Thứ sáu, 11/10/2024 19:12

Công bố Giải Nobel Hòa bình năm 2024

Ngày 11/10/2024, Ủy ban Nobel Na Uy đã quyết định trao Giải Nobel Hòa bình năm 2024 cho tổ chức Nihon Hidankyo của Nhật Bản. Đây là một phong trào cấp cơ sở của những người sống sót sau vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki, còn được gọi là Hibakusha. Nihon Hidankyo được trao Giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực nhằm “đạt được một thế giới không có vũ khí hạt nhân và vì đã cho thấy thông qua lời kể của các nhân chứng rằng, vũ khí hạt nhân không bao giờ được phép sử dụng lại”.

Tổ chức Nihon Hidankyo của Nhật Bản.

Để ứng phó với các cuộc tấn công bằng bom nguyên tử vào tháng 08/1945, một phong trào toàn cầu đã nổi lên với các thành viên làm việc không biết mệt mỏi để nâng cao nhận thức về hậu quả thảm khốc của việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Dần dần, một chuẩn mực quốc tế mạnh mẽ đã được hình thành và phát triển, lên án việc sử dụng vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận được về mặt đạo đức. Chuẩn mực này được gọi là "cấm kỵ hạt nhân".

Lời chứng của Hibakusha đã giúp tạo ra và củng cố sự phản đối rộng rãi đối với vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới. Họ đã tạo ra các chiến dịch giáo dục dựa trên kinh nghiệm của chính họ và đưa ra những cảnh báo khẩn cấp về việc phổ biến và sử dụng vũ khí hạt nhân. Hibakusha đã giúp chúng ta mô tả những điều “không thể diễn tả”, suy nghĩ những điều “không thể nghĩ tới” và bằng một cách nào đó, giúp chúng ta nắm bắt được những sự khổ đau do vũ khí hạt nhân gây ra.

Nihon Hidankyo (hay còn gọi là Hiệp hội Người sống sót sau vụ bom nguyên tử Nhật Bản, là một tổ chức được thành lập bởi các Hibakusha) đã cung cấp hàng nghìn lời kể của nhân chứng, ban hành các nghị quyết và lời kêu gọi công khai, họ đã gửi các phái đoàn hàng năm đến Liên hợp quốc và nhiều hội nghị hòa bình để nhắc nhở thế giới về nhu cầu cấp thiết phải giải trừ vũ khí hạt nhân. Một ngày nào đó, các Hibakusha sẽ không còn hiện diện bên chúng ta như những nhân chứng lịch sử. Nhưng với một nền văn hóa ghi nhớ vững mạnh và sự cam kết liên tục, các thế hệ mới ở Nhật Bản vẫn đang tiếp tục truyền bá kinh nghiệm và thông điệp của những người chứng kiến. Họ truyền cảm hứng và giáo dục mọi người trên khắp thế giới. Bằng cách này, họ đang góp phần duy trì điều cấm kỵ về hạt nhân - một điều kiện tiên quyết cho một tương lai hòa bình của nhân loại.

Năm 2025 sẽ đánh dấu 80 năm kể từ khi 2 quả bom nguyên tử của Mỹ tàn sát trực tiếp khoảng 120.000 người dân ở Hiroshima và Nagasaki. Những tháng năm sau đó, một số lượng người tương đương tiếp tục tử vong vì bỏng và thương tích do bức xạ. Vũ khí hạt nhân ngày nay có sức hủy diệt lớn hơn nhiều. Chúng có thể giết chết hàng triệu người và sẽ tác động thảm khốc đến khí hậu. Một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể hủy diệt nền văn minh của nhân loại.

Với việc trao Giải Nobel Hòa bình năm 2024, Ủy ban Nobel Na Uy muốn nhấn mạnh, với những đóng góp và nỗ lực của Hibakusha, trong gần 80 năm qua, không có vũ khí hạt nhân nào được sử dụng trong các cuộc chiến tranh, tuy nhiên, thật đáng lo ngại khi ngày nay chuẩn mực về “cấm kỵ hạt nhân” đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Các cường quốc hạt nhân đang hiện đại hóa và nâng cấp kho vũ khí của họ, các quốc gia mới cũng dường như đang chuẩn bị sở hữu vũ khí hạt nhân, và có những lời đe dọa về việc sử dụng loại vũ khí này trong chiến tranh đang được đưa ra. Vào thời điểm này trong lịch sử loài người, chúng ta nên nhắc nhở bản thân về vũ khí hạt nhân: vũ khí hủy diệt nhất mà thế giới từng chứng kiến.

Giá trị cốt lõi trong tầm nhìn của Alfred Nobel là niềm tin rằng, những cá nhân tận tụy có thể tạo nên sự khác biệt. Khi trao Giải Nobel Hòa bình năm nay cho Nihon Hidankyo, Ủy ban Nobel Na Uy muốn vinh danh tất cả những người sống sót, những người đã bất chấp nỗi đau về thể xác và ký ức đau thương, họ đã chọn sử dụng kinh nghiệm của mình để vun đắp lên sự hy vọng và những nỗ lực để đạt được một thế giới hòa bình.

Lê Bắc (theo The Nobel Prize)

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)