Theo Tổng cục Thủy sản, diện tích sản xuất nghêu của Việt Nam năm 2010 đạt khoảng 14.760 ha, đến năm 2019 tăng lên 19.200 ha, tập trung tại các tỉnh/thành phố ven biển từ Bắc tới Nam như: Tiền Hải (Thái Bình), Nam Định, Thanh Hóa, Tiền Giang, Bến Tre, Thành phố Hồ Chí Minh… Sản lượng tăng tương ứng từ 109.250 tấn lên 227.000 tấn. Nghêu của Việt Nam được xuất khẩu sang 42 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó thị trường chính là châu Âu, Mỹ, Trung Quốc…
Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre họp lấy ý kiến xây dựng Chỉ dẫn địa lý nghêu Bến Tre vào tháng 08/2022.
Mặc dù Việt Nam có nhiều vùng nuôi nghêu nhưng đến năm 2009, mới chỉ có duy nhất “Nghêu Bến Tre”, cũng là sản phẩm thủy sản đầu tiên của Đông Nam Á, được cấp Chứng nhận MSC. Đây là chứng nhận do Hội đồng Quản lý biển cấp cho “một đơn vị nghề cá” khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Chứng nhận này có giá trị 5 năm và đã được gia hạn lần thứ 2 đối với “Nghêu Bến Tre”. Chứng nhận MSC đã giúp cho nghêu Bến Tre mở rộng xuất khẩu sang các thị trường xuất khẩu khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… Tiếp theo đó, tháng 06/2024, Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn Địa lý và Nhãn hiệu Quốc tế, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KH&CN) đã ban hành Quyết định số 438/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00139 cho sản phẩm nghêu Bến Tre. Sở KH&CN Bến Tre là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.
Sản phẩm nghêu Bến Tre gồm có: nghêu tươi, nghêu nguyên con hấp chín đông lạnh và thịt nghêu hấp chín đông lạnh. Về cảm quan, nghêu tươi có màu vỏ trắng, trắng ngà, khoảng cách giữa các vân sinh trưởng đều. Nghêu nguyên con hấp chín đông lạnh có màu sắc thịt trắng, trắng đục. Thịt nghêu hấp chín đông lạnh có màu trắng, trắng ngà. Nghêu nguyên con hấp chín đông lạnh và thịt nghêu hấp chín đông lạnh có mùi thơm, không hôi.
Nghêu tươi (phải) và nghêu nguyên con hấp chín đông lạnh (trái).
Về chất lượng, nghêu tươi có tỷ lệ thịt/khối lượng cơ thể từ 7,05-7,21%, hàm lượng axit glutamic từ 17,7-18,2 mg/kg, hàm lượng lipid từ 1,54-2,15%. Nghêu nguyên con hấp chín đông lạnh có tỷ lệ thịt/khối lượng cơ thể từ 6,95-7,01%, hàm lượng axit glutamic từ 16,55-17,12 mg/kg, hàm lượng lipid từ 0,93-1,32%. Thịt nghêu hấp chín đông lạnh có hàm lượng axit glutamic từ 16,05-16,25 mg/kg, hàm lượng lipid từ 0,74-0,95%.
Nghêu Bến Tre có được đặc thù và danh tiếng như vậy là nhờ điều kiện tự nhiên và kinh nghiệm được tích lũy trong quá trình nuôi nghêu của người dân địa phương. Khu vực nuôi nghêu là những bãi triều gần cửa sông, địa hình bằng phẳng, không có dòng nước ngọt đổ vào trực tiếp; thời gian triều kiệt trong ngày từ 6-8 giờ, tỷ lệ cát trong chất đáy của bãi trên 90%, tỷ lệ bùn dưới 10%, thuộc hệ sinh thái rừng ngập mặn, dồi dào và phong phú các loài sinh vật phù du (là nguồn thức ăn quanh năm cho nghêu)… Tại Bến Tre, nghêu chủ yếu tập trung tại các xã: Thạnh Phong, Thạnh Hải (huyện Thạnh Phú); Thới Thuận, Thừa Đức (huyện Bình Đại); Bảo Thuận, An Thủy, Tân Thủy (Ba Tri).
Bên cạnh đó, Bến Tre có chế độ bán nhật triều (2 lần nước lên và 2 lần nước xuống trong ngày) nên thời gian phơi bãi (nước cạn) ngắn, ít bị ảnh hưởng của bão nhờ vậy nghêu có tình trạng sức khỏe tốt, vân sinh trưởng đều. Ngoài ra, Bến Tre không có mùa đông nên khu vực nuôi không bị biến động nhiệt lớn giữa các ngày trong tháng và giữa các tháng trong năm. Độ mặn nước biển tại các bãi nuôi nghêu dao động từ 15-30‰, ít xảy ra tình trạng cực đoan về độ mặn, vì vậy, nghêu Bến Tre có khả năng sống sót, sinh trưởng và phát triển tốt.
Thành phần cơ giới chất đáy nền bãi nuôi nghêu tại Bến Tre chủ yếu là cát, trong khi tàn dư thực vật trên nền đáy không cao do độ che phủ của rừng ngập mặn ở mức trung bình, vì vậy, hàm lượng các chất gốc SO4, CH4 trong thức ăn của nghêu tại bãi nuôi thấp. Yếu tố này góp phần giúp thịt nghêu Bến Tre có mùi thơm, không tanh và hôi như các vùng có tỷ lệ bùn cao trong chất đáy nền.
Nhờ mật độ nuôi nghêu thấp, khai thác bãi nghêu luân phiên (nuôi trong 18 tháng và ngừng nuôi trong 6 tháng) nên các bãi nuôi nghêu có thời gian phục hồi nguồn thức ăn tự nhiên. Nghêu Bến Tre được thu hoạch thủ công bằng tay, chỉ thu những cá thể đạt kích cỡ thương mại (từ 50-60 con/kg). Vì vậy, “Nghêu Bến Tre” sau thu hoạch có trạng khái khỏe, thịt chắc.
Duy trì và phát huy lợi thế
Bến Tre là tỉnh ven biển Đồng bằng Sông Cửu Long, với hệ thống sông ngòi chằng chịt, có đường bờ biển dài 65km tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển giống loài thủy sản lợ, mặn. Điều kiện tự nhiên ưu đãi đã mang lại cho Bến Tre nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển, trong đó nguồn lợi từ con nghêu ở các bãi triều ven biển là một tiềm năng kinh tế lớn.
Mỗi năm sản phẩm nghêu Bến Tre mang lại giá trị khoảng 200-250 tỷ đồng/năm đóng góp quan trọng vào tỷ trọng xuất khẩu của địa phương. Riêng năm 2023, tổng sản lượng khai thác đạt 8.636 tấn, mang lại giá trị xuất khẩu gần 200 tỷ đồng. Hoạt động khai thác và quản lý nghêu hiệu quả, tôn trọng luật pháp và tiêu chuẩn của địa phương, quốc gia và quốc tế. Hiện tại ngành nông nghiệp của Bến Tre hỗ trợ cho hợp tác xã thủy sản, cộng đồng người dân thực hiện nghiêm túc 3 bộ nguyên tắc theo tiêu chuẩn MSC để đáp ứng yêu cầu đánh giá duy trì hằng năm của đơn vị đánh giá.
Với những lợi thế như nêu trên, cùng các chứng nhận trong nước và quốc tế, để con nghêu của Bến Tre phát triển bền vững cần: (i) Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá thường niên và đánh giá định kỳ đối với nghề quản lý, khai thác nghêu; (ii) Tiếp tục triển khai các đề tài nghiên cứu nhằm đảm bảo phù hợp với các nguyên tắc và tiêu chí của MSC; (iii) Thực hiện nghiêm quy định về khai thác nghêu, bảo vệ, phát triển giống bố mẹ nhằm bảo tồn nguồn giống nghêu tự nhiên; (iv) Tổ chức quan trắc và cảnh báo môi trường vùng nghêu và nuôi thủy sản; (v) Kiểm soát chặt chẽ việc xả thải của các vùng nuôi thủy sản bên trong (điển hình là vùng nuôi tôm) để giảm thiểu tác động ảnh hưởng tiêu cực đến vùng nuôi và khai thác nghêu ven bờ; (vi) Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; (vii) Tất cả các vùng nuôi nghêu tập trung đều được kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm; (viii) Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Bến Tre để đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất nghêu, đảm bảo được nguồn nguyên liệu ổn định, phục vụ cho chế biến xuất khẩu.
H.L