Thứ năm, 09/01/2025 07:32

Phương pháp biến đổi gen khiến muỗi cái tử vong sau giao phối

Muỗi, loài côn trùng gây ra các bệnh nguy hiểm như sốt xuất huyết và sốt rét, ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người trên toàn thế giới mỗi năm. Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học Macquarie (Australia) đang thử nghiệm một phương pháp kiểm soát quần thể muỗi hoàn toàn mới, được kỳ vọng sẽ góp phần ngăn chặn sự lây lan của các bệnh này.

Phương pháp mới này có tên gọi là “Kỹ thuật đực độc tố” (Toxic Male Technique - TMT). Thông qua việc biến đổi gen, các nhà khoa học khiến muỗi đực sản sinh protein độc tố trong tinh dịch, nhằm giết chết muỗi cái ngay sau khi giao phối. Điều đặc biệt là chỉ muỗi cái - loài hút máu và truyền bệnh - mới bị ảnh hưởng bởi kỹ thuật này. Kết quả của nghiên cứu đã được đăng tải trên Tạp chí Nature.

So với việc sử dụng thuốc diệt côn trùng hoặc các phương pháp khác như “Kỹ thuật côn trùng bất thụ” hay muỗi mang gen gây chết, TMT vượt trội hơn nhờ khả năng tác động trực tiếp đến thế hệ muỗi cái hiện tại. Các phương pháp cũ chỉ làm giảm khả năng sinh sản ở thế hệ sau, nhưng không ngăn được muỗi cái hiện tại tiếp tục hút máu và truyền bệnh trong vài tuần. TMT nhắm vào các loài muỗi nguy hiểm nhất, như những loài gây ra bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, Zika, chikungunya và sốt vàng da. Điều này giúp kiểm soát quần thể muỗi một cách chính xác mà không làm ảnh hưởng đến các loài côn trùng có lợi hoặc các sinh vật khác trong chuỗi thức ăn. Ngoài ra, TMT cũng được kỳ vọng là giải pháp hiệu quả trước tình trạng muỗi ngày càng kháng thuốc diệt côn trùng, vốn gây khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh trên toàn cầu.

Theo Sam Beach - tác giả chính của nghiên cứu, nếu phương pháp này thành công, nó có thể làm giảm nhanh chóng sự lây lan của các bệnh truyền qua vector. Ông chia sẻ, với cách tiếp cận này, nhóm nghiên cứu có thể giảm ngay số lượng muỗi cái, từ đó hy vọng giảm nhanh tốc độ lây lan của các bệnh truyền nhiễm. Hiện tại, nhóm nghiên cứu vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Các thí nghiệm trên ruồi giấm đã cho thấy tuổi thọ của ruồi cái giảm 37-64% sau khi giao phối với ruồi đực đã biến đổi gen. Dựa trên mô hình máy tính, nhóm nghiên cứu dự đoán việc áp dụng TMT vào một số loài muỗi truyền bệnh như sốt xuất huyết và Zika có thể giảm tỷ lệ hút máu 40-60%. Điều này mang ý nghĩa lớn trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2023, toàn cầu ghi nhận khoảng 263 triệu ca sốt rét, trong khi Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu ghi nhận 14 triệu ca sốt xuất huyết.

GS Maciej Maselko - Đại học Macquarie, người đứng đầu phòng thí nghiệm thực hiện nghiên cứu lưu ý, TMT cần được thử nghiệm trực tiếp trên muỗi và trải qua các bước kiểm tra an toàn nghiêm ngặt để đảm bảo không gây hại cho con người hay các loài không phải mục tiêu.

TXB (theo Đại học Macquarie)

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)