Thứ sáu, 15/11/2024 16:03

Hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Ngày 14/11/2024, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và 4 đơn vị nghiên cứu hàng đầu cả nước là: Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội (KHXH) Việt Nam, Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội, ĐHQG TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội nghị thường niên năm 2024 với chủ đề “Hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST)”. Hội thảo có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia trong kỷ nguyên mới.

Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, hai Viện hàn lâm, hai Đại học quốc gia chủ trì Hội thảo.

Từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt khẳng định, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế luôn được Đảng và Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là 1 trong 3 đột phá chiến lược, tạo cơ sở pháp lý, môi trường an toàn, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, triển khai thi hành Hiến pháp, luật và pháp lệnh. Đây được coi là yếu tố thuận lợi trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế đồng thời cũng là nhiệm vụ lớn phải hoàn thành đối với các bộ, ngành nói chung.

Trong thời gian vừa qua, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về KH,CN&ĐMST đã được triển khai nghiêm túc, đồng bộ và toàn diện. Bộ KH&CN đang tích cực triển khai xây dựng 04 dự án luật/hồ sơ đề nghị xây dựng luật (bao gồm: Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật KH,CN&ĐMST; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Năng lượng nguyên tử). Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng pháp luật của Bộ, của ngành KH&CN, được thực hiện trong thời gian dài với trình tự, thủ tục gồm nhiều bước, cần sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, cơ quan liên quan. Trong đó, Luật KH,CN&ĐMST dự kiến trình Chính phủ trong tháng 02/2025, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 03/2025 và trình Quốc hội tháng 05/2025.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội thảo.

TS Phan Chí Hiếu - Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam nhấn mạnh, trong những năm qua, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng nhằm xây dựng và từng bước hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST. Đặc biệt, trong phát biểu về 7 định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh một trong các giải pháp, định hướng chiến lược phát triển kinh tế là “Đẩy mạnh công nghệ chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, lấy KH,CN&ĐMST làm động lực chính cho phát triển”. Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 09/07/2024 Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 107/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW, trong đó giao ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam xây dựng các Đề án tăng cường năng lực, phát triển 4 cơ quan ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Phan Chí Hiếu phát biểu tại Hội thảo.

Một số tồn tại

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Đức Minh đã nêu lên những bất cập nổi bật của hệ thống pháp luật hiện hành về KH,CN&ĐMST, cụ thể:

Một là, thiếu sự thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật KH&CN khiến việc quản lý các hoạt động KH&CN trở nên phức tạp, các đơn vị quản lý khó phối hợp và điều hành, dẫn đến chồng chéo trong nhiệm vụ và nguồn lực. Các cơ chế hỗ trợ đặc thù vẫn chưa thực sự tạo động lực mạnh mẽ để khuyến khích sự phát triển sáng tạo trong các lĩnh vực KH&CN. Thiếu các cơ chế đột phá đặc thù để tạo động lực phát triển KH&CN khiến Việt Nam gặp khó khăn trong cạnh tranh quốc tế. Các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp trong nước thiếu nền tảng pháp lý đủ mạnh để đối phó với sự cạnh tranh từ các quốc gia có chính sách hỗ trợ KH,CN&ĐMST mạnh mẽ.

Hai là, Luật KH&CN hiện nay chưa thể hiện được vai trò quan trọng của việc phát triển KHXH. KHXH vững mạnh là động lực quan trọng trong sự phát triển toàn diện của quốc gia. KHXH và nhân văn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Phát triển KHXH và nhân văn gắn liền với các mục tiêu phát triển con người, chú trọng đến các lĩnh vực giáo dục, đào tạo và phát triển kỹ năng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và kinh tế tri thức​. Pháp luật chưa có các quy định cụ thể để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực KHXH và nhân văn, đặc biệt là trong việc nghiên cứu các vấn đề cấp thiết liên quan đến văn hóa, chính trị và xã hội. Điều này khiến nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực này không được ưu tiên và gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tài trợ. Thiếu sự hỗ trợ cho các nghiên cứu xã hội, ảnh hưởng đến khả năng đưa ra các giải pháp sáng tạo trong chính sách công và các vấn đề xã hội. Các tổ chức nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực KHXH và nhân văn như Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam gặp nhiều trở ngại trong việc triển khai các dự án lớn hoặc các nghiên cứu dài hạn do thiếu kinh phí và cơ chế hỗ trợ đặc thù.

Ba là, các quy định tài chính trong lĩnh vực KH&CN hiện hành chưa linh hoạt và thiếu sự cập nhật với chi phí thực tế của các hoạt động khoa học. Định mức chi và quy định chi phí không được cập nhật, gây khó khăn trong thanh toán các chi phí đặc thù như chi phí khảo sát xã hội, phỏng vấn sâu hay nghiên cứu văn bản Hán Nôm… Các quy định này chưa tính đến các hoạt động nghiên cứu đặc thù của lĩnh vực KHXH, gây nhiều khó khăn trong việc lập kế hoạch và thanh toán. Các đơn vị nghiên cứu gặp trở ngại trong việc triển khai các hoạt động khoa học do vướng mắc trong thanh toán và phân bổ ngân sách, dẫn đến việc không thể tận dụng hết nguồn lực hiện có. Định mức chi quá thấp và quy trình thanh toán phức tạp khiến các nhà nghiên cứu thiếu động lực làm việc…

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.

Bốn là, các văn bản hiện hành chưa có các quy định tài chính riêng phù hợp với nhu cầu và đặc thù của các tổ chức KH&CN công lập. Những quy định tài chính hiện có chỉ được điều chỉnh bởi các thông tư chung, chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của tổ chức khoa học như Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, gây khó khăn trong quá trình vận hành. Các tổ chức KH&CN công lập không có cơ chế tài chính riêng, dẫn đến tình trạng phụ thuộc vào nguồn ngân sách từ các bộ, ngành. Điều này làm giảm khả năng tự chủ và linh hoạt trong quản lý tài chính của các tổ chức KH&CN, gây lãng phí nguồn lực và ảnh hưởng tới chất lượng nghiên cứu…

Năm là, hệ thống pháp luật hiện chưa có các chính sách đãi ngộ, tuyển dụng và giữ chân nhân lực chất lượng cao phù hợp với nhu cầu phát triển của KH,CN&ĐMST. Trong khi đó mong muốn tạo ra sức hút từ môi trường làm việc linh hoạt, tự chủ trong nghiên cứu và có cơ hội tham gia các dự án quốc tế khó thực hiện. Những chính sách thu hút nhân tài trong lĩnh vực KHXH càng trở nên khó khăn. Trong nước, các viện nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực KHXH khó có khả năng thu hút nhân tài từ nước ngoài khi các chính sách đãi ngộ chưa đủ sức cạnh tranh…

Sáu là, các quy định pháp lý về sở hữu trí tuệ hiện tại chưa đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi của các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và làm suy giảm động lực đầu tư vào nghiên cứu. Thiếu sự bảo vệ hiệu quả khiến các sáng chế có nguy cơ bị sao chép, xâm phạm bản quyền, làm giảm giá trị của các tài sản trí tuệ và nản lòng các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp đầu tư vào ĐMST. Nhà đầu tư trong nước và quốc tế có thể e ngại khi hệ thống bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ không đủ mạnh, khiến họ đối mặt với nguy cơ mất tài sản trí tuệ trong trường hợp xảy ra tranh chấp.

Giải pháp tháo gỡ

Đề cập đến việc hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ và phát triển thị trường KH&CN, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam GS.TS Chu Hoàng Hà cho biết, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, tài sản trí tuệ và phát triển thị trường KH&CN là các yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giúp các nghiên cứu khoa học và sáng tạo đóng góp trực tiếp vào thực tiễn. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, tài sản trí tuệ và phát triển thị trường KH&CN còn gặp nhiều thách thức về mặt cơ chế, chính sách. GS.TS Chu Hoàng Hà đưa ra một số đề xuất, kiến nghị để hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ và phát triển thị trường KH&CN như: tăng cường đầu tư Nhà nước vào các lĩnh vực ưu tiên, đột phá; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực KH&CN; xây dựng hành lang pháp lý thúc đẩy thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ trong việc phát triển thị trường KH&CN.

Về cơ chế, chính sách thử nghiệm, đặc thù, vượt trội trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, PGS.TS Lê Văn Thăng - Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế, ĐHQG TP Hồ Chí Minh đã chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế. Các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản đã có những định nghĩa rõ ràng về các loại rủi ro trong nghiên cứu khoa học, từ đó xây dựng các quy định cụ thể để quản lý. Thiết lập các cơ chế báo cáo rủi ro kịp thời, đồng thời có các quy trình xử lý rủi ro linh hoạt, phù hợp với từng tình huống cụ thể. Đảm bảo quyền lợi của các nhà nghiên cứu, khuyến khích họ báo cáo các rủi ro một cách trung thực và kịp thời. Các quốc gia đầu tư vào các trung tâm nghiên cứu với trang thiết bị hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động nghiên cứu. Tạo điều kiện để các cơ sở nghiên cứu kết nối và chia sẻ tài nguyên, giảm thiểu lãng phí và tăng cường hiệu quả nghiên cứu. Chính phủ Mỹ cũng áp dụng nhiều chính sách thuế ưu đãi để khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Mỹ có một hệ thống chuyển giao công nghệ hiệu quả, giúp kết nối các cơ sở nghiên cứu với doanh nghiệp.

Các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã nhận ra tầm quan trọng của ưu đãi thuế nghiên cứu và phát triển trong việc thúc đẩy ĐMST và tăng trưởng kinh tế. Bằng cách giảm gánh nặng thuế cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển, các chính phủ EU không chỉ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các công ty khởi nghiệp. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tối đa, việc thiết kế và thực hiện các chính sách ưu đãi thuế nghiên cứu và phát triển cần được cân nhắc kỹ lưỡng, kết hợp hài hòa giữa các biện pháp trực tiếp và gián tiếp.

Vũ Hưng

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)