hiệu ứng ngày càng có nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp quan tâm đến việc xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng cũng như tiêu chuẩn, quy chuẩn trong sản xuất nhằm nâng cao NSCL của sản phẩm.
Phong Vũ - Mỹ Nguyễn