Thứ sáu, 27/12/2024 15:22

Hà Nội: Thực trạng và giải pháp hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo của các nhà sáng chế không chuyên

ThS Nguyễn Công Đức, TS Đỗ Đức Nam, TS Nguyễn Trọng Hiếu, Trần Văn Hiếu

Viện Nghiên cứu Sáng chế và Khai thác Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ

Trong những năm qua, nhiều nhà sáng chế không chuyên trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tạo ra những sản phẩm giá trị, trong đó nhiều sản phẩm có tiềm năng thương mại hóa cao. Bài viết khái quát về thực trạng hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST) của các nhà sáng chế không chuyên tại Hà Nội và đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của đội ngũ này.

Các nhà sáng chế không chuyên của Thành phố Hà Nội tham gia cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc.

Thế nào là nhà sáng chế không chuyên?

Theo Cẩm nang FRASCATI - Hướng dẫn thống kê nghiên cứu phát triển của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nhân lực nghiên cứu phát triển bao gồm những người trực tiếp tham gia vào hoạt động nghiên cứu phát triển hoặc trực tiếp hỗ trợ hoạt động nghiên cứu phát triển. Nhân lực nghiên cứu phát triển được chia thành 3 nhóm:

Nhóm 1: Các nhà nghiên cứu (nhà nghiên cứu/nhà khoa học/kỹ sư nghiên cứu): đây là những nhà nghiên cứu chuyên nghiệp có trình độ cao đẳng/đại học, thạc sĩ, tiến sĩ hoặc không có văn bằng chính thức song vẫn thường xuyên làm các công việc tương đương như nhà nghiên cứu/nhà khoa học, tham gia vào quá trình tạo ra tri thức, sản phẩm và quy trình mới, tạo ra phương pháp và hệ thống mới.

Nhóm 2: Nhân viên kỹ thuật và tương đương: nhóm này bao gồm những người thực hiện các công việc đòi hỏi phải có kinh nghiệm và hiểu biết kỹ thuật trong những lĩnh vực KH&CN. Họ tham gia vào nghiên cứu phát triển bằng việc thực hiện những nhiệm vụ khoa học và kỹ thuật có áp dụng những khái niệm và phương pháp vận hành dưới sự giám sát của các nhà nghiên cứu thuộc nhóm 1.

Nhóm 3: Nhân viên hỗ trợ trực tiếp việc nghiên cứu phát triển: bao gồm những người làm việc về văn phòng, nhân sự, tài chính, hành chính... trực tiếp phục vụ công việc nghiên cứu phát triển của các tổ chức nghiên cứu phát triển.

Ở Việt Nam, theo quan niệm phổ biến, nhân lực KH&CN gồm 5 thành phần chủ yếu sau: i) Viên chức làm công tác nghiên cứu khoa học (giữ các chức danh khoa học như trợ lý nghiên cứu, nghiên cứu viên, nghiên cứu viên chính, nghiên cứu viên cao cấp), làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập (học viện, viện nghiên cứu, trường đại học…); ii) Viên chức giữ các chức danh công nghệ (kỹ thuật viên, kỹ sư, kỹ sư chính, kỹ sư cao cấp) làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; iii) Cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về KH&CN ở các cấp Trung ương, tỉnh, huyện có tham gia hoặc chỉ đạo công việc nghiên cứu phục vụ việc hoạch định các quyết sách, quyết định về KH&CN trong thẩm quyền của mình; iv) Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài và các chuyên gia nước ngoài làm việc trong lĩnh vực KH&CN tại Việt Nam; v) Các cá nhân thuộc mọi tầng lớp xã hội yêu thích khoa học kỹ thuật, có sáng kiến cải tiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đời sống.

Tại Việt Nam hiểu theo quan niệm “nhân lực khoa học công nghệ trong biên chế nhà nước” thì đội ngũ này bao gồm các nhóm 1, 2 và 3 nêu trên. Trong đó, nhóm 1 và 2 được gọi chung là viên chức KH&CN (theo quy định tại Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV ngày 01/10/2014 của Bộ Nội vụ và Bộ KH&CN quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành KH&CN); nhóm 3 được gọi là công chức lãnh đạo, quản lý KH&CN (hoặc nhân lực quản lý KH&CN). Nhóm 4 và 5 trong phân loại nhân lực KH&CN tại Việt Nam không thuộc biên chế nhà nước như các nhóm 1, 2 và 3 nhưng họ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển KH&CN.

Vì vậy, “nhà sáng chế không chuyên” là những cá nhân hoặc nhóm người không được đào tạo bài bản trong lĩnh vực khoa học công nghệ mà họ sáng tạo hoặc không làm việc trong các tổ chức nghiên cứu chuyên nghiệp, nhưng nhưng dựa trên kinh nghiệm thực tiễn, tư duy sáng tạo, và khả năng tự học họ sáng tạo ra các giải pháp kỹ thuật, sáng kiến hoặc sáng chế  nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn trong đời sống, sản xuất, hoặc cộng đồng.

Hoạt động đổi mới sáng tạo của các nhà sáng chế không chuyên tại Hà Nội

Trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước luôn coi trọng việc nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào thực tiễn, đồng thời khuyến khích sự năng động, sáng tạo từ nhân dân phục vụ xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhiều chính sách và cơ chế đã được ban hành để thúc đẩy sáng tạo, sáng chế như Luật KH&CN, Luật Chuyển giao Công nghệ, Luật Thi đua Khen thưởng, Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ (Chương trình 68) hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức, bảo vệ tài sản trí tuệ và tăng khả năng cạnh tranh. Chính phủ cũng khuyến khích phát triển doanh nghiệp KH&CN thông qua Nghị định 13/2019/NĐ-CP... Bên cạnh đó có nhiều hoạt động tạo môi trường để vinh danh, thúc đẩy sáng kiến, ĐMST và thương mại hóa sản phẩm, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững như Cuộc thi Nhà sáng chế, Ngôi sao Sáng chế, Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc...

Tại Hà Nội, trong giai đoạn 2013-2023, thành phố đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định và kế hoạch nhằm thúc đẩy hoạt động sáng kiến, sáng tạo và thương mại hóa sáng chế trên địa bàn. HĐND Thành phố đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, như Nghị quyết 04/2013/NQ-HĐND ngày 12/7/2013 của Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội về chính sách ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển KH&CN và các nhà KH&CN tham gia thực hiện chương trình KH&CN trọng điểm của Thủ đô; Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐND ngày 8/7/2019 và Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 của HĐND thành phố Hà Nội về việc quy định một số nội dung và mức chi thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố; Nghị quyết số 05/2019/HĐND ngày 8/7/2019 thông qua chủ trương ban hành đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025 và các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo thuộc đề án... UBND Thành phố cũng đã triển khai một số quyết định, kế hoạch đáng chú ý như: Phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” giai đoạn 2021-2025 (Kế hoạch số 04/2021), Quyết định số 11/2020/QĐ-UBND ngày 6/8/2022 của UBND TP Hà Nội về Quy chế “Quản lý kinh phí phát triển công nghiệp hỗ trợ và quy định mức chi cụ thể các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ của thành phố Hà Nội” và Quyết định 3567/QĐ-UBND ngày 16/7/2021 của UBND TP Hà Nội phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, với mục tiêu tăng số lượng đăng ký sáng chế trung bình tăng 16-18%/năm... Những chính sách này hướng đến việc thúc đẩy ĐMST, khuyến khích ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và thương mại hóa sáng chế trong mọi tầng lớp nhân dân, kể cả nhóm nhà khoa học “không chuyên”.

Nhờ đó, lực lượng nhà sáng chế không chuyên của Hà Nội tích cực phát huy tinh thần sáng tạo, đóng góp cho xã hội nhiều sản phẩm có giá trị, từ máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp (máy gặt đập, máy tuốt lúa…), tới những sản phẩm có kết cấu phức tạp (máy nông nghiệp đa năng, tay nắm trị liệu...). Đặc biệt một số sản phẩm đã có nhiều đơn đặt hàng khi tham gia các hội chợ, triển lãm như Chợ công nghệ và thiết bị chuyên ngành (Techmart). Một số nhà sáng chế đã thành lập doanh nghiệp để sản xuất sản phẩm với quy mô lớn như: ông Nguyễn Hữu Tùy (sáng chế máy gieo trồng đậu tương 8HD2L), ông Tạ Đình Huy (sáng chế máy nông nghiệp đa năng), ông Trần Quang Thiều (sáng chế bẫy chuột không cần mồi)... Các sản phẩm KH&CN của các nhà sáng chế không chuyên này đã có đóng góp tích cực cho hoạt động ĐMST, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

Nhà sáng chế Tạ Đình Huy (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) với sản phẩm máy nông nghiệp đa năng.

Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, các nhà sáng chế không chuyên của Hà Nội vẫn còn gặp không ít khó khăn. Sự hỗ trợ trực tiếp của các cơ quan quản lý dành cho họ chủ yếu mới dừng ở mức cung cấp thông tin, hỗ trợ viết bản mô tả giải pháp kỹ thuật để tham gia các hội thi sáng tạo kỹ pháp kỹ thuật tại các hội chợ công nghệ, trao giải và vinh danh. Nhà sáng chế thiếu kiến thức chuyên môn để sản phẩm đạt độ ổn định về kỹ thuật và mẫu mã, khó khăn về nguồn lực (nhân lực, vật lực, tài chính) để đầu tư sản xuất quy mô lớn...

Một số giải pháp đề xuất

Trong thời gian tới, để khắc phục các khó khăn nêu trên giúp các nhà sáng chế không chuyên phát huy tốt hơn nữa tiềm năng thế mạnh của mình, cần quan tâm tới một số vấn đề chính sau:

Đối với Bộ Khoa học và Công nghệ: Cần chủ trì phối hợp các bộ, ngành liên quan sớm có thông tư về cơ chế để hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, chế tạo sản phẩm của người dân; cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người dân có những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đưa sản phẩm của các nhà sáng chế không chuyên vào được thị trường, trở thành sản phẩm hữu ích cho xã hội.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước về Khoa học và Công nghệ cấp thành phố: Cần chủ động vận dụng cơ chế chính sách với các định hướng chủ yếu sau:

Một là, cụ thể hóa chủ trương, chính sách (nghị định của Chính phủ, thông tư, hướng dẫn của các bộ, ngành) về hoạt động KH&CN (bao gồm chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp) trên địa bàn thành phố.

Hai là, khẩn trương hoàn thiện và vận hành Quỹ phát triển KH&CN của Thành phố nhằm kịp thời đầu tư, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển KH&CN, phong trào sáng kiến của quần chúng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Ba là, đối với các sáng kiến, sáng chế, cải tiến kỹ thuật tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật (đặc biệt là các sản phẩm đạt giải) cần được xem xét, đề xuất hỗ trợ, đầu tư thành các đề tài, dự án KH&CN cấp thành phố để tuyên truyền, phổ biến, mở rộng, phát triển. Ưu tiên các tác giả, nhóm tác giả tự đầu tư nghiên cứu sáng tạo, sáng chế ra các sản phẩm có giá trị, được ứng dụng hiệu quả trong sản xuất và đời sống. Có hình thức khen thưởng bổ sung cho những tác giả, nhóm tác giả đạt giải cao tại các hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc.

Bốn là, tham mưu, triển khai cơ chế, chính sách mua lại các sáng kiến, sáng chế, cải tiến kỹ thuật, giải pháp… hữu ích, có hiệu quả của những đơn vị và cá nhân tự đầu tư nghiên cứu sáng tạo; hỗ trợ kinh phí đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho người dân.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thủ tướng Chính phủ (2005), “Quyết định 68/2005/QĐ-TTg ngày 4/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp”.

2. Bộ Khoa học và Công nghệ (2014), “Thông tư 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV ngày 1/10/2014 Quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành KH&CN”.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)