Với nguồn ngân sách từ Trung ương, địa phương và nguồn lực xã hội hóa, Nghệ An đã thực hiện hơn 20 nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp liên quan đến bảo tồn, khia thác và phát triển các nguồn gen bản địa cây nông nghiệp, dược liệu và vật nuôi trên địa bàn tỉnh từ năm 2021 đến nay. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được triển khai nhằm: i) Điều tra, xác định các nguồn gen quý hiếm; ii) Bảo tồn và đánh giá nguồn gen; iii) Khai thác và phát triển nguồn gen.
Điều tra, xác định các nguồn gen cần bảo tồn bổ sung
Dựa vào các dữ liệu sẵn có từ điều tra đa dạng sinh học nguồn gen của các viện nghiên cứu, trường đại học, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Nghệ An đã tiến hành điều tra bổ sung nhằm xác định vị trí, đặc điểm phân bố và trữ lượng các nguồn gen quý hiếm, có giá trị kinh tế, có tiềm năng phát triển. Từ năm 2021 đến nay, Trung tâm đã xác định thêm được 8 nguồn gen để đề nghị bổ sung vào danh mục bảo tồn, gồm 4 nguồn gen động vật: ba ba gai sông Quàng, ếch gai sần ở huyện Quế Phong, hải sâm đen ở vùng biển Nghi Tiến, Nghi Lộc, gà tây ở huyện Kỳ Sơn; 3 nguồn gen cây dược liệu là chè dây, huyết đằng và bách bộ; 1 nguồn gen cây ăn quả là hồng thành phố Vinh (xã Nghi Ân, Nghi Đức). Dựa trên kết quả điều tra này một số nhiệm vụ bảo tồn, phát triển các nguồn gen đã được đề xuất cho địa phương để thực hiện như: “Xây dựng mô hình bảo tồn lưu giữ ba ba gai sông Quàng tại huyện Quế Phong”, “Xây dựng mô hình nhân giống hồng bản địa thành phố Vinh”, “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình nhân giống, trồng và chế biến một số sản phẩm từ cây chè dây tại huyện Con Cuông”.
Bảo tồn và đánh giá các nguồn gen
Bảo tồn và đánh giá nguồn gen là cơ sở để thực hiện nhiệm vụ khai thác, phát triển nguồn gen đặc sản có giá trị, quý hiếm thành các sản phẩm hàng hóa. Trong giai đoạn này, Nghệ An đã bảo tồn được 19 nguồn gen cây nông nghiệp, dược liệu, vật nuôi đặc sản, chiếm hơn 33% số lượng nguồn gen ưu tiên bảo tồn của cả giai đoạn (57 nguồn gen).
Nhìn chung các nguồn gen được bảo tồn và đánh giá (khả năng nhân giống, nuôi trồng, sinh trưởng, hoạt chất sinh học, thành phần dinh dưỡng...) đã góp phần phục vụ hiệu quả công tác khai thác, phát triển. Điển hình như nguồn gen cây mú từn. Từ thành công sản xuất giống bằng giâm hom và hạt, Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Nghệ An đã xây dựng được mô hình vườn trồng 5000 cây mú từn với diện tích 5 ha dưới tán rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Hiện cây phát triển tốt, vườn cây bố mẹ đã có thể khai thác lấy hom. Từ thành công trong công tác bảo tồn, nhiều nguồn gen khác cũng đã được đưa vào giai đoạn khai thác phát triển như mắc khén, ba kích tím, sâm cát, gà trụi lông cổ...
Khai thác và phát triển các nguồn gen
Trong giai đoạn này, Nghệ An tiếp tục thực hiện mục tiêu bảo tồn các nguồn gen cây, con bản địa, quý hiếm để phục vụ khai thác và phát triển. Đồng thời, lấy khai thác, phát triển nguồn gen tạo sản phẩm hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội làm động lực để bảo tồn bền vững nguồn gen. Công tác khai thác, phát triển nguồn gen từng bước có sự xã hội hóa, với sự tham gia của các đơn vị nghiên cứu, ứng dụng và các doanh nghiệp, các địa phương trên địa bàn tỉnh. Ngành khoa học và công nghệ Nghệ An đang nỗ lực tác động vào các nguồn gen theo chuỗi giá trị. Nhiều nguồn gen trên địa bàn tỉnh đã và đang được đưa vào khai thác một cách bài bản, bền vững hơn từ khâu hoàn thiện quy trình sản xuất giống, nuôi, trồng quy mô hàng hóa, chế biến sản phẩm, xây dựng thương hiệu, xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể... để thương mại hóa và nâng cao giá trị sản phẩm tốt hơn. Trong giai đoạn 2021-2024, đã có thêm 18 nguồn gen cây, con bản địa được tác động thông qua dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp bộ, chiếm 79,1% số lượng nguồn gen được đề nghị khai thác, phát triển. Ngoài các nguồn gen bản địa, một số nguồn gen dược liệu di thực cũng đang được trồng để khai thác trên địa bàn tỉnh như xạ đen, đương quy bắc, đan sâm, sâm cau, tam thất... Một số kết quả nội bật trong công tác khai thác, phát triển nguồn gen có thể kể đến như:
Nguồn gen cây dược liệu
Công ty Cổ phần Dược liệu Pù Mát là điển hình cho công ty khởi nghiệp từ nguồn gen cây dược liệu. Các sản phẩm nguồn gen cây dược liệu như trà dây thìa canh, giảo cổ lam, cà gai leo, đinh lăng, mướp đắng rừng đã được hoàn thiện theo chuỗi giá trị, từ nhân giống, xây dựng vùng trồng, chế biến, xây dựng thương hiệu và thương mại hóa sản phẩm theo nhiều kênh phân phối. Một số nguồn gen dược liệu khác cũng đang được khai thác hiệu quả, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân như: chè Shan Tuyết ở huyện Kỳ Sơn, trà hoa vàng ở huyện Quế Phong, Tương Dương; chè dây, khôi nhung, khôi tía ở huyện Tương Dương. Nguồn gen cây sa sâm bản địa tại vùng ven biển Diễn Châu cũng đã được phân tích hoạt chất, xây dựng quy trình nhân giống, trồng và sử dụng trong sản phẩm thương mại là mì củ quả hữu cơ của Công ty Cổ phần An An Agri.
Một trong những doanh nghiệp tiên phong trong bảo tồn, trồng và chế biến các sản phẩm từ nguồn gen cây dược liệu là Công ty Cổ phần Dược liệu TH, thuộc Tập đoàn TH. Ngoài vận hành khu bảo tồn nhiều cây dược liệu quý như sâm bảy lá một hoa, sâm Puxailaileng, đương quy, trà hoa vàng, Công ty đã phát triển vùng trồng cây dược liệu tại xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn và sản xuất nhiều loại sản phẩm dược liệu chăm sóc sức khỏe như các loại trà nhân trần - cúc hoa, tía tô - gừng, trà nấm linh chi, lạc tiên - tâm sen, giảo cổ lam - linh chi... với hương vị tự nhiên, tinh tế và sang trọng.
Nguồn gen cây ăn quả, cây thực phẩm
Các nguồn gen cây ăn quả đã được khai thác và phát triển hiệu quả như cam bù Sen/cam bù Kim Nhan ở Anh Sơn, xoài Tương Dương, hồng Nam Đàn, bưởi Cát Ngạn. Điển hình là phát triển nguồn gen cam bù Sen, là loại quả đặc sản có giá trị kinh tế cao, năng suất đạt 12-15 tấn/ha. Từ nguồn mắt ghép của 30 cây đầu dòng được tuyển chọn, đã sản xuất được 10.000 cây giống và trồng mới được 9,5 ha, nâng tổng diện tích trồng cam bù Sen của của toàn huyện lên 23-25 ha. Cây măng loi cũng là ví dụ điển hình về khai thác hiệu quả nguồn gen bản địa. Diện tích khoanh nuôi, bảo vệ măng Loi đạt 3 ha, trồng bổ sung được 1191 bụi, khai thác được 19,5 tấn măng tươi và chế biến được gần 1,4 tấn sản phẩm đạt tiêu chuẩn trong 2 năm thực hiện dự án, đảm bảo lợi ích kinh tế cho người trồng.
Cam bù Sen Nghệ An (ảnh: Cảnh Thắng).
Hiện nay, nhiều sản phẩm xuất phát từ khai thác nguồn gen đã được đầu tư bài bản để tạo ra các sản phẩm thương mại, đảm bảo các tiêu chí và đạt hạng sản phẩm OCOP 3-4 sao trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm, giúp nâng cao thương hiệu và hiệu quả kinh tế. Sản phẩm đạt hạng 4 sao có 6 sản phẩm, gồm: trà giảo cổ làm, dây thìa canh, cà gai leo của Công ty Cổ phần Dược liệu Pù Mát, rượu Mú từn của Công ty TNHH Long Lưu, trà liên tu và trà ướp gạo sen của Hợp tác xã Sen quê Bác. Sản phẩm đạt hạng 3 sao có 11 sản phẩm như: trà tim sen, bưởi Thanh Mỹ, cam bù Kim Nhan, gừng Kỳ Sơn...
Dựa vào kết quả bảo tồn và khai thác, phát triển nguồn gen, cơ sở dữ liệu về nguồn gen cây, con đặc sản, đặc hữu, quý hiếm của Nghệ An đang từng bước được hình thành, xây dựng và quản lý để phát huy hiệu quả nguồn thông tin này cho nhiều mục đích như nghiên cứu, đào tạo, chia sẻ và khai thác và phát triển nguồn gen.
Có thể nói, trong thời gian qua, công tác bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được tiến hành một cách đồng bộ trên tất cả các nội dung và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhiều nguồn gen cây con bản địa có giá trị đã được bảo tồn, nhân giống, phục tráng và khai thác, phát triển thành các sản phẩm đặc sản, sản phẩm hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Tuy nhiên, số lượng nguồn gen đã và đang được bảo tồn và khai thác, phát triển vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu thực tế. Trong thời gian tới, cần tiếp tục huy động nguồn lực và tổ chức triển khai, thực hiện tốt Đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen của tỉnh giai đoạn 2021-2025, nhằm phát huy cao nhất tiềm năng và lợi thế về nguồn gen để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
CT