Các nguồn chính gây ô nhiễm không khí tại đô thị
Tại Tọa đàm, PGS Hồ Quốc Bằng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu (TP Hồ Chí Minh), đã chia sẻ dữ liệu nghiên cứu về các nguồn gây ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trong đó, hai nguồn phát thải chính là giao thông vận tải và sản xuất công nghiệp. Đáng chú ý, nếu tại Hà Nội, nguồn phát thải giao thông tập trung vào nhóm phương tiện xe tải hạng nặng thì tại TP Hồ Chí Minh, xe máy là “thủ phạm” chính. Ngoài ra, vào các thời điểm chuyển mùa, thói quen đốt rơm rạ của người dân ở vùng ngoại thành cũng tạo ra một lượng phát thải lớn có thể lên đến 10% tổng khí thải.
PGS Hồ Quốc Bằng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu thuyết trình về nguồn gốc ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Tại Tọa đàm, GS. Yafang Cheng, chuyên gia hàng đầu thế giới về aerosol và ô nhiễm không khí, cung cấp con số đáng báo động: Khoảng 9 triệu người tử vong ở độ tuổi trẻ vào năm 2019 vì ô nhiễm không khí, trong khi tổng số người tử vong vì COVID-19 trên toàn cầu chỉ có 7 triệu.
Aerosol (hay còn gọi là sol khí) là những bọt nước li ti trong không khí có kích thước siêu nhỏ. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm không khí, cũng như gây ra cái chết cho hàng triệu người mỗi năm trên thế giới. Do đó, so với COVID-19, sol khí nguy hiểm hơn và việc lý giải được cơ chế tác động của sol khí đến khí hậu và sức khoẻ con người trở nên cấp bách hơn.
Theo GS Yafang Cheng, hiện nay, các nhà khoa học rất thiếu thông tin về ô nhiễm sol khí. Hiện tượng ô nhiễm này có thể dễ dàng quan sát được bằng mắt thường, trông giống như sương mù. Tại Việt Nam, hiện tượng ô nhiễm sol khí này vẫn được gọi là mù quang hoá.
Ô nhiễm sol khí diễn ra nhiều hơn vào mùa đông do không khí lạnh bị nén xuống mặt đất khiến các chất gây ô nhiễm như sunfat, nitơ và các chất hữu cơ khác bị kẹt lại ở tầng thấp trong tầng đối lưu, không thể phát tán. Chúng tương tác với sol khí và tạo ra phản ứng hoá học làm không khí trở nên mù mịt. Điều này cũng lý giải vì sao Hà Nội thường xuất hiện mù quang hoá nhiều hơn TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt, “điều kiện khí hậu càng bất lợi càng khiến ô nhiễm không khí nghiêm trọng hơn”, GS Yafang Cheng cho biết.
Theo kết quả nghiên cứu của nhóm GS Yafang Cheng, một trong những nguồn phát thải các hợp chất ôxit nitơ (NOx) và carbon đen (muội than - NH3) nhiều nhất là ngành giao thông. Vì thế, kiểm soát được nguồn phát thải này sẽ giúp kiểm soát đáng kể tình trạng ô nhiễm sol khí đô thị.
GS Yafang Cheng dẫn chứng từ cách Trung Quốc kiểm soát vấn đề ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Bắc Kinh. Theo đó, trong nhiều biện pháp đồng bộ, chính quyền nước này đã triển khai xây dựng đường sắt đô thị và điện hoá các phương tiện giao thông.
Giao thông xanh - giải pháp cho “sức khỏe” không khí
Các nhà khoa học tham gia thảo luận tại Tọa đàm.
Tại Tọa đàm, các nhà khoa học đã tham gia bàn luận về các giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm không khí. GS Daniel Kammen (cố vấn của Cơ quan Bảo vệ môi trường, Bộ Năng lượng Mỹ), đánh giá cao vai trò của xe điện. Đặc biệt, ông nhắc đến và đề cao những nỗ lực của VinFast trong sản xuất xe điện cũng như tích hợp việc sử dụng xe điện với phương tiện giao thông công cộng.
Cựu Đặc phái viên Khoa học của Bộ Ngoại giao Mỹ - GS Daniel Kammen đề xuất cấm bán xe chạy bằng xăng dầu trong tương lai.
Theo GS Daniel Kammen, các quốc gia cần đẩy nhanh hơn nữa việc sản xuất xe điện, cũng như tạo các hành lang pháp lý cho xe điện phát triển, đơn cử như chính sách cho việc xây dựng trạm sạc và tăng cơ hội tiếp cận xe điện cho người có thu nhập không cao. Điều này không chỉ bảo vệ cho tương lai của khí hậu mà còn đảm bảo cho bình đẳng xã hội. Đặc biệt, ông đề xuất một giải pháp mạnh mẽ hơn là cấm bán xe mới chạy bằng xăng trong tương lai.
Cùng tham gia thảo luận, GS Hồ Quốc Bằng đề xuất áp dụng thuế khí thải hay thuế ô nhiễm với các nguồn phát thải. Việt Nam hiện tại chưa có hai loại thuế này, song có thể cân nhắc tới chính sách đánh thuế ô nhiễm trong thời gian tới nếu muốn có cơ chế mạnh mẽ bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Trong khi đó, chủ trì Tọa đàm - GS Susan Solomon (Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ) nhấn mạnh: Trong hành trình giải quyết ô nhiễm không khí liên quan đến giao thông, sẽ không có “cây đũa thần” nào giúp ta đạt mục tiêu ngay lập tức mà cần sự chung tay, các quốc gia đang phát triển rất cần sự hỗ trợ của các quốc gia phát triển.
Bắc Lê