Thứ hai, 14/10/2024 10:02

Sử dụng trí tuệ nhân tạo trong tra cứu nhãn hiệu và sáng chế

Đây là một trong những nội dung của Hội thảo quốc tế về “Sở hữu trí tuệ và trí tuệ nhân tạo” do Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Cơ quan Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO) và Viện Thông tin Sáng chế Hàn Quốc (KIPI) tổ chức mới đây.

Hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm của WIPO và KIPO trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào công tác quản trị đơn sở hữu công nghiệp, đồng thời hướng dẫn triển khai thử nghiệm hệ thống tra cứu nhãn hiệu và sáng chế bằng trí tuệ nhân tạo. Đây cũng là một hoạt động được triển khai trên cơ sở kết quả chuyến công tác của lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ tham dự phiên họp Đại hội đồng WIPO lần thứ 65 và làm việc với lãnh đạo cấp cao của WIPO (tháng 07/2024, tại Thụy Sỹ).

Ông Young Baek Kim, Cơ quan Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc chia sẻ tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc, ông Young Baek Kim (KIPO) cho biết, KIPO đã nghiên cứu và áp dụng hiệu quả trí tuệ nhân tạo trong hoạt động xử lý đơn sở hữu công nghiệp, bởi KIPO xác định ứng dụng công nghệ thông tin là một nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan sở hữu trí tuệ. Đến nay, KIPO đã trở thành một trong những cơ quan hàng đầu về ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Ông cũng hy vọng, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam sẽ xây dựng được hệ thống thẩm định sử dụng hiệu quả công cụ trí tuệ nhân tạo.

Đại diện WIPO, ông Gyudong Han, chuyên gia Vụ châu Á - Thái Bình Dương, WIPO nhấn mạnh,  xây dựng hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, Hội thảo này sẽ là một trong những bước khởi đầu của Cục Sở hữu trí tuệ, các đồng nghiệp WIPO và KIPO sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ Cục Sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực này

Các diễn giả và Ban tổ chức chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.

Trong 4 ngày diễn ra Hội thảo, các cán bộ của Cục Sở hữu trí tuệ đã được tiếp cận các kiến thức xoay quanh chủ đề chính như: trí tuệ nhân tạo, học máy (machine learning), học sâu (deep learning), đồng thời được thực hành lập trình python để triển khai thử nghiệm hệ thống tra cứu nhãn hiệu và sáng chế bằng trí tuệ nhân tạo. Bên cạnh đó, các chuyên gia WIPO, KIPO, KIPI cũng chia sẻ các mô hình trí tuệ nhân tạo đang được ứng dụng vào công tác quản trị đơn sở hữu công nghiệp, cũng như nêu ra những những vấn đề mà một cơ quan sở hữu trí tuệ cần nghiên cứu khi xây dựng một hệ thống trí tuệ nhân tạo. Trên cơ sở thực tiễn hoạt động, các cán bộ của Cục Sở hữu trí tuệ cũng đưa ra các vấn đề vướng mắc để chuyên gia tư vấn, giải đáp. Được biết, trong thời gian tới Cục Sở hữu trí tuệ sẽ nỗ lực hợp tác với WIPO và các đối tác từ Hàn Quốc trong việc ứng dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo trong quản trị cơ quan sở hữu trí tuệ.

L.H

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)